Bài 3: Đẻ thuê – Sự lựa chọn nghiệt ngã

Sự kiện: Tin pháp luật

Trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra, nhóm phóng viên đã tiếp cận được một số trường hợp là người đẻ thuê và được họ trải lòng về công việc bất đắc dĩ của mình. Khi đã ký kết hợp đồng đẻ thuê, họ phải chấp nhận rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của mình. Nó như một canh bạc với số phận, bởi, một là có tiền, hai là mất tất cả...

Chỉ vì cần tiền...

Nỗi khát khao có con - một nhu cầu rất nhân văn của những người không may bị hiếm muộn - đang bị một số đối tượng biến tướng thành dịch vụ thương mại để kiếm tiền môi giới. Chính vì lẽ đó, người ta gọi việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là “đẻ thuê”. Người thì khao khát có một mụn con… Người thì cần tiền, cần rất nhiều tiền. Từ thực tế này, những đường dây môi giới mang thai hộ đã hình thành để kết nối cung cầu, bất chấp pháp luật hiện hành cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Những phụ nữ cần tiền, đã ly hôn, được các đối tượng cò mồi hướng tới để dụ dỗ, lôi kéo đẻ thuê.

Nhiều người phụ nữ đẻ thuê đến từ nông thôn, họ khỏe mạnh, có sức lao động nhưng hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bần cùng, không còn lựa chọn nào khác, họ buộc lòng chọn cách đi đẻ thuê kiếm tiền để nuôi những đứa con ruột của mình đang nheo nhóc ở quê. Thậm chí các những cô sinh viên trẻ tuổi, công nhân, vì đời sống quá khó khăn nên đã nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ môi giới, bước chân vào những đường dây đẻ mướn. Lý do chính là số tiền họ kiếm được từ việc đẻ thuê này là rất lớn, bằng cả chục năm đi làm và dành dụm.

Những người phụ nữ đẻ thuê trong đường dây của Đinh Thị Bình bị triệu tập tại Phòng CSHS CATP Hà Nội

Những người phụ nữ đẻ thuê trong đường dây của Đinh Thị Bình bị triệu tập tại Phòng CSHS CATP Hà Nội

Nằm khuất sâu trong một căn phòng nhỏ được ngăn cách phòng bên cạnh bằng những tấm nhựa trắng là “trại nuôi người lấy trứng, đẻ thuê”. Huyền nằm co ro vì mệt mỏi. Cô vừa được đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ, bán trứng đưa đi tiêm thuốc kích trứng về. “Nếu như lâm vào cảnh đường cùng, ngõ cụt vì kinh tế, chị mới hiểu và thông cảm được cho những người như bọn em. Đi bán trứng, đẻ thuê mấy lần như em đâu phải là chuyện vui vẻ gì. Bần cùng, bất đắc dĩ thôi. Chỉ vì muốn có tiền, muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, dù em biết mang thai hộ như thế này là ảnh hưởng đến bản thân em và đứa trẻ”, Huyền nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Những người mẹ “không tên”

Đa phần phụ nữ mang thai hộ được tuyển chọn là các cô gái trẻ, sức khỏe sinh sản tốt. Tham gia vào đường dây mang thai hộ của đối tượng Đinh Thị Bình đã nhiều năm, Lan thật thà chia sẻ: “Em đã mang thai đến 3, 4 lần, lần thì mang thai hộ cặp đôi đồng tính, lần thì cho gia đình sinh con một bề nữ… sinh ra những đứa trẻ mà em chưa một lần được chăm sóc chúng”.

Một luật bất thành văn của các đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại, đó là bí mật thông tin giữa cả gia đình có nhu cầu mang thai hộ và người đẻ thuê. Trong hợp đồng mang thai hộ thường đều ghi rất các điều khoản xét nghiệm ADN ngay trong vòng 24h sinh và các điều khoản “cắt đứt liên lạc hoàn toàn” ngay sau khi sinh…

Có người phụ nữ may mắn được gia đình em bé cho phép chăm bé trong thời kỳ thai sản để đứa trẻ cứng cáp, mạnh khỏe nhưng đa phần người thuê sợ rủi ro, dị nghị xã hội nên sẵn sàng tước đứa trẻ trên tay người mẹ đẻ thuê từ khi vừa lọt lòng, hòng tránh những “tranh chấp” ngoài ý muốn.

“Có lần sinh con xong rớt nước mắt vì muốn nhìn thấy “núm ruột” của mình lần nữa trước khi trao trả cho người ta nhưng gia đình họ không cho. Nhiều khi bản thân nghĩ day dứt như mình bán con lấy tiền nhưng em chẳng thể làm gì hơn nữa…”, Lan ngậm ngùi kể lại.

Những phụ nữ mang thai hộ thường tuổi đời rất trẻ

Những phụ nữ mang thai hộ thường tuổi đời rất trẻ

Cũng chính vì lẽ đó, những người phụ nữ mang thai hộ còn có tên gọi là “những người mẹ không tên”. Bởi lẽ họ cũng mang nặng 9 tháng 10 ngày. Họ cũng phải chịu những con đau quặn thắt vượt cạn. Những người mẹ không tên mang trong mình vết thương. Họ cũng chứng kiến tiếng khóc đầu đời của đứa con bé bỏng trong bụng mình chào đời nhưng chỉ đến vậy mà thôi. Tình duyên mẹ con cũng kết thúc khi tiếng khóc trẻ đi xa dần khỏi phòng sinh để đến với vòng tay của gia đình thuê đẻ. Những đứa trẻ đó mãi mãi không hề biết đến người mẹ mang nặng đẻ đau ra chúng là ai.

Đổi đời hay đổi mạng?

Trong suốt quá trình mang thai, thai nhi được nuôi bởi dưỡng chất trong máu của người mang thai hộ, do vậy quá trình mang thai rất ảnh hưởng đến sức khỏe của người đẻ thuê.

Bên cạnh đó, việc để tìm người thân, họ hàng để nhờ mang thai hộ theo quy định của luật là rất khó khả thi với nhiều cặp vợ chồng. Vì thế họ tìm đến những dịch vụ mang thai hộ. Tuy nhiên, không chỉ vi phạm pháp luật, việc thực hiện dịch vụ mang thai hộ chui chứa đựng nhiều rủi ro cho cả người nhờ mang thai hộ lẫn người thực hiện dịch vụ.

Đáng chú ý, quy trình đẻ thuê thường được thực hiện ở các bệnh viện tư nhân nên có thể gặp rất nhiều trở ngại, rủi ro về mặt y tế, ảnh hưởng đến quá trình mang thai hộ cũng như là sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của các cháu bé sau này.

Theo các chuyên gia y tế, những người phụ nữ đồng ý mang thai hộ bất hợp pháp bị ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng trong quá trình mang thai hộ, bởi trong suốt quá trình mang thai đến sinh đẻ có rất nhiều rủi ro, nặng nhất là có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Có thể trong quá trình mang thai không may bị mang thai ngoài tử cung, phải mổ...

Vài trăm triệu đồng để đánh đổi sức khỏe của người phụ nữ cho thuê tử cung của mình vì mục đích thương mại thì không đáng

Vài trăm triệu đồng để đánh đổi sức khỏe của người phụ nữ cho thuê tử cung của mình vì mục đích thương mại thì không đáng

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, việc mang thai nhiều lần sẽ làm sức khỏe người phụ nữ đi xuống rất nhiều, làm tăng cân, đau lưng, ảnh hưởng chức năng sàn chậu, với những người phụ nữ mà không sinh thường được phải sinh mổ thì mỗi lần mổ cũng đi kèm với nhiều nguy cơ tai biến của một cuộc mổ đẻ. "Ngoài ra việc một người phụ nữ mang thai hộ thì là một hành động không được pháp luật cho phép nên họ cũng đồng thời không được pháp luật bảo vệ quyền lợi, với những trường hợp khi mang thai mà có những tai biến sản khoa xảy ra hoặc có tránh chấp với những người thuê họ", Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Việt Cường chia sẻ băn khoăn. Không những vậy, đa phần các đối tượng môi giới chi trả số tiền khá ít cho người phụ nữ mang thai hộ. Số tiền đó, khó có thể mua lại được sức khỏe cho người mang thai hộ. Cái giá vài trăm triệu đồng để đánh sức khỏe đổi với người phụ nữ cho thuê tử cung của mình thực sự nếu vì mục đích thương mại thì không đáng chút nào.

(Còn nữa)

Lật tẩy thủ đoạn của “nữ quái” cầm đầu đường dây đẻ thuê

Như đã thông tin, nhóm phóng viên ANTĐ phối hợp cùng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Đội 2), Phòng CSHS CATP Hà Nội đã triệt phá một đường dây tổ chức mang thai...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm Phóng viên ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN