Điệp viên liều lĩnh và xinh đẹp (Kỳ cuối)
Việc Mata Hari có phải là điệp viên hai mang hay không vẫn còn đang là vấn đề nhiều tranh cãi cho tới tận ngày nay.
Margaret Tselle chờ đợi cái chết của mình trong phòng đơn của nhà tù Sen-Lazar. Cho đến phút chót cô vẫn đóng vai Mata Hari của chính mình: Cô vẫn múa những điệu múa lễ thức trước những người tu hành đến an ủi cô và khuyên cô nhập đạo, cô đã hứa nói ra ba điều bí mật cho một ông bác sĩ: điều thứ nhất – cho ông tình yêu, điều thứ hai – cho ông tiền bạc và điều thứ ba – cho ông cuộc sống vĩnh hằng; một ông luật sư già yêu cầu cô tuyên bố rằng cô đã có mang với ông, nghe xong cô đã cười lớn.
Thời gian cuối cùng cho cuộc đời của Mata Hari đã hết. Sáng sớm ngày 15/10/1917, các sĩ quan tới đánh thức cô dậy. Để đảm bảo tính nhân đạo của Pháp, các tử tội không được thông báo ngày mình bị xử tử trước.
Theo thông lệ, những người tới đón tù nhân đi xử tử thường cố tình gây ra những tiếng động mạnh ngay từ khi bước vào nhà tù để phạm nhân có thể đối mặt với điều này một cách dễ dàng hơn.
Họ tới bịt mắt và khoá tay Mata Hari. Viên đội trưởng Bounchardon thông báo một cách tế nhị: “Hãy can đảm lên. Lời thỉnh cầu của cô đã bị tổng thống không chấp nhận. Thời gian của cô đã hết”.
Cảnh hành quyết Mata Hari trong cánh rừng Vincenes.
Mata Hari kêu lên: “Không thể nào! Không thể nào”.
2 người nữ tu nhẹ nhàng tới an ủi tù nhân từ 2 tháng trước khi họ bị tử hình. Mata Hari nói với các nữ tu: “ Tôi không sợ, thưa xơ. Tôi sẽ được biết chết là như thế nào”.
Cô từ chối không hút thuốc lá, nhưng uống một ly rượu grog. Có đề nghị đưa linh mục đến thực hiện nghi thức xưng tội và sám hối nhưng vẫn tuyên bố: “Tôi không muốn tha tội cho người Pháp. Nhưng thế nào cũng được. Tất cả đều như nhau. Sống không là gì, mà chết cũng không là gì. Chết, ngủ, mơ, những cái đó có nghĩa gì không? Cũng như nhau, đúng không – chết hôm nay hay chết ngày mai, chết trên giường mình hay lúc dạo chơi? Tất cả đều là lừa dối”.
Cô được phép viết ba bức thư ngắn: cho một quan chức nào đó, cho người tình Vadim và cô con gái.
Ngoài cổng nhà tù đã có 5 chiếc ô tô. Buổi sáng ảm đạm hôm ấy người ta đã bắn cô trong khu rừng cạnh bãi tập Vensen. Mata Hari đối mặt với cái chết rất can đảm. Cô bước đi với cái đầu ngẩng cao và từ chối không bịt mặt. Người tù nhân xinh đẹp và cực kỳ thông mình này bình thản nhìn 12 tay súng giơ lên ngắm vào mình. Khi lệnh được ban ra, những ống súng nổ khói và Mata Hari mãi ra đi. Một viên đạn đã ngắm đúng trái tim của Mata. Dù không cần thiết nhưng theo luật, viên chỉ huy cuộc xử tử vẫn ra lệnh một sĩ quan tới và giơ súng chỉ vào tai Mata rồi bóp cò.
Có một sự trùng hợp tình cờ là con gái của Mata Hari, Non, cô gái lớn lên không cần tới mẹ, sống mạnh mẽ và cứng rắn cũng đã chết trẻ một cách bất ngờ. Ở tuổi 21, Non dự tính theo học ở Hà Lan và trở thành một giáo viên. Tuy nhiên, Non đã qua đời trên giường ngủ vào đêm trước khi lên đường đi học, có lẽ là bị một cơn đột quỵ.
Mata Hari huyền thoại
Cuộc đời, những chuyện phiêu lưu và đặc biệt là cái chết của Mata Hari là nguồn gốc biết bao huyền thoại về cô. Điệp viên người Anh Bernard Nyumen viết:
“… Tôi hoàn toàn không muốn nói rằng dường như không bao giờ có điệp viên phụ nữ, mặc dầu hoạt động của họ không phải thật là xuất sắc. Trong số họ chỉ có Mata Hari, mà cô ấy cũng chưa hoàn thành được một phần trăm những gì người ta gán ghép cho cô trong những tác phẩm đầy lãng mạn, hoặc một phần ngàn những gì được nói đến trong những cuốn sách có vẻ như là nghiêm túc”.
Nhưng bên cạnh những cuốn sách về Mata Hari người ta còn dựng nhiều phim nữa. Năm 1921 Lyudvig Wolf dựng cuốn “Nữ tình báo Mata Hari” do Asta Nilsen đóng vai chính. Năm 1927 đạo diễn Fridrikh Feger phản ánh hình tượng giai nhân khoả thân trong phim “Mata Hari, vũ nữ xinh tươi”. Sau đó có hai minh tinh màn bạc giành nhau vinh quang thể hiện tài tình hình ảnh Mata Hari là Marlen Ditrikh trong phim của Fon Shtenberg “Người con gái bị lăng nhục” năm 1931, và Greta Garbo một năm sau đó trong phim “Mata Hari” của đạo diễn Fitsmoris.
Nhiều năm sau cái chết của điệp viên xinh đẹp Mata Hari, huyền thoại về cô gái xinh đẹp làm vũ công và trở thành điệp viên được lan rộng. Nhiều nghệ sĩ và nhà làm phim đã khắc hoạ về cuộc đời điệp viên này như Greta Garbo, Marlene Dietrich, Sylvia Kristel và Jeanne Moreau. Dù không chính thức nhưng nhiều chính khách và nhà văn đã coi Mata Hari là một “nữ điệp viên vĩ đại nhất”.
Tuy nổi tiếng như thế nhưng sự nghiệp của Mata Hari có cuộc đời ngắn ngủi. Việc cô có phải là điệp viên hai mang hay không vẫn còn đang là vấn đề nhiều tranh cãi cho tới tận ngày nay. Có thể việc xử tử Mata Hari là một sai lầm nghiêm trọng trong hệ thống pháp lý của Pháp. Dầu đúng hay sai, Mata Hari vẫn là một trong những điệp viên nổi tiếng nhất trong lịch sử, và rộng hơn nữa cô còn là một ngôi sao giải trí thời bấy giờ trước khi bước chân vào thế giới gián điệp. Dầu vậy, người ta biết tới Mata Hari là một vũ công tài năng và cuốn hút nhiều hơn là một điệp viên.