Đắng lòng vụ án con kiện cha

Người đàn ông tóc bạc trắng ngồi trầm ngâm nơi hàng ghế đầu tiên dành cho đương sự. Trên chiếc xe lăn, người thanh niên lặng lẽ cúi đầu suy tư. Họ là cha con, cũng là nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện.

Căn nhà từ đường

Trước khi qua đời, cụ L.V.T lập di chúc để lại căn nhà tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang làm nơi thờ cúng tổ tiên, giao cho người cháu nội L.B.S (SN 1972) quản lý, giữ gìn. Căn nhà không được bán, chỉ được sửa chữa khi hư hại. Anh S. phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng 2 người cô và để vợ chồng người chị (L.T.P, SN 1969) ở cùng.

Tuy nhiên, theo trình bày của anh S., cha và vợ chồng chị P. đã cản trở việc anh đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, không công nhận tờ di chúc. Anh khởi kiện, yêu cầu được hưởng thừa kế căn nhà gắn liền mảnh đất trên.

Ông L.T.L (SN 1939, cha anh S. và chị P.) có đơn phản tố, yêu cầu thay đổi người quản lý di sản với lý do anh S. đang bệnh, phải có người chăm sóc, không thể quản lý nhà đất, tổ chức cúng giỗ ông bà và nuôi dưỡng 2 người cô. Ông đề nghị để chị P. quản lý căn nhà từ đường.

Cấp sơ thẩm nhận định anh S. chưa thực hiện nghĩa vụ theo bản di chúc, vì vậy đồng ý giao căn nhà cho chị P. quản lý bởi chị cũng là cháu nội, đã ở cùng nhà từ trước đến nay, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của chị P., để gia đình anh S. sinh sống tại tầng 1 và được thu tiền từ việc cho thuê mặt bằng tầng trệt.

Không thể sống chung

Anh S. kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Tp.HCM, anh S. nói: "Ông bà nội tôi lập di chúc để lại căn nhà cho tôi nhưng trong gia đình, mâu thuẫn giữa tôi với cha và chị gái rất trầm trọng, nhiều lần phải nhờ chính quyền giải quyết. Chúng tôi không thể sống chung với nhau được. Tại tòa sơ thẩm, tôi đã bày tỏ mong muốn được khấu trừ một phần chi phí để có điều kiện ra riêng, tạo dựng cuộc sống mới. Tôi muốn thương lượng nhưng cha và chị tôi không chịu, muốn chiếm cả căn nhà".

Tiếp lời chồng, chị D.P.N (SN 1973, vợ anh S.) đứng lên bức xúc kể: "Chồng tôi bị tai biến, liệt nửa người vào năm 2006, vậy mà chị chồng xếp ở tầng trên khiến việc đi lại rất khó khăn. Không những thế, bà ấy còn chiếm luôn mặt bằng tầng trệt để buôn bán, chúng tôi chỉ được một phần nhỏ, cho thuê được 2 triệu đồng/tháng. Bà ấy còn khóa nước khiến tôi mỗi ngày phải đi lên, đi xuống xách nước. Áo quần giặt, không giũ hết xà phòng, tôi cũng phơi lên cho xong vì quá mệt mỏi. Giờ tôi muốn lấy lại nhà để mở tiệm uốn tóc. …".

Nghe vợ chồng người con trai trình bày, người cha thở dài cho biết: "Con dâu tôi thiếu nợ, bỏ nhà đi biền biệt từ năm 2003 đến năm 2007 mới trở về. Một tay con gái tôi chăm sóc em trai và 2 người cô bị bệnh, lo chuyện cúng giỗ ông bà. Tiền bạc chữa bệnh cho con trai hay sửa chữa nhà đều do tôi gửi về...". Ngừng một lúc lâu, ông buồn rầu nói tiếp: "Năm 2003, vợ chồng con trai tôi lấy hết tài sản, từ bàn ghế, giường tủ đến nữ trang ở trong nhà đem bán. Làm cha mẹ, tôi biết nhưng bỏ qua vì thương con. Tuy nhiên, con dâu tôi lúc trở về lại có ý định bán nhà sau khi tiến hành thủ tục hợp thức hóa giấy tờ nhà đất nên tôi mới ngăn cản. Từ đó, con dâu tôi nói năng hỗn xược, bất kính với cha, anh chị".

Ngồi nghe đôi bên phân trần, vị chủ tọa trầm ngâm, hỏi: "Gia đình đã có mâu thuẫn như vậy, khó có thể sống chung. Bây giờ, con trai ông muốn nhận một phần tiền rồi ra riêng, ông có thể thương lượng không? Dù sao, con trai ông hiện tại cũng không đủ sức khỏe...". Người cha kiên quyết lắc đầu: "Đây là nhà từ đường, không có chuyện chia chác hay mua bán gì cả. Tôi già rồi, không có khả năng đáp ứng số tiền con trai yêu cầu...".

Phiên tòa khép lại với việc HĐXX bác kháng cáo của người con trai. Không cần giữ ý tứ, cô con dâu lớn tiếng trách móc gia đình chồng trước sự chứng kiến của những người xa lạ. Lặng lẽ, người cha cúi đầu lê bước ra cửa, đôi vai ông rũ xuống. Có người cha nào có thể sung sướng khi thắng kiện chính con trai mình?

Đánh mất tình thâm

“Kẻ thắng, người thua trong những vụ kiện tranh chấp tài sản, thừa kế đều đã đánh mất đi điều thiêng liêng nhất mà dù có nhiều tài sản, tiền bạc cũng không thể mua được: Tình máu mủ ruột rà. Tòa án căn cứ vào chứng cứ, quy định của pháp luật để phân định đúng - sai, thắng - thua. Nhưng chính tình yêu thương, lòng vị tha, không cần biết đến thắng - thua mới có thể xoa dịu sự tổn thương của những người trong cuộc” - vị kiểm sát viên TAND Tối cao chia sẻ sau phiên xử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN