Điều kiện để xử lý hình sự đối tượng cắt gân tay, chân vợ

Mặc dù đối tượng Chu Quang Đạo đã ra cơ quan Công an đầu thú khai nhận hành vi cắt gân tay, chân, gây thương tích cho vợ, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện xử lý hình sự đối tượng.

Như Dân việt đã thông tin, Chu Quang Đạo (SN 1966) đã ra đầu thú tại Công an huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Tại đây, đối tượng đã khai nhận hành vi gây thương tích cho vợ là chị D.T.H (ở thôn Chớp, xã Lương Phong, Hiệp Hòa). Hành vi của Đạo là dùng dao cắt vào chân, tay chị H làm đứt gân, tiếp đó đối tượng dùng dùng chuôi dao đánh vào vùng mắt chị H gây thương tích. Chị H hiện đã được phẫu thuật nối lại gân và đang được điều trị.

Điều kiện để xử lý hình sự đối tượng cắt gân tay, chân vợ - 1

Chị H đang được điều trị.

Hành vi của Đạo, theo các chuyên gia pháp lý đó là dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Theo LS Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), mặc dù đối tượng Đạo đã ra đầu thú, khai nhận hành vi của mình nhưng chỉ như thế vẫn chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự đối tượng. LS Thanh lý giải: Đối với hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan tố tụng muốn xử lý hình sự phải có kết quả giám định tỷ lệ thương tật của nạn nhân.

"Nếu như thương tật của nạn nhân chỉ ở Khoản 1 Điều 104, nghĩa là thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, nhưng người gây án dùng hung khí nguy hiểm, gây tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội với nhiều người, với trẻ em... (như trường hơp đối tượng Đạo dùng dao cắt chân, tay vợ, đó là dùng hung khí), thì bị hại phải có yêu cầu cơ quan điều tra mới có căn cứ khởi tố vụ án hình sự" - LS Thanh cho hay.

LS Thanh phân tích thêm, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân thuộc vào các Khoản 2, 3, của Điều 104, nghĩa là tỷ lệ thương tật cao hơn so với quy định ở Khoản 1, thì không cần có yêu cầu của bị hại, cơ quan điều tra vẫn có căn cứ khởi tố, xử lý hình sự với đối tượng phạm tội. "Tuy nhiên nạn nhân phải hợp tác đi giám định tỷ lệ thương tật thì mới có căn cứ biết người đó bị thương tích bao nhiêu %. Nếu nạn nhân không đồng ý giám định thương tật, thì cơ quan chức năng sẽ rất khó có căn cứ xử lý hình sự đối tượng đã có hành vi gây thương tích. Lúc này cơ quan chức năng chỉ xử lý được về mặt hành chính đối với người đã có hành vi gây thương tích" - LS Thanh bày tỏ.

Một số luật sư của Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua đã có rất nhiều những vụ án cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, nhưng bị hại không những không tố giác người phạm tội mà còn từ chối đi giám định thương tật. Các trường hợp này có nguyên nhân do giữa người bị hại và đối tượng gây án có mối quan hệ gia đình, họ hàng (anh em ruột, vợ chồng, bố con…) hoặc mối quan hệ hàng xóm láng giềng, nên người bị hại đã từ chối giám định thương tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN