Đêm kinh hoàng của bé gái 6 tuổi (Kỳ 3)
Nỗ lực của người vợ đã đạt được những khám phá quan trọng cho cuộc điều tra.
Người vợ làm "thám tử"
Sau khi có được chi tiết quan trọng trong lời khai của cô cháu gái Brooke, “hung thủ có đôi mắt màu nâu”, Melinda hoàn toàn tin chồng mình Clarence vô tội. Cô biết mình phải làm điều gì đó để tìm lại tự do cho Clarence. Melinda bắt đầu những công viêc điều tra như một “thám tử”.
Melinda tìm hiểu thông tin về pháp luật, sắp xếp thông tin vụ án một cách hợp lý, thu thập thông tin pháp y…, và đặc biệt không gây áp lực với cô cháu gái Brooke của mình mặc dù cô biết vì một lý do nào đó mà Brooke đã khai chồng cô là hung thủ.
Cô tìm đến những người đã có mặt tại nhà mẹ mình, bà Judith tối hôm đó để thu thập lời khai, nhưng không ai có thể đưa ra được bằng chứng ngoại phạm cho Clarence. Cô và em gái mình đã tạo một trang web công khai hoạt động. Trang web này không lâu sau đó đã gây được sự chú ý của Bộ tư pháp Mỹ.
Melinda kêu gọi sự ủng hộ của mọi người cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô đã nhận được hơn 100 nghìn đôla từ sự hỗ trợ của mọi người. Số tiền đó thực sự rất cần thiết cho quá trình tìm lại tự do cho Clarence.
Luật sư Elizabeth Kelley và thám tử Martin Yant, hai nhân vật nổi tiếng trong ngành Tư pháp đã đồng ý giúp Melinda trong vụ này.
Thám tử Martin Yant sau khi điều tra đã xác định rằng, trong vụ này, tòa án đã vội vàng trong việc kết tội Clarence, và cảnh sát đã thiếu sót khi chỉ chú trọng tới lời khai của cô bé Brooke mà quên mất những kẻ tình nghi khác.
Theo ông Martin Yant, “Clarence đã bị kết tội một cách gián tiếp. Không có bằng chứng nào trực tiếp thu được tại hiện trường, tất cả chỉ dựa vào lời khai mang tính “tạm thời” của một cô bé 6 tuổi, ngay cả khi trong quá trình khai cô bé có nhiều do dự. Thêm vào đó, một số bằng chứng chưa được điều tra rõ, như tế bào da của hung thủ thu được dưới móng tay và các tế bào thu được trong bộ phân sinh dục của bà Judith chưa được gửi đi xét nghiệm.”
Các bằng chứng mà Martin Yant coi là quan trọng đã được bộ phận Pháp y giám định, kết quả không trùng khớp với mẫu DNA của Clarence. Tuy nhiên, tòa án đã từ chối kết quả đó vì họ cho nó không đủ thuyết phục, thêm vào đó, lời khai của Brooke sau này cũng bị bác bỏ vì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ phía gia đình Clarence và thuật thôi miên.
Clarence hoàn toàn “mắc kẹt” trong lời khai ban đầu của cô bé Brooke. Không một nhân chứng nào khác có thể bảo vệ Clarence trước tòa.
Thám tử Martin Yant đã điều tra xung quanh nhà bà Judith, hi vọng tìm được ai đó trông giống Clarence, và ông đã tìm được người như mong muốn.
Đó là một người đàn ông trẻ hơn Judith, là hàng xóm của nạn nhân. Người này rất quan tâm tới bà Judith và được mọi người xác nhận là “có tình cảm” với bà Judith. Khoảng thời gian sau khi bà Judith bị giết chết, hàng xóm thấy trên mặt và cánh tay người đàn ông này xuất hiện những vết xước như vết cào, gã cũng có đôi mắt nâu như lời khai sau này của Brooke. Theo lời một người gần đó, “hôm xảy ra vụ án, hắn đã cố gắng chen vào nhà bà Judith để nhìn mặt bà lần cuối.”
Cô bé Brooke đã xác nhận người này “hơi” giống hung thủ đêm hôm đó, nhưng khi đối chiếu DNA của gã với bằng chứng thu được, kết quả không như thám tử Martin Yant mong đợi.
Việc kháng cáo không có tiến triển mới.
Năm 2002, một người anh trai của Clarence đã nói với phóng viên rằng, “Tòa án đã phạm một sai lầm khi kết tội Clarence gây nên cái chết của bà Judith. Sự thật là như vậy. Một ngày trong tù với Clarence là quá dài, vậy mà đã 4 năm rồi.”
Chương trình bảo vệ những người bị kết án oan
Nỗ lực không ngừng của gia đình Clarence đã gây được sự chú ý của chương trình bảo vệ những người bị kết án oan tại bang Ohio.
Chương trình này được thành lập ban đầu bởi hai luật sư Barry Scheck và Peter Neufeld, được khởi xướng hoạt động tại khoa luật Đại học Yeshiva, do đó thành viên chủ yếu tham gia chương trình là những sinh viên luật xuất sắc.
Chương trình đánh giá cao nỗ lực của người nhà các nạn nhân trong quá trình kháng cáo, và tập trung chủ yếu vào các bằng chứng liên quan đên giám định DNA.
Mô hình chương trình đã được thành lập ở 33 tiểu bang trong nước, mỗi tiểu bang một ban điều hành riêng. Qua nhiều năm hoạt động, chương trình đã trả lại tự do cho rất nhiều người vô tội đang chịu án trong nhà tù.
Ohio là một trong những tiểu bang có chương trình này, trụ sở tại Đại học Cincinnati, đứng đầu là giáo sư Godsey. Trong vụ án của Clarence, ông cùng với hai mươi sinh viên tình nguyện tham gia xác minh vụ án với hi vọng trả lại tự do cho Clarence.
Tất cả các chi phí cho các thủ tục pháp lý và giám định DNA trong việc “tìm lại tự do” cho Clarence Elkins sẽ được thực hiện miễn phí bởi chương trình. Theo giáo sư Godsey, “đó là một điều nên làm đối với Clarence và những nỗ lực của gia đình anh.”
Những nỗ lực không ngừng của Melinda Elkins dưới sự hỗ trợ của chương trình liệu có thể tìm ra hung thủ và mang lại tự do cho Clarence? Mời các bạn đón đọc Đêm kinh hoàng của bé gái 6 tuổi (Kỳ cuối) vào SÁNG SỚM ngày 14/10/2013.