Đi chúc tết hóa thành cướp giật?
Tòa phúc thẩm hủy án với lý do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa đủ cơ sở để kết tội.
Mới đây, TAND TP.HCM đã hủy bản án kết tội Nguyễn Chí Hùng cướp giật tài sản, yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Trước đó, Hùng đã làm đơn kêu oan mình không cướp giật dây chuyền như kết tội của TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Bị hại nói cướp, bị cáo nói đi chúc tết
Theo hồ sơ, chiều 31.1.2014 (mùng 1 tết), trước nhà 208C Phan Văn Trị (phường 12, quận Bình Thạnh), bà Hồ Thị Thu Hằng cùng gia đình gửi xe tại công an phường rồi đi bộ đến nhà cha bà chúc tết. Bà cùng chồng đang đi trên vỉa hè, bất ngờ Hùng “từ phía sau vượt lên bên phải tôi, dùng tay trái thò vào cổ tôi để giật dây chuyền thì bị con tôi nắm đuôi xe kéo lại. Theo phản xạ tôi nghiêng người dùng tay phải chụp vào dây chuyền để giữ lại. Móng tay tên cướp gây hai vết trầy xước, da nổi đỏ ở vùng cổ phía trước ngực. Dây chuyền không bị đứt, không bị dãn” - bà Hằng trình bày.
Hai nhân chứng là chồng và con của nạn nhân thì khai Hùng đi từ phía sau, lách vào phía bên phải nạn nhân và dùng tay trái giật dây chuyền. Hùng bị kéo ngã xe, đánh lại rồi định bỏ chạy nhưng bị bắt giữ…
Nguyễn Chí Hùng tại phiên tòa ngày 30.9.2014. Ảnh: P.L
Hồ sơ còn thể hiện có lời khai của một người đang đi đường: “Đang đi, nghe la “cướp”, thấy hai bên giằng co làm ngã xe tên cướp, tên cướp đánh trả nên tôi lao đến hỗ trợ bắt giữ”.
Trong khi đó, Hùng một mực kêu oan: “Chiều đó, tôi qua nhà bạn ở đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh chúc tết. Đến đường Phan Văn Trị, tôi quẹo nhầm vào một con hẻm bên tay trái. Tôi bèn quay xe lại, rẽ phải hướng về quận Gò Vấp, định đi tìm hẻm tiếp. Quay ra, tôi gặp hai người đi bộ trên lề, người đàn ông đi phía ngoài, người phụ nữ đi phía trong. Giữa người phụ nữ và nhà dân có khoảng trống nên tôi định đi qua khoảng trống này để vượt lên. Lúc vượt qua có va quẹt, tôi định chạy đi luôn thì bị tri hô và kéo ngã xe. Tôi đánh trả lại, sau đó thì có thêm người đến hỗ trợ bắt giữ tôi. Tôi mới nói: “Kêu công an lại đi chứ đánh tôi hoài””.
Hùng khai người bạn mà Hùng tìm nhà chúc tết tên là Hoàng. Cả hai quen nhau khoảng 7-8 năm từ khi anh Hoàng bỏ mối bánh mì cho nhà Hùng. Hiện tại anh Hoàng đang học chỉnh nhạc (DJ). Cách nửa tháng trước lúc bị bắt, vào một buổi trưa, sau khi uống cà phê với anh Hoàng xong, Hùng có đến nhà anh chơi. Nhà anh Hoàng trên đường Bùi Đình Túy, khoảng 2-3 lầu, mặt tiền hẻm, không nhớ số nhà...
Sơ thẩm: “Bị cáo phải chứng minh được việc đi chúc tết”
Tại TAND quận Bình Thạnh ngày 30.9.2014, luật sư cho rằng không xác định được nhận thức, động cơ phạm tội của Hùng thì không thể quy buộc Hùng có hành vi cướp giật. Truy tố chỉ căn cứ vào lời khai của nạn nhân, lời khai của nhân chứng (chồng và con của người bị hại) nên không khách quan và chưa đủ cơ sở. Lời khai của hai người chứng kiến thì chỉ thấy ồn ào, xô xát.
Theo luật sư, chưa xác định được có phải hai vết xước trên cổ nạn nhân là do Hùng gây nên hay không. Cũng không giám định được vết trầy xước do ai gây ra, cơ chế và thời gian hình thành vết xước (trước hay sau khi sự việc xảy ra). Sự thật khách quan của vụ án này là mâu thuẫn khi va quẹt xe nên hai bên đánh nhau, rồi nạn nhân tố Hùng cướp giật. Như vậy, diễn biến sự việc cho thấy không có hành vi phạm tội xảy ra. Luật sư đề nghị tòa tuyên Hùng không phạm tội và trả tự do cho Hùng.
Tuy nhiên, HĐXX TAND quận Bình Thạnh vẫn kết án Hùng bốn năm sáu tháng tù về tội cướp giật tài sản. Tòa nhận định: Theo phản xạ, nạn nhân dùng tay phải chụp vào dây chuyền để giữ lại, Hùng không giật được nên gây hai vết trầy xước trên ngực. Nạn nhân không quen biết, cũng không có mâu thuẫn với Hùng nên lời khai là khách quan. Hùng không chứng minh được họ tên, địa chỉ cụ thể của người mà Hùng đi tìm nhà. Ngay trong tối đó, Hùng được đưa đi chỉ điểm nhà bạn nhưng không chỉ được nhà nào. Hùng khai có đụng vào tay và hông của nạn nhân nhưng nạn nhân lại không có vết thương hay vết trầy xước nào ở đây ngoài hai vết ở cổ. Tuy Hùng không nhận tội nhưng căn cứ vào lời khai của nạn nhân, lời khai của nhân chứng, biên bản xem xét dấu vết trên cổ nạn nhân, biên bản bắt người phạm tội quả tang, sơ đồ hiện trường cùng vật chứng thu giữ, đã đủ cơ sở xác định Hùng giật dây chuyền.
Phúc thẩm: Chứng cứ chưa đủ buộc tội
Hùng kháng cáo kêu oan. Nạn nhân và nhân chứng vắng mặt tại phiên phúc thẩm. Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm đã hủy án vì chưa đủ cơ sở kết tội.
Tòa phúc thẩm nhận định: Lời khai của Hùng và nạn nhân mâu thuẫn nhau. Để làm rõ hành vi phạm tội, cần vẽ lại sơ đồ hiện trường để xác định chiều rộng của vỉa hè, khoảng cách giữa nạn nhân và nhà dân, khoảng cách từ đầu hẻm nơi Hùng quẹo ra đến vị trí mà nạn nhân khai là bị cướp giật. Cần thực nghiệm điều tra để xem hành vi mà Hùng bị cáo buộc có phù hợp thực tế hay không. Làm rõ vì sao trước đây lời khai của cả gia đình nạn nhân về vị trí của từng người khi đi trên vỉa hè (trước, sau, trái, phải) không thống nhất. Làm rõ vì sao trong khi Hùng khai rằng công an phường không hề đưa đi chỉ điểm nhà bạn nhưng trong hồ sơ lại có biên bản không xác định được địa điểm...
Theo Phương Loan/Pháp luật TP.HCM