Dân bắt công an trả lại tiền hối lộ
Một công dân điều tra, phát hiện rồi lập danh sách 26 cán bộ, đảng viên, công chức có sai phạm rồi gửi đến nhà chức trách. Việc này khiến những người có trách nhiệm phải băn khoăn về hiệu quả chống tiêu cực, tham nhũng của cơ quan công quyền tại Đắk Lắk hiện nay.
Chống tiêu cực qua Facebook
Ông Trần Minh Lợi sinh năm 1968 từng học cao đẳng Công nghệ thông tin, có gần 3 năm dạy hợp đồng môn này cho một hệ đào tạo liên kết, từng kinh doanh thua lỗ khi vào vai Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Lâm Nguyên, rồi trở về quản lý cụm quán tại gia gồm các dịch vụ cà phê, Internet, photocopy tại thôn 4, xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Trong 2 năm 2014-2015, ông Trần Minh Lợi được nhiều lần nhắc đến trên hàng chục báo đài, vì đã tự điều tra, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, viết đơn tố cáo các biểu hiện phạm pháp của một số cán bộ đảng viên, đặc biệt là những người đang công tác trong 2 ngành công an, kiểm sát, gửi đến các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn và lãnh đạo các cấp, từ địa phương tới trung ương.
Ông Lợi với các “công cụ” chống tiêu cực tham nhũng.
Đơn tố cáo ông Lợi viết, chẳng những công khai cả tên tuổi địa chỉ, số chứng minh nhân dân, mà còn giới thiệu luôn nickname Facebook của ông là “Diệt giặc nội xâm”, mà nhiều người vào xem đã không khỏi bất ngờ trước thái độ căm ghét “không cần tiết chế” của ông với những cán bộ có tên tuổi chức vụ cụ thể, mà ông cho rằng đã suy thoái đạo đức, đã tiêu cực tham nhũng, phạm pháp nghiêm trọng nhưng không được xử lý nghiêm minh.
Ngược lại, ông Lợi cũng bị vài công dân trình báo với nhà chức trách về việc ông sử dụng thủ đoạn tinh vi gây khó cho họ về tiền nong. Tuy nhiên, trong khi họ chưa đưa ra được chứng cứ đủ thuyết phục về cái sai của ông Lợi, thì ông Lợi lại luôn kèm đủ bằng chứng về nhiều đối tượng bị ông tố giác.
Vì thế, ngày càng có nhiều người dân đến nhờ ông Lợi giúp gỡ rối. Và số biên bản nhận hàng trăm triệu đồng tiền trả lại từ những cán bộ nhận tiền hứa hẹn “chạy án, chạy việc” với dân, nhưng việc không thành, tiền không trả, dân đòi không được, phải cậy ông Lợi vào cuộc hỗ trợ để “lật tẩy phi vụ” ngày càng dày hơn, mà chuyện kể dưới đây chỉ là vài vụ tiêu biểu trong số đó.
Bắt công an trả lại tiền cho dân
Độc giả tới nay vẫn còn nhắc về loạt bài điều tra nhiều kỳ “Thiếu tá rơi súng” đăng trên báo Tiền Phong, mà tin báo cùng những hình ảnh ban đầu do ông Trần Minh Lợi cung cấp. Đến cuối năm 2014, cả 11 cán bộ, chiến sĩ công an huyện Cư Kuin có sai phạm trong vụ này đã bị kiểm điểm, cảnh cáo, kỷ luật ở các mức khác nhau.
Trong số cán bộ bị kỷ luật vụ “thiếu tá rơi súng”, có thượng úy - điều tra viên Hoàng Đình N và đại úy Phạm Duy K, đội phó “đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội & ma túy” công an huyện Cư Kuin. Tới cuối tháng 3.2015, hai cán bộ này lại có hành vi gợi ý người dân hối lộ để chạy tại ngoại cho một nhóm thanh niên bị bắt về tội đánh bài tại thôn Kim Châu, xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin.
Được dân nhờ vào cuộc, ông Lợi đã thu thập được các chứng cứ cần thiết rồi gọi điện thoại, yêu cầu thượng úy N, đại úy K phải trả lại toàn bộ các khoản tiền đã nhận. Đến hết ngày 21.4.2015, cả 90 triệu đồng đưa - nhận hối lộ đã được trả về cho các “khổ chủ”. Tuy nhiên, hồ sơ vụ việc vẫn tới tay nhà chức trách. Thượng úy N đã bị tước quân tịch, ra khỏi ngành, còn đại úy K bị điều chuyển sang huyện khác, tiếp đó cả hai bị Viện KSND Tối cao khởi tố để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Ngày 9.9.2015, bà Ngọc là giáo viên mầm non đến cầu cứu ông Lợi, về việc đại úy Phạm Văn T công tác tại Phòng PC47 Công an tỉnh Đắk Lắk hứa giúp cháu bà Ngọc là Thức “mua suất đỗ” vào một trường công an với giá 300 triệu đồng, đưa trước 100 triệu đồng, còn 200 triệu sẽ nhận tiếp khi có kết quả. Từ tháng 7.2014, bố mẹ Thức đã đưa bà Ngọc 100 triệu này để bà đưa đại úy T. Nhưng ông này không mua được suất đỗ, cũng không chịu trả lại tiền, khiến bà Ngọc bị bố mẹ Thức phản ứng dữ dội.
Ông Lợi ra tay. Chỉ 6 ngày sau tại quán cà phê Bi Bi, ông T đã phải trả lại 100 triệu đồng cho bà Ngọc, sau khi bị ông Lợi gửi đơn tố cáo kèm chứng cứ đến lãnh đạo Công an tỉnh.
Ngày 12.10.2015, đôi vợ chồng Nhật - Hồng ở thị trấn Buôn Trấp huyện Krông Ana viết đơn nhờ ông Lợi giúp đòi thượng úy Đoàn Công D - Công an TP.Buôn Ma Thuột phải trả lại 110 triệu đồng kèm tiền lãi ngân hàng trong 16 tháng. Bà Hồng nguyên là nhân viên chi nhánh Agribank huyện, trước kỳ thi công chức sợ rớt, nghe ông D hứa sẽ “chạy được vào công chức”, tháng 6.2014 đã mượn bìa đỏ của mẹ ruột thế chấp tài sản vay ngân hàng để có 110 triệu đồng giao cho ông D.
Tiền giao xong thì mất việc, vợ chồng Nhật - Hồng đòi mãi ông D không trả. Sau khi ông Lợi vào cuộc, chiều ngày 13.10.2015, tại quán cà phê La Cà số 22 Y Jút, ông D đã phải chấp nhận trả lại đủ số tiền này cho vợ chồng Nhật - Hồng, lại còn... ký hẳn hoi vào biên bản 4 bên.
Biên bản ông D trả lại tiền sau khi ông Lợi vào cuộc, yêu cầu.
Mới đây, ông Lợi còn không ngần ngại lập danh sách liệt kê tới 26 cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk gửi đến nhiều cơ quan công quyền, và đưa tung lên Facebook “Diệt giặc nội xâm”.
Trao đổi với đại diện Báo Tiền Phong về vấn đề này, đại tá Phạm Hữu Nhạc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết, quan điểm của lãnh đạo Công an tỉnh là không bao che cho bất cứ cán bộ đảng viên nào sai phạm. “Mọi công dân đều có quyền chống tiêu cực tham nhũng. Công an tỉnh hoan nghênh mọi đóng góp làm trong sạch đội ngũ giúp ngành. Tất nhiên, người đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực càng phải giữ mình trong sạch, hành xử đúng pháp luật, nếu không, anh cũng sẽ bị xử lý nếu vi phạm các quy định của luật pháp”, đại tá Nhạc nhấn mạnh.
Theo nguồn tin của Báo Tiền Phong, sáng 6.11 thượng tá Hà Hồng Bôn - Phó chánh thanh tra Công an tỉnh - mời ông Trần Minh Lợi lên làm việc, khẳng định sẽ kỷ luật đại úy Phạm Văn T đúng điều lệ ngành. Trường hợp thượng úy Đoàn Công D dù ông Lợi không gửi đơn tố cáo nhưng lãnh đạo Công an tỉnh sau khi đọc được trên Facebook “Diệt giặc nội xâm”, đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Công an thành phố Buôn Ma Thuột phải điều tra, xử lý và trả lời Công an tỉnh, tới nay chưa thấy hồi âm.
Chiều 6.11, trao đổi với đại diện Báo Tiền Phong, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) Lê Thái Dũng cho biết, quan điểm của cá nhân ông là hoan nghênh việc chống tiêu cực, tham nhũng của ông Trần Minh Lợi. Tuy không phải việc nào ông Lợi phản ánh cũng đúng và cách biểu hiện có lúc thái quá, chưa ổn, nhưng những vụ đủ cơ sở thì huyện rất quan tâm. Ông Lê Thái Dũng nói: “Ví dụ vụ cán bộ xã trục lợi đường thôn 2 đi thôn 7, anh Lợi trình bày, tôi cho lập đoàn liên ngành xử lý ngay!”. |