Đến lượt những kẻ lừa đảo... cay đắng vì bị chặn nhận chuyển khoản bạc tỷ ngay tại ngân hàng
Trong tuần thứ 3 của tháng 6-2023 này, ghi nhận trên địa bàn TP. Hà Nội có ít nhất 2 vụ việc người dân đã tới ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản từ gần 300 triệu đến hơn 3 tỷ đồng, nhưng may mắn được nhân viên ngân hàng và lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn.
Ngày 21-6, Công an huyện Ba Vì cho biết đã phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền...
Bà N tại Ngân hàng Agribank
Trước đó, sáng 21-6, bà P.T.N (SN 1967, trú tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhận là cán bộ Công an tỉnh Bình Định, thông báo bà N liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn. Sau đó, người này hướng dẫn bà N mở một tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản đó để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam. Do lo sợ, bà N một mình đến ngân hàng Agribank để rút tiền từ sổ tiết kiệm và mở tài khoản chuyển tiền vào tài khoản đó theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.
Khi đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì, bà N yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm, số tiền 260 triệu đồng. Biểu hiện mệt mỏi và trạng thái tâm lý hoang mang của bà N. đã được nhân viên ngân hàng nhận ra và nhanh chóng liên hệ với Công an huyện Ba Vì.
Sau khi nắm tình hình, cán bộ Công an huyện Ba Vì và nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì đã giải thích rõ cho bà N về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, lợi dụng mạng viễn thông giả danh Cơ quan Công an để gây án và nhắc nhở bà N không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng.
Tinh thần cảnh giác và sự có mặt kịp thời của các chiến sỹ Công an đã giúp bà N. thoát cú lừa một cách ngoạn mục.
Như ANTĐ thông tin, ngày 22-6, tại quận Long Biên, Công an phường Đức Giang cũng đã phối hợp cùng nhân viên phòng giao dịch ngân hàng giúp hai vợ chồng cựu cán bộ Nhà nước thoát bẫy lừa hơn 3 tỷ đồng của những kẻ giả danh Công an, gọi điện thoại lừa đảo.
Tuy số vụ việc tích cực trên còn khiêm tốn so với thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo công nghệ cao; nhưng điều này cho thấy, biện pháp tuyên truyền càng bền bỉ, càng đi vào chiều sâu, hướng đến các hộ gia đình, ngân hàng và người dân, chắc chắn sẽ càng phát huy hiệu quả.
Kim Phương khoe rằng mình là "công an chìm" và có quen người làm việc trong tòa án ở Sóc Trăng nên có thể "chạy án" với giá 60 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]