Độc chiêu lừa trẻ em, học sinh trúng thưởng Iphone đắt tiền

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các đối tượng đã giả vờ tặng quà là những chiếc điện thoại Iphone trị giá cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Chúng giả vờ thông báo trúng thưởng tặng điện thoại rồi lừa trẻ em, học sinh, sinh viên thanh toán bằng các thẻ cào điện thoại để nhận được phần thưởng. Tin lời dụ dỗ của các đối tượng, nhiều trẻ em đã nhịn ăn sáng hoặc tiền tiêu xài cá nhân để chuyển tiền cho các đối tượng. Đáng lưu ý, sự việc chỉ bị phát hiện khi các nạn nhân không còn tiền để mua thẻ cào có giá trị chuyển cho đối tượng lừa đảo.

Tiếp xúc với chúng tôi, cháu T. (ngụ TP Tây Ninh, học sinh lớp 7) khóc nức nở khi kể về việc mình bị các đối tượng lừa mất tiền khi tham gia đăng ký nhận thưởng trên mạng xã hội facebook. Cháu T tâm sự: “Vào ngày 7/10, em thấy một tài khoản tên Anh nhắn với nội dung rằng, xin chúc mừng bạn, bạn đã trúng Iphone 14 Pro Max 256gb hơn 32 triệu đồng tại minigame. Để nhận thưởng, bạn vui lòng cho mình xin thông tin để nhận quà. Tin lời, em cung cấp cho họ tên, địa chỉ, số điện thoại với mong muốn được nhận quà”.

Nội dung tin nhắn và hình ảnh mà đối tượng lừa đảo gửi cho các nạn nhân.

Nội dung tin nhắn và hình ảnh mà đối tượng lừa đảo gửi cho các nạn nhân.

Khi có được thông tin cá nhân theo yêu cầu, đối tượng gửi hình màu của điện thoại Iphone 14 Pro Max 256gb kêu cháu T. chọn màu theo sở thích. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu em T. phải nộp 200.000đ bằng thẻ cào điện thoại để công ty làm thủ tục xuất hoá đơn. Khi đó, cháu T. mới nhận máy miễn phí. Không chút nghi ngờ, cháu T. đã dùng tiền ăn sáng của mình để mua thẻ cào điện thoại nộp cho bọn chúng. Sau đó, đối tượng yêu cầu cháu T. nộp thêm tiền cọc 500.000đ. Khi chúng giao điện thoại sẽ trả lại tiền này cho cháu T, nếu không đóng thì nạn nhân sẽ không nhận được máy.

Lúc này, cháu T. không có tiền. Tuy nhiên, nạn nhân bị đối tượng thúc ép kêu vay mượn bạn bè, người thân để chuyển tiền cho chúng. Để trấn an “con mồi”, đối tượng tung chiêu bài tặng thêm tai nghe nhưng cháu T. phải nộp thêm phí kích hoạt. Đáng lưu ý, cháu T. nói không có tiền thì đối tượng giả vờ cho mượn. Đồng thời, đối tượng yêu cầu khi nhận máy phải trả lại tiền cho chúng. Do thiếu sự hiểu hiết, cháu T. tin tưởng tuyệt đối rằng mình gặp may mắn và sắp nhận được món quà yêu thích. Sau đó, đối tượng yêu cầu T. phải nộp tiếp 4 triệu đồng tiền cọc nữa. Lúc này, cháu T. thấy số tiền vượt quá khả năng của mình nên sẻ chia vụ việc cho gia đình. Được sự giải thích và khuyên nhủ của cán bộ Công an và gia đình, cháu T. mới biết mình bị kẻ gian lừa đảo với thủ đoạn tinh vi như trên.

Tương tự, trường hợp em N. (ngụ TP Tây Ninh) cũng bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, đối tượng yêu cầu cháu N. nộp 100.000đ. Khi em N. nộp xong, đối tượng nói em N. nộp thêm 200.000đ; nếu phải nộp thêm 100.000đ thì sẽ nhận thêm điện thoại hơn 30 triệu đồng khác. Để tạo thêm lòng tin, đối tượng gửi hình ảnh máy điện thoại được khui hộp với tin nhắn: “Bạn ơi! Cửa hàng đã mở điện thoại của bạn ra rồi! Bạn cần thanh toán 400.000đ Viettel nữa để đóng thuế nhà nước vì phần quà bạn nhận có giá trị 25.900.000đ nên phải thực hiện đóng thuế! Bạn vui lòng thanh toán bằng thẻ cào. Khi bạn thanh toán phí thuế xong, cửa hàng mới đủ điều kiện gói quà lại và gởi quà cho bạn được á!”.

Sau khi em N. nộp đủ thẻ cào 400.000đ, đối tượng tiếp tục kêu đưa thêm thẻ cào 800.000đ và nói cửa hàng hỗ trợ 300.000đ. Tin lời, em N. tiếp tục vay mượn bàn bè nộp thêm thẻ cào 500.000đ. Sau đó, đối tượng cho biết công ty không đồng ý và yêu cầu em N. phải nộp thêm tiền. Tuy nhiên, em N đã không còn khả năng nộp thêm thẻ cào có giá trị như trên theo yêu cầu của đối tượng thì đối tượng chặn không liên lạc được. Lúc này, em N. đã biết mình bị lừa đảo và trình báo Công an tỉnh Tây Ninh.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo: Qua 2 trường hợp trên cho thấy, đối tượng đã nhắm tới nạn nhân là những trẻ em, học sinh, sinh viên “nhẹ dạ”, tin rằng mình có thể nhận được điện thoại đắt tiền, những phần quà có giá trị qua mạng xã hội một cách dễ dàng. Đề nghị người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh hết sức quan tâm đến sinh hoạt, học tập của con em mình. Người dân đừng để con em không dùng tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt hay vay mượn của bạn bè để bị sập bẫy lừa đảo. Đồng thời, khi người dân gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần kịp thời trình báo với cơ quan Công an để ngăn chặn, bắt giữ và xử lý đối tượng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng bằng chiêu lừa cho vay tiền qua ví điện tử

Các đối tượng đã yêu cầu người cần vay tiền cung cấp thông tin cá nhân để lập tài khoản ví điện tử rồi chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng của nhiều người trong cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Nhung-Đ.Tiến ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN