Đằng sau vụ cán bộ cá độ 44 tỷ đồng

"Ai mà tin chồng tham ô 44 tỷ đồng mà vợ con, bố mẹ chẳng được một xu? Con mình rất khôn, rất nhạy cảm. Mỗi lần vào thăm ba về đêm nó lại hỏi “sao ba lại bị người ta còng tay hả mẹ? sao ba đi lâu về thế hả mẹ”...

Những tâm sự nhói lòng của vợ bị cáo Trần Minh Long - cựu cán bộ kho bạc, người vừa bị TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên án tử hình khiến nhiều người dự khán cảm thông.

Nhận định khoản tiền bị cáo Trần Minh Long (36 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè, TP.HCM) chiếm đoạt để đánh bạc quá lớn, không thể khắc phục được, HĐXX đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, y án sơ thẩm tuyên phạt Long mức án tử hình về hai tội “tham ô tài sản” và “đánh bạc”. Phía sau bản án ấy là một bài học đắt giá, đau lòng.

Những canh bạc số phận

Trưa 24/8, trên băng ghế gần bậc tam cấp dẫn xuống từ Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, chị Huyền ngồi ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.

Khoản tiền 100 triệu đồng chị chạy vạy khắp nơi để khắc phục hậu quả chẳng thấm gì so với khoản tiền 44 tỷ chồng chị đã tham ô của nhà nước. Thế nên, anh ta không được Tòa giảm án.

"Mấy bữa trước mình vào thăm, anh ấy chỉ nhìn mình rồi khóc, nói ân hận vô cùng và không hiểu tại sao lúc đó lại hành động như thế. Anh ấy cũng bảo khoản tiền 44 tỷ đồng quá lớn, dù mình có chạy vạy, vay mượn được 100 triệu đồng thì cũng chẳng thấm vào đâu nên thôi đừng nộp nữa.

Cha mẹ hai bên đều ở tận ngoài quê, đã già yếu, bệnh tật còn đồng lương của mình thì phải lo thuê nhà, nuôi con, nếu vướng nợ nữa sợ hai mẹ con không sống nổi.

...Mình không đành nên ráng vay được bao nhiêu thì cứ vay, mình làm trả nợ cả đời cũng được nhưng cố lắm cũng chỉ chạy được 100 triệu để nộp. Biết anh ấy lo cho hai mẹ con nhưng mình không thể nhìn chồng chờ chết như thế, mình sẽ cố hết sức để sau nay dù thế nào cũng không phải ân hận.

Tình nghĩa vợ chồng có thể hi sinh cả đời vì nhau nhưng mình chỉ thương anh ấy, lúc anh ấy ân hận thì đã quá muộn rồi…", chị Huyền vừa nói vừa rưng rưng nước mắt.

Tại tòa, Trần Minh Long cúi đầu nhận tội, bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt vì còn cha mẹ già, con nhỏ. Từng theo dõi nhiều vụ án xử những kẻ có máu đỏ đen nhưng người dự khán không thể ngờ một kế toán trưởng lại có thể trượt dài, thậm chí phải trả giá bằng cả mạng sống của mình vì đánh bạc.

Cuối năm 2010, trong những lần đến nhà người quen ở quận 12 (TP.HCM) chơi, Long quen biết với Phùng Mạnh Hùng. Như nhiều người đàn ông khác, Long mê bóng đá, thường xuyên theo dõi những trận bóng đá quốc tế.

Và rồi chính từ những lời lẽ bàn luận, những tỷ số…dẫn Long bước vào trò cá độ bóng đá.

Hùng là kẻ “có nhiều quan hệ” với các đối tượng đầu sỏ chuyên tổ chức cá độ. Hùng nhận lời, giới thiệu Long chơi cá độ với Huỳnh Văn Cường (ngụ huyện Hóc Môn).

Muốn chơi cá độ, Long đã phải chuyển vào tài khoản của Phùng Mạnh Hùng 1 tỷ đồng gọi là tiền “đặt cọc”. Nếu thua thì Long tiếp tục phải chuyển tiền vào tài khoản của Hùng, Hùng sẽ rút tiền mặt giao trực tiếp cho Cường còn 1 tỷ đồng “đặt cọc” luôn phải giữ cố định.

Nếu thắng, số tiền được chuyển vào tài khoản, Long giao luôn cho Hùng quản lý chứ không rút ra đồng nào. Cứ như thế, với vị trí kế toán trưởng, Long đã làm giả hồ sơ, chiếm đoạt 44 tỷ đồng chuyển gần hết cho Hùng để chơi cá độ, còn lại một ít Long chơi với vài “địa chỉ” khác.

“Sao chỉ quen biết với Hùng sơ sơ mà bị cáo có thể chuyển khoản tiền lớn như thế cho Hùng quản lý, thua thì chuyển tiền đi còn thắng thì để luôn trong tài khoản. Bị cáo là kế toán trưởng sao có thể không suy nghĩ, tính toán gì vậy? Nếu Hùng đi luôn mất thì sao?” - tòa đã hỏi bị cáo.

“Bị cáo không biết, lúc đó bị cáo không nghĩ gì cả, chỉ nghĩ rằng muốn gỡ lại khoản tiền đã mất thì mỗi lần cá độ số tiền phải thật lớn, nhưng càng chơi bị cáo càng mất…”, nghe những lời khai ấy HĐXX và người dự khán không khỏi ngỡ ngàng, vợ bị cáo thì càng thêm đau xót.

Cứ như thế, số tiền Long cá độ có lúc lên tới 1,5 tỷ đồng/trận. Đến khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng phong tỏa các tài khoản thì số tiền còn lại chỉ vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng. Huỳnh Văn Cường thì không khai nhận đã cá độ cùng Long và nhận tiền từ Hùng, ngoài lời khai của Long và Hùng không còn chứng cứ nào khác nên cơ quan chức năng không thể xử lý Cường.

Nỗi bất hạnh gia đình

Nghe tòa bác đơn kháng cáo tuyên y án tử hình, khác với sự vật vã, khóc lóc của các bị cáo và người thân trong những vụ án có hình phạt tử hình khác, vợ chồng bị cáo Long không khóc, cố nuốt nước mắt vào trong.

Long đưa ánh mắt chất chứa sự bất lực, tiếc nuối, ân hận và day dứt nhìn vợ rồi cúi đầu đi nhanh như chạy.

Nhìn gương mặt, đôi mắt nhoèn ướt và mấy tờ đơn xin thăm nuôi, gặp mặt phạm nhân mà chị Huyền đang cầm trên tay, ai cũng thấy mủi lòng, có người chợt buông một câu thõng thượt “hồng nhan bạc mệnh!”.

Có lẽ, trường hợp này của chị đúng thật. Gương mặt chị xinh xắn nhưng có nét gì đó sắc sảo, nghị lực và cam chịu.

Chị kể, chị và Long cùng tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và một cậu con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng trẻ lập nghiệp nơi thành phố nên chưa thể có tiền mua nhà, vẫn đang ở trọ tại quận Gò Vấp.

Long nguyên là kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè - một vị trí không phải to tát gì nhưng cũng là điểm mơ ước của nhiều người. Đã có lúc Long từng được đề bạt lên chức Phó giám đốc, còn chị Huyền đã rất tự hào về chồng, nhưng giờ đây tất cả tan biến như bọt nước.

Gia đình Long trọ ở tại Gò Vấp là để vợ tiện đi làm và chăm sóc con nhỏ. Ngày ngày, Long chạy xe từ Gò Vấp đến Nhà Bè để đi làm.

“Hồi đó, sáng nào con đỡ quấy thì vợ chồng nấu đồ ăn sáng ở nhà, không thì anh ấy chạy trên đường mua gói xôi đem về cơ quan ăn tạm. Về nhà có gì ăn đấy, anh ấy cũng không bao giờ đòi hỏi nửa lời. Nhìn anh ấy xuề xòa vậy mình đâu nghĩ anh ấy lấy của cơ quan cả mấy chục tỷ đồng. Mình thề có trời, có đất, mẹ con mình không hề biết đến một xu trong số tiền mấy chục tỷ đồng ấy.

Ai mà tin chồng tham ô 44 tỷ mà vợ con, bố mẹ chẳng được một xu? Con mình rất khôn, rất nhạy cảm. Mỗi lần vào thăm ba về đêm nó lại hỏi “sao ba lại bị người ta còng tay hả mẹ? sao ba đi lâu về thế hả mẹ” rồi trằn trọc như người lớn. Vậy nên, dù đau khổ, cay đắng lắm mình cũng không cho phép mình được khóc trước mặt con, không cho phép mình được gục ngã…”, chị Huyền tâm sự.

Giờ đây, nhà cửa không có để mà bán, đồng lương nhân viên của chị cũng chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, nuôi con và một mức sống tối thiểu nơi thành phố.

Bất lực. Đau đớn. Tia hi vọng mong manh của chị nằm ở lá đơn xin Chủ tịch nước ân xá cho chồng. Đó là cơ hội cuối cùng!

Và chị chỉ ước gì có một phép màu, có lẽ Long sẽ ngàn lần hối cải, sẽ tránh xa cờ bạc để khỏi nhói lòng mẹ cha, tan nát gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phượng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN