Đằng sau vụ giết vợ vì con thi trượt
Vụ án đau lòng xảy ra cách đây 2 năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn rất nặng nề.
Trong lúc cãi nhau với vợ về chuyện thi cử của con cái, sẵn có tí men trong người, Nguyễn Minh Mẫn (SN 1962), trú tại xóm 23, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã lấy dao sát hại vợ.
Vụ án đau lòng xảy ra cách đây 2 năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn rất nặng nề và khiến không ít người suy nghĩ về cách lo cho con không phải lối của người cha đã khiến gia đình rơi vào thảm cảnh.
Quẫn trí vì con
Vượt hàng trăm km, chúng tôi mới tìm được đến nhà Nguyễn Minh Mẫn, trú tại xóm 23, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), nơi cách đây hai năm xảy ra vụ án kinh hoàng làm xôn xao dư luận. Theo chân bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1968) - chị dâu của Mẫn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp 4 lụp xụp của gia đình đã bị bỏ hoang sau khi vụ án xảy ra.
Trong ngôi nhà ấy, chỉ vẹn vẹn có vài thứ đồ cũ nát, bộ bàn ghế ọp ẹp để trong nhà và chiếc bàn để di ảnh người vợ xấu số váng nhện bám đầy. Trên bàn thờ không có bát thắp hương nên phải lấy thân cây chuối để cắm hương tạm.
Ngược dòng thời gian, trưa ngày 10/8/2011, trong lúc đang ăn cơm, vợ chồng Nguyễn Minh Mẫn và Trần Thị Lê (SN 1962) cãi cọ nhau về chuyện cậu con trai không thi đậu vào lớp 10. Mẫn đổ tội con không đậu là do vợ không biết dạy dỗ con. Chị Trần Trị Lê tự ái bỏ lên phòng khách ngồi, một lúc sau chị lại xuống bếp ăn cơm nhưng Mẫn không cho ăn và có ý định hất đổ mâm cơm.
Sau một hồi cãi vã, chị Lê bỏ ra sau vuờn. Thấy vợ không đấu khẩu với mình nữa, y như phát điên. Khi chạy qua chiếc bàn chỗ bếp, sẵn con dao thái thịt trên bàn, Mẫn cầm con dao đuổi theo vợ. Chạy ra đến vườn, không một lời, Mẫn vung dao đâm một nhát vào tay trái, một nhát vào ngực vợ làm đứt động mạch khiến chị Lê bị mất máu nhiều và tử vong ngay sau đó.
Bà Hạnh kể lại sự việc.
Mẹ mất, bố đi tù, các con rơi vào cảnh mồ côi. Đặc biệt, hai người con nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Minh Biên (SN 1995) và em Nguyễn Minh Phòng (SN 1999) sau khi chứng kiến mẹ của mình gục trên vũng máu, chúng nó trở nên lầm lì hơn.
Năm 1985, anh Nguyễn Minh Mẫn (SN 1967) kết duyên với chị Trần Thị Lê (SN 1962). Nhà đông con, thu nhập chính chủ yếu làm nông, mãi không khá lên được nên Mẫn chán nản suốt ngày la cà chè chén. Cuộc sống gia đình thường xuyên lục đục cộng với cái nghèo luôn đeo bám khiến cho những đứa con của họ sinh ra đều không được học hành đến nơi đến chốn.
Người con trai đầu lòng tên là Nguyễn Minh Kiên (SN 1986), không được học hành tử tế nên sau bao năm làm thuê cuốc mướn ở miền Nam đã lập gia đình và luôn ở đó. Ba người con gái tiếp theo cũng không thể học hết cấp 1 do thiếu tiền và đang tuổi ăn tuổi lớn đã phải theo anh trai vào TP.HCM làm công nhân. Hai người em trai út là Nguyễn Minh Biên và Nguyễn Minh Phòng được đầu tư học hành do tiền anh chị chắt chiu ở phương xa gửi về. Mọi hi vọng Mẫn đổ dồn lên hai đứa con, mong chúng học hành đến nơi đến chốn, hòng thoát khỏi cái nghèo. Nhưng oái oăm thay, chỉ vì Biên không đậu vào lớp 10 khiến bi kịch gia đình xảy ra.
Vết thương khó lành
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Công an xã Nghi Văn cho biết: "Bình thường không có "men" trong người, anh Mẫn là người hiền lành lắm. Nhưng cứ có tý rượu vào, Mẫn hư tính hẳn. Do bị nghiện rượu, thường xuyên đánh đập vợ, Mẫn phải đi cải tạo để thay đổi. Nhưng chứng nào tật nấy, Mẫn càng uống rượu nhiều hơn. Nguyên nhân y đã cướp đi mạng sống của vợ, mẹ của 6 đứa con của mình, ngoài chuyện mâu thuẫn vợ chồng về chuyện học của con cái thì rượu là nguyên nhân trực tiếp. Hi vọng anh Mẫn sẽ cải tạo tốt để nhanh chóng về đoàn tụ và nuôi các con trưởng thành". |
Ông Phạm Văn Đồng (45 tuổi) xóm trưởng cho biết: "Hoàn cảnh của gia đình Mẫn cũng thật bi đát, từ ngày xảy ra chuyện mấy đứa con đi làm ăn xa cả để lại thằng Phòng là con út ở với bác nó. Bà Hạnh chồng mất sớm, nuôi đứa cháu ngoại và Phòng nữa nên cũng khó khăn lắm. Nhiều khi nhìn thằng bé lủi thủi một mình mà cũng thấy thương nó, giá như bố nó biết kiềm chế bản thân thì cuộc sống của nó đã khác rồi".
Nguyễn Minh Phòng đi học về, thấy người lạ (PV) trong ngôi nhà của mình nên sợ hãi và lo bố nó lại có chuyện gì. Khi được người bác gái giải thích về mục đích của chúng tôi, Phòng tĩnh tâm lại. "Sau khi sự việc xảy ra, Phòng nó còn bị ám ảnh trong mỗi giấc ngủ, có đêm nó giật mình tỉnh dậy gào khóc thảm thiết. Tôi thương cháu lắm", bà Hạnh ngậm ngùi nói đỡ cho cháu. Được biết, sau khi ở nhà chịu tang mẹ và lo cho em một thời gian, người con trai đầu là Nguyễn Minh Kiên (SN 1986) cũng đã lên đường trở vào miền Nam để lo cho gia đình nhỏ của mình. Ba chị gái cũng phải đi làm ăn xa để nuôi bản thân mình và dành dụm ít tiền gửi về cho em. Nhà chỉ còn lại Biên và Phòng, hai anh em đang tuổi ăn, tuổi chơi từ đây phải bao bọc chăm lo cho nhau làm mọi người trong xóm không khỏi thương cảm.
Sau mấy tháng ở nhà cùng em, mới đây Nguyễn Minh Biên cũng quyết định không học nữa mà theo anh em sang Lào làm thuê. Ở nhà chỉ còn mình Phòng, thương đứa cháu nhỏ sớm mất mẹ lại xa bố, bà Hạnh đã đón Phòng về ở cùng để có thể chăm sóc cháu. Tuy nhiên, nhà bác và nhà mình gần sát nhau nên Phòng thường xuyên về căn nhà tiện thắp hương cho mẹ.
Năm nay, Phòng mới 13 tuổi, em đang theo học lớp 9, nhưng trong ánh mắt của đứa trẻ ấy, ẩn hiện đâu đó một nỗi buồn khi nhắc về cái ngày đã cướp đi của em tất cả. "Sự việc xảy ra hai năm rồi, ai cũng đau lòng trước cái chết của mợ Lý. Thương đàn con thơ không biết bấu víu vào ai. Tôi vì khó khăn nên cũng chỉ cưu mang được đứa út thôi. Mấy đứa lớn hơn phải lang thang đi kiếm tiền tự nuôi sống mình", bà Hạnh kể.
Ra dáng là một người lớn, Phòng cố kìm giọt nước mắt kể về bi kịch gia đình: "Hôm đó, em với anh Biên và mẹ đang ăn cơm trưa thì bố đi uống rượu về. Thấy mấy mẹ con đang ăn cơm, bố ngồi xuống ăn, lúc đó, bố lại mắng anh Biên vì không đậu vào lớp 10. Không chỉ mắng anh, bố còn chửi luôn cả mẹ vì cho rằng vì mẹ mà anh thi không đỗ. Mẹ có cãi lại bố thì bố định hất mâm cơm đi. Thấy vậy, mẹ đứng dậy bê nồi cá đi cất. Mẹ vừa chạy đi thì bố đuổi theo, đi qua chỗ cái bàn thấy có con dao thái thịt, bố vớ lấy rồi đuổi theo mẹ ra vườn. Đến khi nghe mẹ kêu, sau đó là tiếng bố kêu hai anh em ra giúp, chạy ra đã thấy mẹ nằm gục ở gốc cây rồi".
Ngồi bên cạnh cháu, bà Hạnh thêm lời: "Cũng chỉ vì cái nghèo đeo bám, con cái không được học hành đến nơi, đến chốn nên chú Mẫn mới sa vào rượu chè. Lúc gia đình còn yên ấm, anh em nó đưa điểm 10 về khoe, bố nó vui lắm, sang hàng xóm khoe hết người này, người nọ. Nhưng từ khi hai anh em nó học hành giảm sút hơn bố nó đâm ra chán nản. Thường xuyên đi uống rượu, có tý men vào cứ đánh đập vợ con. Nhiều lần, tôi đã khuyên nhủ dạy bảo con phải nhẹ nhàng, khuyến khích từ từ, không thể đánh đập như vậy được nhưng chú nó có nghe đâu. Giờ xảy ra chuyện thì đã quá muộn màng".
Hơn 1 năm sau ngày mất của mẹ, nỗi đau đầu đời đó dường như đã in sâu trong tâm trí Phòng. Nhắc đến mẹ, nước mắt lưng tròng, Phòng nấc nghẹn chia sẻ: "Em thương mẹ lắm, mẹ đã chịu nhiều vất vả vì mấy anh em em. Nhưng em đã mất một người mẹ, em chỉ muốn bố sớm trở về với em thôi. Nhiều khi đi học bị bạn bè trêu ghẹo, em buồn lắm. Nhưng nghĩ về mẹ, vì bố đang cố gắng cải tạo tốt để về, em đã bỏ qua mọi lời dị nghĩ để cố gắng học hành. Ngày bố trở về, em muốn cùng bố đi thật xa, nơi đó không ai biết bố con em là ai cả, để bắt đầu lại cuộc sống".