Đại ca giang hồ hoàn lương, dựng cơ ngơi bạc tỷ

Băng cướp dưới trướng của Thế Sơn từng là nỗi ám ảnh đối với cánh lái xe đường dài.

Đại ca giang hồ hoàn lương, dựng cơ ngơi bạc tỷ - 1

Đại ca giang hồ khét tiếng thuở nào giờ là ông chủ của chuỗi nhà hàng, cà phê, đồ mỹ nghệ, gốm sứ

Băng cướp dưới trướng của Thế Sơn từng là nỗi ám ảnh đối với cánh lái xe đường dài. Những tưởng, cuộc đời đại ca giang hồ sẽ mãi lún sâu vào tội lỗi, nhưng bước ngoặt quan trọng đã đến từ một cuộc gặp gỡ định mệnh.

Nằm ngay trên QL1 thuộc địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An là ngôi biệt thự bề thế trị giá hàng tỷ đồng. Nhưng rất ít người biết gia chủ của ngôi biệt thự cũng là chủ nhân của chuỗi nhà hàng, cà phê, đồ mỹ nghệ, gốm sứ. Người này trước kia từng là một đại ca giang hồ nghiện ma túy nặng, chuyên đi đâm thuê, chém mướn, khét tiếng một vùng.

Đại ca giang hồ “thích là chém”

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn hai tầng khang trang là một người đàn ông to cao, vạm vỡ, một tai đeo khuyên vàng, trông rất “ngầu”. Mặc dù đã trở thành đại gia có tiếng trong vùng nhưng khuôn mặt anh vẫn vương lại chút gì “bặm trợn” của quá khứ giang hồ.

Lại Thế Sơn sinh năm 1967 trong một gia đình gia giáo, bố mẹ đều là cán bộ Nhà nước, anh trai làm công an, nhưng Sơn lại là người có tính cách hoàn toàn khác biệt. Học xong cấp 3, Sơn thi đỗ vào trường Trung cấp Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Tưởng rằng đi học nơi đất khách quê người, Sơn sẽ nghe lời căn dặn của gia đình cố gắng học tập để sau này ra trường sẽ tìm được công việc ổn định. Vậy nhưng, vừa vào trường, Sơn đã gây ra nhiều vụ việc động trời. Lần đó, bị một nhóm thanh niên tỉnh khác bắt nạt, Sơn đã tập hợp “đàn em” là những sinh viên cùng quê, dạy cho đám kia một bài học. Từ đó, danh tiếng của Sơn được nhiều người biết đến, nhiều kẻ còn tự tìm đến xin làm “đệ tử”.

Ông Nguyễn Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: “Hiện, ông Lại Thế Sơn sống và làm ăn kinh doanh tại địa bàn rất tốt, luôn đi đầu trong đóng góp xây dựng quê hương, ông sống niềm nở, chan hòa với mọi người. Gia đình ông mấy năm liền đều là gia đình văn hóa”.

Khi đã được xếp lên hàng “chiếu trên”, Sơn được rất nhiều người phục tùng, e sợ. Vốn có “máu mặt” trong trường, gia đình lại có điều kiện, Sơn càng thể hiện bản lĩnh với đám bạn của mình. Năm 1986, dù đang là sinh viên, nhưng Sơn đã là một con nghiện ma túy nặng. Cũng cuối học kì đó, Sơn nhận được kết quả học tập loại yếu và bị đuổi học. Chán nản, Sơn lang thang khắp đất Bắc với không biết bao vụ đâm thuê, chém mướn. Nói đến “Sơn nghiện”, đám “anh chị” nổi danh thời bấy giờ không ai là không ngại. 

Sau một thời gian “xưng hùng, xưng bá” ở đất Phú Thọ, năm 1990 Sơn quyết định quay về Diễn Châu, tập hợp dưới trướng hàng chục đệ tử. Những ngày tháng đó, Sơn cùng đàn em chìm ngập trong rượu chè, ma túy và những cuộc đâm chém, xô xát. Chỉ cần mâu thuẫn nhỏ, Sơn liền dùng dao, kiếm để giải quyết. Bên dưới luôn có mấy chục đàn em sẵn sàng ra tay sau mệnh lệnh của Sơn. Chẳng thế mà chỉ cần có xích mích nhẹ, động chạm đến lòng tự ái là Sơn cho đàn em cầm kiếm đến “xử đẹp”. Có thời điểm đá đỏ Quỳ Châu đang thành cơn sốt, Sơn tham gia đi đào vàng và kiếm được một số tiền. Có người gạ bán lại cho cái xe máy, vì ưng mắt nên Sơn chấp nhận mua sử dụng. Xe đi ít hôm hư lên, hư xuống, Sơn cùng đàn em tay lăm lăm hung khí đến chém. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, còn Sơn vào trại giam bóc lịch.

Ra tù, Sơn lại tiếp tục dính vào vòng lao lý. Khoảng cuối tháng 12/1992, Sơn chém trọng thương một nhân viên gác tàu tại gác chắn đường sắt đoạn ngã ba Yên Lý chỉ vì anh này không cho đi khi có tàu sắp chạy đến.

Những tưởng sau nhiều lần ăn cơm tù, mặc áo số, Sơn sẽ thay đổi nhưng ngược lại tính hung hăng càng thể hiện rõ hơn. Tại cầu Lồi, thuộc xã Diễn Hồng, vốn là một điểm bắt khách của xe Bắc - Nam chạy qua, Sơn chỉ đạo đàn em “bảo kê”, thu phí “quản lý”. Có lần thấy một thanh niên lạ đến tranh giành khách, Sơn đã chém đứt một cánh tay kẻ không nể mình để dằn mặt. Kiếm tiền dễ dàng bằng “luật rừng”, gã giang hồ lún sâu vào con đường hút chích, nghiện ngập nặng, lần lượt hai người vợ đến rồi ra đi. Ra tù, vào tội cũng chỉ vì bản tính thích là chém, “ngứa mắt” là đánh, trong “sổ đen” của công an, Thế Sơn được liệt vào... tốp trên.

Cuộc gặp định mệnh

Những tưởng cuộc đời gã giang hồ sẽ mãi lún sâu vào tội lỗi, nhưng bước ngoặt quan trọng đã đến với gã từ cuộc gặp gỡ định mệnh tại bệnh viện. Trong một lần đàn em bị chém trọng thương, Sơn đưa đệ tử vào Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu cấp cứu với thái độ ngông cuồng, yêu cầu bác sỹ phải khẩn trương cứu chữa. Lúc đó vào ban đêm, chị Đinh Thị Oanh (SN 1965), y tá bệnh viện vừa xử lý vết thương cho bệnh nhân vừa sợ hãi trước sự hung hãn của đại ca xứ Nghệ. 

Được biết, trước khi gặp chị Oanh, Sơn đã có hai đời vợ. Người đầu tiên Sơn lấy làm vợ từ khi còn ở Phú Thọ, nhưng vì người này không thể sinh con, nên chỉ sau một thời gian ngắn đường ai nấy đi. Sau khi về Nghệ An, Sơn kết hôn với cô gái khác. Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn êm ấm, người vợ vì không chịu được cảnh chồng đàn đúm, rượu chè đã ôm con ra đi. Còn chị Oanh cũng đã qua một đời chồng và có một đứa con riêng.

Hôm Sơn đưa gã đàn em vào cấp cứu, y tá Oanh vừa nhìn thấy đại ca giang hồ đã run bắn vì sợ hãi. Theo quy định bệnh viện, những ca nhập viện do đánh nhau sẽ bị phạt 200 nghìn đồng nhưng nữ y tá không biết mở lời như thế nào với gã giang hồ. Khâu vết thương xong, chị liều mình đánh tiếng: “Lát nữa anh nhớ nộp tiền cho bệnh viện nhé. Đó là quy định rồi, xin anh thực hiện”. Không như chị lo nghĩ, Sơn đã thanh toán viện phí đầy đủ.

Kể từ ngày đó, người ta bắt đầu thấy Sơn thường xuyên đến bệnh viện hơn, nhưng không phải là đưa đàn em đến khâu vết thương mà là đến để trò chuyện với y tá Oanh. Những câu hỏi thăm, những lời động viên đã dần thay đổi suy nghĩ của chị. Nhưng chị vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng đón nhận tình cảm khi nghe những lời xì xào của dư luận, bên cạnh đó, sự đổ vỡ của tình yêu khiến con tim chị khép lại.

Nhưng, chính sự quan tâm thật lòng của Sơn đã khiến chị dần thay đổi cách nhìn. Khi biết tin chị đang có ý định mua gỗ xây nhà, Sơn nói: “Xây nhà làm chi cho mất công, tôi xây một thể cho hai mẹ con”. Nghe vậy, chị chỉ im lặng, vì chị chưa dám hình dung một nữ y tá lấy giang hồ làm chồng sẽ ra sao.

Tuy dè dặt trước một kẻ giang hồ “chiến tích” đầy mình nhưng chị không thể lừa dối bản thân. Sơn là người luôn động viên mẹ con chị những lúc khó khăn trong cuộc sống. Và chị đã yêu Sơn lúc nào không hay. Thế nhưng, khi chị công khai tình cảm của mình, hầu như tất cả đồng nghiệp, bạn bè đều phản đối. Nhiều người còn cật vấn: “Có khối người theo đuổi, sao lại trao đời mình cho một kẻ giang hồ, phải biết nghĩ đến tương lai chứ”.

Tình yêu chân thành thức tỉnh kẻ lầm đường

Liên tục nghe những lời bàn tán đó, lúc đầu chị cũng chạnh lòng, nhưng cuối cùng tình yêu và sự nhung nhớ đã chiến thắng. Chị quyết định lấy Sơn, bất chấp sự ngăn cản của nhiều người xung quanh, bất chấp cả những tai tiếng của chồng trong quá khứ. Khi yêu, chị không hề hay biết Sơn bị nghiện, đến lúc biết điều này thì tình cảm nữ y tá dành cho gã giang hồ kia đã quá nhiều. Bất chấp tất cả, hai người đến với nhau và sinh thêm được hai người con. 

Cuộc sống túng thiếu, kèm theo đó là những lần lên cơn nghiện thuốc của chồng khiến chị điêu đứng. Sơn bỏ mặc vợ con để cùng đàn em ngang dọc rồi cuối cùng vướng vào vòng lao lý. Sau cú sốc này, nữ y tá không bỏ cuộc mà bền bỉ vào thăm chồng trong trại giam cùng những lời thỉnh cầu mong anh quay đầu lại, tu chí lo tương lai. Nhận ra tình cảm chân tình mà vợ con đã dành cho mình, Sơn quyết tâm từ bỏ giang hồ và cai nghiện, bù đắp lại những gì thời gian qua anh đã sống uổng phí.

Nói là làm, kể từ thời điểm ấy, Sơn đoạn tuyệt với ma túy, với đám đàn em của mình, trở về cuộc sống đời thường, làm một người đàn ông làm ăn lương thiện. Chị Oanh cũng xin nghỉ việc một thời gian để chăm sóc chồng. Những ngày tháng khó khăn cuối cùng cũng kết thúc.

Ngồi trong cơ ngơi bạc tỷ, Sơn hết lời cảm ơn người phụ nữ của cuộc đời mình: “Cô ấy đã vì tôi mà hy sinh quá nhiều. Cả đời này tôi mang nợ cô ấy”. Hiện nay, niềm hạnh phúc của vợ chồng Oanh, Sơn không chỉ là sự giàu có về kinh tế mà hơn hết là 4 đứa con thành đạt. “Giờ đây niềm hạnh phúc của tôi là ở nhà kinh doanh buôn bán và giúp vợ nấu những bữa cơm ngon cho gia đình mỗi khi vợ bận việc hay vắng nhà”, đại ca giang hồ ngang dọc một thời chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thủy Tiên (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN