Đại tá Hoắc kể vụ hai tử tù cưa cùm vượt ngục

Sự kiện: Tin pháp luật

Hai tử tù năm đó đã dùng dao lam cưa cùm, cưa song sắt. Đại tá Hoắc khi ấy trăn trở mãi, liệu chúng có tự cưa được không?

Đại tá Hoắc kể vụ hai tử tù cưa cùm vượt ngục - 1

Thân “rau muống” và Nam “Cu chính” 

Đã 15 năm trôi qua kể từ ngày dư luận chấn động trước việc hai tử tù bỏ trốn khỏi trại giam Hoả Lò, tưởng rằng ký ức về sự cố ấy đã nguôi ngoai với Đại tá Nguyễn Văn Hoắc (SN 1945, nguyên Giám thị Trại giam Hoả Lò. Nhưng vụ việc 2 tử tù trốn khỏi trại giam T16 - Bộ Công an mới đây đã gợi lại “vết thương lòng” nơi người “cai ngục” một thời.

Những điềm báo không lành

Gọi nó là “vết thương”, vì theo Đại tá Nguyễn Văn Hoắc, trong suốt quãng thời gian làm việc hơn 13 năm, ông không bao giờ nghĩ sẽ xảy ra những chuyện chấn động như thế, cũng không nghĩ sau này lại tái diễn một vụ việc tương tự. “Tôi đã quên lâu rồi, vì nghĩ về nghỉ thì quên hết đi, buông bỏ hết đi, nhưng không ngờ lại xảy ra vụ việc vừa rồi”, Đại tá Hoắc trầm giọng.

Đại tá Hoắc có 4 người con, hai trai, hai gái, trong đó chỉ có con trai út theo ngành công an, nhưng cũng không làm trong lĩnh vực trại giam như bố. Dù tất cả các con đều ở Hà Nội, nhưng ông bảo ở tuổi của ông bây giờ, ông không thích sự ồn ào của phố xá, nên hai vợ chồng sống dưới quê Hà Nam, hàng ngày hít thở không khí trong lành, tự trồng rau sạch để ăn. Hỏi ông có còn vương vấn, tâm tư gì với cái nghiệp người ta vẫn gọi vui là “cai ngục” ấy không, ông bảo khi nghỉ là ông quyết định quên hết, để cuộc sống thanh thản. “Nhưng nếu được chọn lại, tôi sẽ không chọn công việc này nữa đâu, bởi nó quá vất vả và nhiều áp lực!”, ông cười và chia sẻ.

Đại tá Hoắc kể lại, trước thời điểm xảy ra vụ việc 2 tử tù trốn khỏi trại giam Hoả Lò (Trại giam số 1 Hà Nội, xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), đã có một loạt những điềm báo mà ông nhận định là điềm dữ.

Trước hết, ở nhà ông bất chợt có một con chim nhạn đen bay vào. Hôm sau vào trại giam, lại thấy một con cú mèo đậu trên tủ hồ sơ. Rồi ở nhà một cán bộ quản giáo phụ trách khu giam, một con bướm đen khổng lồ bất ngờ đến đậu, hôm sau, cũng con bướm ấy lại đậu trong phòng làm việc của cán bộ đó ở trại giam.

Xâu chuỗi lại các sự việc, ông cho biết có linh cảm không lành. Chính vì thế, trong một tuần ấy, ông yêu cầu các đơn vị họp 3 lần, thành phần gồm Đảng uỷ, ban giám thị, các đội trưởng. “Tôi cho họp và quán triệt, ra những mệnh lệnh cụ thể, yêu cầu viết rõ vào biên bản cuộc họp về việc cần phải thay móng cùm, gõ chấn song sắt cửa, gõ tường để kiểm tra... Cùng với đó phải thực hiện rất nhiều công tác khác thắt chặt việc canh giữ phạm nhân. Tuy nhiên, một đồng chí phó giám thị lại không thực hiện theo mệnh lệnh ấy, và sự việc đáng tiếc hai tử tù trốn trại đã xảy ra”, Đại tá Hoắc kể lại.

Ông nói, giá như khi ấy các cán bộ thực hiện đúng theo lệnh ông đã quán triệt thì chuyện đáng tiếc đã không xảy ra, nếu kiểm tra gõ chấn song sắt cửa, gõ tường sẽ phát hiện ra ngay, vì khi chấn song bị cưa, tường bị đục, tiếng gõ sẽ rất khác biệt.

Còn với móng cùm to bằng nửa cổ tay, nếu thay mới thì tử tù không thể cắt được, giả sử có thì cũng mất rất nhiều thời gian.

“Chẳng ai dại mà tiếp tay cho tử tù”

Nhớ lại hôm hai tử tù bỏ trốn, Đại tá Hoắc nói không phải ca trực của mình nên ông về nhà. Khi nhận được tin, ban đầu ông không thể tin nổi. Đó là sự cố, và ông, cũng như rất nhiều cán bộ của trại giam Hoả Lò khi ấy rất buồn, áp lực và tâm tư. “Khi ấy, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, vì hơn 10 năm làm việc chưa có sự cố nào tương tự. Có những đêm, tôi mất ngủ, thức trắng”, ông tâm sự.

Đêm 28/10/2001, hai tử tù Thân “rau muống” (Nguyễn Văn Thân, trú xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội) và Nam “Cu chính” (Nguyễn Hải Nam, quê Hà Nội) dùng chiếc dũa được ghép bởi 10 bánh xe bật lửa, dao lam, mẩu gạch men vỡ để tạo độ ma sát đã cưa đứt cùm và trốn thoát khỏi buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò mới. Ngay lập tức, Công an Hà Nội đã thành lập chuyên án với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lần theo manh mối và bắt được hai tử tù về quy án sau 17 ngày.

Sau đó, Ban giám đốc Công an Hà Nội quyết định kỷ luật 13 cán bộ, sĩ quan của Trại giam số 1 Hà Nội. Trong số đó, Đại tá Hoắc (khi đó mang quân hàm Thượng tá), Giám thị Trại giam số 1 phải nghỉ chế độ, Phó giám thị Dương Xuân Đỉnh bị miễn nhiệm, Phó giám thị Tạ Minh Quang bị cảnh cáo. Lãnh đạo Công an Hà Nội quyết định mức kỷ luật trên căn cứ vào thành tích trước đó của Trại giam số 1, không để các vụ việc lớn xảy ra. Hơn nữa, Thượng tá Hoắc cùng 2 cán bộ khác đã nhiều năm công tác và sắp đủ tuổi nghỉ hưu, nên chỉ buộc nghỉ chế độ sớm.

Cũng theo lời kể của ông, trước khi xảy ra “sự cố tày trời” này, cũng có một vài vụ phạm nhân tự tử trong buồng giam, phạm nhân bỏ trốn. Có khi một phạm nhân nữ có bầu, vào bệnh viện đẻ, nhưng trại giam hiếm quản giáo nữ nên phải cử quản giáo nam đi cùng, mà quản giáo nam lại không được vào buồng đẻ, phải đứng ở ngoài nên đẻ xong phạm nhân thay quần áo bình thường đi ra ngoài, rất khó có thể biết được. Cũng có những phạm nhân giả ốm đau, bệnh tật và khi vào viện, chỉ chờ quản giáo một giây lơ là, phạm nhân sẽ bỏ trốn.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Đại tá Hoắc cho biết, VKSND Tối cao đã vào cuộc điều tra. “Khi ấy họ hỏi tôi, xảy ra việc tử tù trốn trại thì ai chịu trách nhiệm? Tôi nói luôn, tôi chịu trách nhiệm vì tôi là giám thị, tôi là chỉ huy. Sau đó VKSND Tối cao đến thu tất cả sổ sách của chúng tôi, trong đó có biên bản ghi lại rất rõ mệnh lệnh tôi giao trong cuộc họp, nhưng chưa được thực hiện. Vì thế, một phó giám thị không thực hiện mệnh lệnh ấy đã bị kỷ luật nặng nhất”, ông trầm ngâm kể lại.

Hai tử tù năm đó đã dùng dao lam cưa cùm, cưa song sắt. Đại tá Hoắc khi ấy trăn trở mãi, liệu chúng có tự cưa được không? Và rồi ông làm văn bản gửi cho Bộ Quốc phòng để hỏi: “Dao lam có cưa được song sắt không? Cùm chân to bằng nửa cổ tay, dao lam có cưa được không?”. Bộ Quốc phòng giải thích, sắt dù to hay bé vẫn là sắt, còn dao lam là thép, mà thép thì cứng hơn sắt nên thép cưa được sắt là đúng. Sau đó, bên kỹ thuật hình sự của Bộ xuống lấy cùm, lấy mảnh dao lam mà hai tử tù dùng để cưa cùm, thực nghiệm lại đúng như miêu tả của chúng. Và đúng là cưa được thật. Hai tên tử tù đã dành vài tháng để vừa làm, vừa che giấu việc ấy.

Sau này, khi làm rõ các thông tin còn nghi ngờ, Cơ quan điều tra của VKSND mới kết luận là do phạm nhân tự cưa cùm bỏ trốn chứ không có “tay trong” là cán bộ giúp đỡ. Cũng sau vụ việc đó, Đại tá Hoắc đề nghị lãnh đạo làm văn bản sang Bộ Quốc phòng đề nghị nhiệt luyện các cùm sắt ở nhiệt độ rất cao khiến khó cưa, có cưa cũng chỉ nhẵn chứ rất khó đứt. Và từ đó đến nay, trại giam Hoả Lò vẫn dùng loại cùm ấy.

“Đúng là dư luận vẫn luôn nghĩ tử tù không thể bỏ trốn khỏi phòng biệt giam được mà phải có “tay trong”. Chúng tôi buồn và suy nghĩ lắm chứ. Nhưng với ngần ấy năm trong nghề, tôi khẳng định chắc chắn không có cán bộ nào tiếp tay cho những việc ấy cả, vì chẳng ai dại gì đem cả cuộc đời, sự nghiệp chính trị mà mình phấn đấu bao lâu để tiếp tay cho tử tù - làm một việc biết trước là chẳng khác gì chọn con đường chết”.

Không yêu nghề nhưng luôn làm hết trách nhiệm

Đại tá Hoắc làm giám thị trại giam Hoả Lò ở cả 2 giai đoạn trại cũ (ở phố Dã Tượng, Hà Nội hiện nay) và trại mới. Đặc biệt, trong những năm 1991-1992, khi ông mới về, nơi đây vô cùng thiếu thốn, khó khăn và vất vả. Từ những điều kiện sinh hoạt nhỏ nhất cũng không được đảm bảo.

Ông thừa nhận ông không phải người yêu nghề, say nghề, nhưng ông làm việc trách nhiệm hết mức có thể. Ông chia sẻ, khi ông đang là Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đức Nhanh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự khi đó (sau này là Giám đốc Công an Hà Nội) trong một cuộc họp Đảng ủy đã đề xuất đưa ông về làm Giám thị trại giam Hoả Lò. Lúc ấy ông không muốn đi và đã dự định không làm nữa. “Nhưng sau đó một người bạn tôi là Trưởng phòng Tổ chức đến nhà chơi và bảo: “Mày không làm thì người ta bảo mày sợ chết”. Tôi nghe thế tức quá nên đã tôi nhận lời chuyển về trại giam Hoả Lò”, ông kể.

Thậm chí, khi ông về, người tiền nhiệm của ông tại trại giam Hoả Lò còn đùa: “Tao đố mày làm ở đây được nổi 3 năm!”. Ông bảo cứ để xem và rồi ông cũng làm được đến 13 năm có lẻ. Trong thời gian công tác, ông cũng có lần xin Giám đốc Công an Hà Nội khi ấy là ông Phạm Chuyên cho chuyển chỗ làm, nhưng ông Chuyên không đồng ý vì chưa có người thay. “Công việc ở đó vất vả, gian khổ, không dễ dàng gì mà có rất nhiều áp lực, thậm chí đối mặt với nhiều mối nguy hiểm. Chính vì thế, không có nhiều người mặn mà với vị trí công tác này”, ông Hoắc nói.

Nghỉ chế độ từ năm 2003, ông nói ngay từ khi còn làm việc, ông rất thích giao lưu với các nhà văn, nhà thơ và có rất nhiều bạn bè là nhà văn, nhà thơ. Thế nhưng, chỉ duy nhất ông làm một bài thơ - ấy là khi chia tay các cán bộ ở trại giam Hoả Lò để về nghỉ chế độ. Bài thơ đó, ông dành tặng những người ở lại - những giám thị, quản giáo ngày nào cũng đối mặt với tội phạm:

“Gần mực các cụ bảo là đenNhưng sao ta thấy sáng hơn đènBởi tại lòng ta trong như ngọcKhông để mực dây lấm lọ lem.Trong khi có kẻ ở bên đènMà sao trông thấy vẫn tối đenGần đèn chỉ thấy to cái bóngCái bóng hiện lên thấy lem nhem”.

Ông đọc xong bài thơ và đùa vui: “Đấy, người ta bảo gần mực thì đen, thế chúng tôi ở gần tử tù suốt ngày thì chúng tôi đều “đen” cả hay sao?”.

Những cuộc “vượt ngục” không tưởng của tử tù

Với những công cụ rất đơn giản như dao lam hay bật lửa, các tử tù đã thực hiện cuộc tẩu thoát khỏi nơi giam giữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Báo Giao thông)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN