Đại tá kể chuyện dẹp loạn giang hồ đất Cảng và cuộc đối đầu với anh trai Dung Hà
Xuất thân từ ngành an ninh điều tra, tuy nhiên từ khi bén duyên với Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt H88, Đại tá Lê Hồng Thắng đã trở thành một trong những nhân vật mà giới “giang hồ đất Cảng” nghe tên đã phải nể sợ.
Đại tá Lê Hồng Thắng họp chuyên án với các đội nghiệp vụ.
Giang hồ dọa mãi thành quen
Những năm 90 của thế kỷ XX, Hải Phòng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất cả nước. Những công trình, kiến trúc liên tiếp được xây dựng, kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng phát triển và đây cũng là lúc mà giới giang hồ đất Cảng bắt đầu làm mưa làm gió.
Giữa lúc giang hồ đất Cảng hoành hành, cát cứ các bến tàu thủy, nhà ga, sân bay, bến xe, chợ… thì chúng gặp phải “khắc tinh” của Công an Hải Phòng thời kỳ bấy giờ là Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt với bí số H88. Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hải Phòng khi đó là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của H88.
Gặp tôi sau một cuộc họp quan trọng ngày đầu tháng 7 vừa qua, Đại tá Thắng chia sẻ, ông có hơn 30 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân thì 27 năm làm cảnh sát hình sự, anh nói đó là cái duyên. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường an ninh, ông Thắng về công tác tại phòng An ninh điều tra Công an TP.Hải Phòng.
7 năm sau, Công an Hải Phòng thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt với bí số H88 được thành lập nhằm chấn chỉnh lại tình hình an ninh trật tự phức tạp tại thành phố Cảng, trinh sát hình sự Lê Hồng Thắng là một trong những thành viên đầu tiên.
Theo Đại tá Thắng, thành viên của H88 khi đó đều là những người rất dũng cảm, không sợ khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, kể cả là hy sinh.
Năm 1995, ông được thuyên chuyển về làm Đội phó Đội Án tuyến địa bàn (gọi tắt Án tuyến) thuộc phòng Cảnh sát hình sự. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Đội trưởng với quân hàm Đại úy và cũng là thành viên trẻ nhất Đội Án tuyến.
Năm 2004, sau 9 năm công tác tại Đội Án tuyến, ông được thuyên chuyển sang làm Đội trưởng Đội Chống trộm. Đến năm 2009, Lê Hồng Thắng chuyển về công tác tại địa phương trên cương vị Phó Trưởng Công an huyện An Dương, TP.Hải Phòng. Tiếp đó, năm 2013, ông được điều trở lại phòng Cảnh sát hình sự với chức vụ Phó Trưởng phòng.
Từ năm 2015 cho đến nay, Đại tá Lê Hồng Thắng giữ cương vị Trưởng phòng Cảnh sát hình sự.
Đại tá Thắng tâm sự hơn 30 năm trong nghề, trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn cũng như những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, ông đã “quen rồi”. Không ít lần mẹ và vợ ông nhận được những lời đe dọa từ những tên tội phạm hay những nhân vật “cộm cán” ở TP.Hải Phòng.
“Từ khi tôi vào ngành, bén duyên với trinh sát hình sự, mẹ và vợ tôi đã nhiều lần bị các đối tượng lưu manh đe dọa tính mạng, hay khủng bố tinh thần tuy nhiên gia đình tôi không hề nao núng. Dọa mãi cũng thành quen rồi”, ông cười chia sẻ.
Bức ảnh chụp năm 1997 của 14 thành viên Đội Án tuyến (Đại tá Lê Hồng Thắng ngồi giữa, thứ 3 từ phải sang).
14 cảnh sát theo dõi cửu vạn 4 bến xe
Suốt 27 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát hình sự, những kỷ niệm mà ông nhớ nhất đó là về Đội Án tuyến, nơi đầu tiên mà anh công tác trên cương vị là người đứng đầu trong sự nghiệp và cũng là nơi mà ông đã cùng các đồng đội chung tay “dẹp loạn” giới giang hồ đất Cảng. Những cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng với những ông, bà trùm khét tiếng bậc nhất Hải Phòng lúc ấy như Chiến “chó” (anh trai bà trùm Dung Hà), Viễn “chó”, Dũng “mo de”, Hằng “quắt”, Dũng “mường”, Sơn “bình”, Tuấn “voi”, Khải “điên”… đã trở thành công việc hằng ngày của Đội Án tuyến.
“Khoảng trước năm 1995, trong những năm đầu đất nước ta mở cửa, bắt đầu nền kinh tế thị trường, lúc này, các đối tượng hình sự chuyển sang làm kinh tế. Phức tạp nhất phải kể đến lực lượng lưu manh trong vai trò bốc xếp ở các bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay… ép giá, cưỡng đoạt tài sản của các tiểu thương”, Đại tá Thắng nhớ lại.
Lúc bấy giờ, với 14 thành viên trong đó có 1 thành viên là nữ, Đội án tuyến phải “tải” khối lượng công việc đồ sộ gồm phòng ngừa, đấu tranh trên tuyến giao thông trọng điểm của TP.Hải Phòng.
14 người Cảnh sát hình sự này sẽ phải lập hồ sơ, quản lý các đối tượng cửu vạn ở 4 bến xe lớn như Tam Bạc, Niệm Nghĩa, Đồ Sơn, Cầu Rào; quản lý các đối tượng vi phạm pháp luật như cờ bạc, trộm cắp trên các chuyến xe khách; phòng chống, truy bắt các đối tượng cướp giật (chủ yếu bằng xe máy); quản lý các đối tượng là chủ hàng, thương nhân gửi đồ ở Cảng, bến xe, nhà ga hay sân bay; quản lý các bến bãi đồ dọc, đò ngang trên sông; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng quản lý xe du lịch; thống kê, báo cáo lượng xe ôm, xích lô trên địa bàn TP.Hải Phòng.
“Lượng công việc nhiều như thế nhưng với tinh thần “người lính cụ Hồ”, 14 người chúng tôi vẫn lăn xả hết mình vào công việc, và đây cũng là lúc tôi và đồng đội bắt đầu quá trình “dẹp loạn” giới giang hồ đất Cảng. Đưa tất cả những đối tượng lưu manh “xịn” lúc bấy giờ ở bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay… vào quy củ”, Đại tá Thắng cho hay.
--------------------------
Lợi dụng những kẽ hở của luật pháp khi bộ luật Hình sự 1999 chưa ra đời, các tay anh, chị lưu manh hay những ông trùm, bà trùm giang hồ đất Cảng đã tiến quân làm kinh tế, sử dụng các thủ đọan lưu manh để kiếm tiền. Bất kỳ tiểu thương nào manh nha chống đối sẽ bị các ông, bà trùm này sử dụng vũ lực để răn đe, khi cần thiết thì quấy phá không cho buôn bán.
Kỳ tiếp theo: “Ông trùm, bà Trùm” làm kinh tế
“Chiến dịch 135” đánh mạnh vào giới tội phạm có tổ chức. “Chiến dịch“ này đã khiến giới giang hồ Nam Định đảo...