Day dứt số phận Lê Bá Mai
“Phải giải oan cho Lê Bá Mai!”. TS Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao - khẳng định ông và một số bạn bè sẽ tìm mọi cách giúp gia đình Mai kêu oan.
“Vụ án của Lê Bá Mai có nhiều nét tương đồng với vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Ông Chấn may mắn hơn Mai ở chỗ xuất hiện Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận tội. Lâu nay, tôi vẫn luôn bị day dứt bởi số phận pháp lý của Lê Bá Mai” - TS Vũ Đức Khiển ưu tư.
Kết tội cho bằng được
Ông Khiển cho biết đã đọc rất kỹ hồ sơ “kỳ án vườn mít” và nhận thấy các chứng cứ kết tội Lê Bá Mai không đủ sức thuyết phục, không đủ để kết tội. Hơn nữa, quá trình điều tra, thu thập chứng cứ còn nhiều điểm quá lỏng lẻo, vi phạm nguyên tắc. “Chỉ cần nêu vài chi tiết trong hồ sơ vụ án đã thấy rất nhiều điểm mâu thuẫn nhưng không được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử làm rõ” - ông nói.
Chẳng hạn biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 17-11-2004 ghi nhận vết lằn của lốp xe máy, dọc đó phát hiện nhiều vết giày dép in hằn trên đất. Tuy nhiên, qua biên bản ảnh hiện trường số 06, 07 chụp cùng ngày, nhìn bằng mắt thường cũng có thể xác định có dấu vết hình sin, còn đôi dép thu giữ của Mai qua biên bản nhận dạng (bút lục 515) thì đế lại có dấu đan chéo hình ca-rô.
“Dấu dày dép trên hiện trường và dấu vân dép của bị cáo không trùng khớp thì có thể khẳng định được Mai có mặt tại hiện trường hay không?” - ông Khiển băn khoăn. Ngoài ra, khi khám nghiệm hiện trường gần chân nạn nhân, cơ quan chức năng phát hiện một nón vải màu đỏ. Khu vực này có một cây mì bị nhổ bung gốc. Đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ nón vải màu đỏ của ai và tại sao gốc mì lại bị nhổ bung.
Trong một phiên xử, ý kiến của luật sư Phan Long Ẩn về giám định viên pháp y thi thể nạn nhân cũng rất đáng lưu ý nhưng chưa được xem xét thấu đáo. Theo đó, ông Trần Văn Hùng được giao giám định tử thi ngày 16-11-2004 nhưng hơn 3 năm sau (ngày 12-3-2008) mới được bổ nhiệm làm giám định viên pháp y. “Vậy thì những kết luận của ông Hùng trong biên bản giám định tử thi là không có cơ sở pháp lý” - ông Khiển nhận định.
Theo ông Khiển, trong bản án của Lê Bá Mai còn nhiều điểm bất hợp lý khác nhưng đã bị “lờ đi” để kết tội bị cáo này cho bằng được.
Trông chờ Ủy ban Tư pháp
TS Vũ Đức Khiển cho biết đã gọi điện trực tiếp cho ông Dương Bá Tuân (chủ rẫy nơi Lê Bá Mai làm thuê) bày tỏ mong muốn đưa ông Lê Bá Triệu, cha Mai, ra Hà Nội để viết đơn kêu oan gửi các cơ quan liên quan như VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
“Lê Bá Mai làm tôi nhớ tới trường hợp của Huỳnh Văn Nam (tỉnh Đồng Nai) trước đây. Nam vô tội nhưng đã chết trong trại giam trước khi được giải oan, trong khi trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan liên quan sau đó không được làm rõ. Mai cũng có lúc sức khỏe yếu lắm rồi, nếu không giải oan sớm cho anh ấy, tôi sợ trường hợp xấu có thể xảy ra” - ông Khiển lo lắng.
TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, người từng ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án của Lê Bá Mai - cho biết đến giờ ông vẫn rất băn khoăn, day dứt về số phận của Mai. “Phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, tôi mới ký quyết định kháng nghị nhưng sau đó cũng không biết kết quả điều tra lại như thế nào. Bản án đã phúc thẩm, TAND và VKSND đã họp liên ngành rồi, giờ chỉ còn trông chờ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện giám sát mà thôi” - ông Biểu phân tích.
Theo ông Biểu, tương tự vụ án Huỳnh Văn Nam, trước sự quan tâm, sức ép từ phía dư luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể yêu cầu Ủy ban Tư pháp giám sát lại vụ án này, xem việc tuyên án đã đúng pháp luật, các căn cứ luận tội đủ sức thuyết phục hay chưa. “Nếu thấy có vấn đề thì Ủy ban Tư pháp có thể đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm lần nữa để xem xét lại bản án” - ông kỳ vọng.
Ông Biểu khẳng định sẵn sàng cùng TS Vũ Đức Khiển tiếp tục tìm mọi cách để kêu oan cho Lê Bá Mai. “Gửi đơn, trình bày sự việc với Chủ tịch nước chỉ là cách cuối cùng khi các cơ quan có thẩm quyền không quyết liệt trong việc giải oan cho Mai” - ông Khiển nêu rõ.
Diễn biến “kỳ án vườn mít” Ngày 16-1-2004, tại vườn mít của ông Dương Bá Tuân (xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước), người dân phát hiện Thị Út (SN 1993) chết do bị siết cổ. Theo lời khai của Thị Hằng (SN 1995, mót củ mì chung), Út đi cùng một thanh niên. Sau đó, Lê Bá Mai bị bắt, bị khởi tố về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”. CQĐT tỉnh Bình Phước kết luận ngày 12-1-2004, Mai rủ Út vào vườn mít chơi rồi hiếp dâm, sau đó dùng quần dài của nạn nhân siết cổ, vùi xác. Ngày 16-3-2005, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Mai tử hình. Ngày 4-8-2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM giữ nguyên bản án. Mai gửi đơn kêu oan đến chánh án TAND Tối cao. Ngày 12-12-2006, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đánh giá cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Mai là “chưa có căn cứ vững chắc”, yêu cầu làm rõ một số vấn đề. Ngày 5-2-2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án để điều tra lại. Ngày 18-5-2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 2, tuyên Mai “không phạm tội” và trả tự do ngay tại tòa. VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị, yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử lại theo hướng buộc tội. Ngày 18-5-2012, Mai bị bắt giam lại. Ngày 19-6-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu. Ngày 5-1-2013, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 3, tuyên phạt Mai tù chung thân. Sau đó, VKSND cùng cấp kháng nghị yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử bị cáo tử hình. Mai tiếp tục kêu oan. Ngày 30-8-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác kháng nghị của VKSND cũng như kháng cáo kêu oan của Mai, giữ nguyên mức án tù chung thân. Ngày 20-1-2014, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP HCM) và luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi đơn đến chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm bản án phúc thẩm ngày 30-8-2013 vì tuyên phạt tù chung thân Mai về hai tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” là chưa có căn cứ vững chắc, gây oan sai. Tố Trâm |