Đau đớn mẹ kế sát hại con riêng của chồng
Thị lập mưu giết chết cháu nhỏ khi sự đố kị đã qua sức chịu đựng. 20 năm hoài phí tuổi xuân xanh trong trại giam là cái giá mà thị phải trả.
Người đàn bà ấy đã từng làm mẹ. Thị chấp nhận làm vợ hai của một người đàn ông vì thương cảnh gà trống nuôi con. Nhưng cuộc sống con anh con tôi lại không hề đơn giản, nhất là khi con gái, con riêng 10 tuổi của chồng đã có những nhận thức sớm về cuộc sống. Từ yêu thương đến ganh ghét, thậm chí là ghen tỵ chỉ như chớp mắt đời người. Hôm qua còn yêu, hôm nay đã ghét. Sáng sớm còn cưng nựng, chiều tà đã vũ lực. Để rồi cái kết là thị lập mưu giết chết cháu nhỏ khi sự đố kị đã qua sức chịu đựng. 20 năm hoài phí tuổi xuân xanh trong trại giam là cái giá mà thị phải trả.
1. Thị tên là Nguyễn Thị Oanh. Năm nay tròn 40 tuổi, nhưng ngày gây ra tội ác kinh hoàng, thị chỉ mới qua tuổi 30 của đời người. Trước khi đặt bút viết bài báo này, bản thân tôi có tìm ra một lý do, dù thật khiên cưỡng để biện minh cho hành vi của thị, nhưng mọi ngôn từ đều bất lực. Ghen tỵ với một đứa trẻ lên 10, hoặc ghét bỏ nó, thì lý do nào cũng thật đáng chê trách và không thể chấp nhận được. Hành vi của thị là quá đớn hèn, ích kỷ, nhẫn tâm, vô đạo và hoàn toàn không được chấp nhận, dù với bất cứ lý do gì.
Oanh sinh ra trong một gia đình nề nếp, có hai chị em gái. Con nhà có điều kiện, lại sống ở thành phố nên thị đã sớm được thụ hưởng những giá trị vật chất hơn bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng thay vì nghĩ đến tương lai, thị lại sa đà vào yêu và hậu quả là có một cháu bé khi chưa đầy 20 tuổi, trong khi gã người tình đã truất ngựa truy phong.
Một thời gian sau đó, thị gặp anh Võ Văn Hảo, ở TP Hà Tĩnh. Anh Hảo cũng có cuộc sống gia đình riêng bất hạnh, kết hôn được gần 10 năm thì vợ chồng lục đục đến lúc phải kéo nhau ra tòa, anh nhận trách nhiệm nuôi con là cháu Võ L.A. Đàn bà, vốn dĩ dễ thông cảm, nhất là với những người đồng cảnh ngộ. Và thị cũng không ngoại lệ.
Thấy anh vò võ một mình chăm con, thị đã thường xuyên qua lại giúp đỡ. Tình thương hóa thành tình yêu, hai anh chị quyết định về sống chung với nhau dưới một mái nhà để tiện bề chăm sóc, vun vén cho tổ ấm gia đình. Thị cũng là người biết nghĩ và sâu sắc khi để tránh tình trạng con anh con tôi, về với anh Hảo, thị một thân một mình chứ đứa con riêng ba tuổi, thị không đón về mà nhờ ông bà ngoại ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) chăm nom, thi thoảng ghé về thăm con.
2. Chuyện tưởng như vậy là hạnh phúc. Nhưng nhiều khi, lòng người khó đoán định. Thị đã từng thương con riêng của chồng trước khi thương yêu chồng và động cơ kéo thị về ngôi nhà khuyết bàn tay phụ nữ ấy, một phần cũng là vì con bé. Nhưng câu nói “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời gì ghẻ lại thương con chồng”, trong trường hợp này hóa ra lại đúng.
Chẳng biết vì lý do gì và chẳng nhớ tự bao giờ, thị bỗng đâm ra thấy khó chịu trước sự hiện diện của con bé L.A trong ngôi nhà nhỏ này. Mọi lời nói, việc làm của con bé đều trở thành cái gai trong mắt thị. Thị ghét bỏ khi thấy nó cười. Thị hằn học khi thấy nó được cưng chiều. Và ganh tỵ mỗi lần khoe điểm 10 với bố. Càng theo thời gian, sự tích tụ càng lớn.
Cho đến một ngày, thị nảy sinh ý định loại con bé khỏi đời sống xã hội này, có như vậy thị mới thanh thản sống để hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. Tôi chẳng lý giải được, khi nghĩ đến điều này, thị là một ả đàn bà thâm độc hay nông nổi, nhưng hạ sát một đứa trẻ trong khi mình cũng đang nuôi con nhỏ, thì ngay cả ý nghĩ cũng đã đớn hèn lắm rồi. Vậy mà không chỉ là ý nghĩ thôi đâu, thị còn ra tay hèn hạ và thâm độc khiến cho dư luận không khỏi bi phẫn, bàng hoàng.
Hôm ấy, chồng thị, anh Hảo đi làm từ sáng sớm. Khi thị tỉnh dậy thì đã thấy cháu L.A đang bày đồ chơi vung vãi khắp nhà. Thấy ngứa mắt, thị đã quát cháu và bắt dọn dẹp bằng hết, để đi tắm trước khi thị đi chợ về. Vừa ra khỏi ngõ, thị nhớ ra mình quên ví tiền, nên quay về lấy. Thấy cháu L.A vẫn say sưa với mớ đồ chơi, thị bực tức trong người.
Quát tháo được cháu bé vào phòng tắm, thị đã lóe lên ý nghĩ ra tay tàn độc vì lúc ấy chỉ có cháu bé và thị ở nhà. Nghĩ sao làm vậy, thị vớ cây chày dưới bếp, rảo bước theo đánh mạnh vào đầu cháu bé rồi dùng đôi găng tay được giấu trên gác bếp xuống xỏ vào và bóp cổ cháu L.A đến chết trước khi đẩy xác xuống gầm giường và lục tung đồ đạc trong nhà, xem như một vụ cướp tài sản, giết người bịt đầu mối để tạo hiện trường giả. Sau khi xóa sạch mọi dấu vết, thị qua nhà ngoại thăm con.
Chiều cùng ngày, bà nội phát hiện cháu L.A đã chết, thị mới hớt hải trở về và lăn đùng từ trong nhà ra ngoài ngõ, khóc thảm thiết. Cơ quan công an vào cuộc, 6 ngày sau, thị cúi đầu khai nhận mọi tội lỗi.
Biện minh cho hành vi mất nhân tính của mình, thị Oanh luôn cho rằng, chỉ là mâu thuẫn bột phát, trong phút chốc không làm chủ được mình, đã ra tay quá đà với cháu bé vô tội mà không hề nghĩ đến hậu quả. Thế nhưng, xâu chuỗi các sự kiện từ khi thị về làm vợ, làm mẹ trong ngôi nhà nhỏ này đến nay, với những khúc mắc vụn vặt nhưng luôn được thị đẩy lên thành chuyện lớn, thì người đàn bà này lại không lý giải được căn nguyên.
Hai mươi năm tù chỉ là khung hình phạt pháp lý mà tòa tuyên án, bản án lương tâm mà thị phải gánh chịu suốt cả cuộc đời mình, ấy là sự dằn vặt lương tri. Nước mắt cũng chẳng làm thay đổi được nghịch cảnh đời thường. Âu cũng là cái giá phải trả, sau tất thảy những gì thị gây ra.