“Đại bàng” tầm nã
Bên ly cà phê trong quán nhỏ xứ sen hồng, nơi anh đang giữ cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi lại được nghe những ký ức oanh liệt, hào hùng của người lính tầm nã một thời.
1. Năm 1989, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, Đào Trọng Sơn được phân công làm “đặc nhiệm nhảy tàu” trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (Phòng Đấu tranh trên tuyến giao thông, Phòng 4, Cục Cảnh sát hình sự. Ngày đó, Đào Trọng Sơn còn rất trẻ, mang trong mình đầy nhiệt huyết cống hiến.
Để thực hiện những pha nhảy tàu bắt cướp nhanh như chớp giữa lúc con tàu đang vun vút lao đi, Đào Trọng Sơn đã phải tôi luyện bền bỉ, kiên gan. Nếu sơ suất, thì chỉ trong tích tắc có thể rơi xuống vực sâu hoặc bị bánh tàu cuốn đi. Phải chọn vị trí nhảy trúng trọng tâm nhất, phải nhảy làm sao để khi chân tiếp đất là đứng im, giữ được thăng bằng. Nhảy bắt được tội phạm lại càng khó.
Ba năm “ẩn mình” theo bánh con tàu quay, thực hiện nhiều vụ nhảy tàu bắt cướp ngoạn mục, Đào Trọng Sơn đã được Trung ương Đoàn trao tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm. Với kinh nghiệm, trình độ truy bắt tội phạm, Đào Trọng Sơn lần lượt đảm nhận những nhiệm vụ gai góc ở các đơn vị “nóng” của Bộ Công an từ Hà Nội vào TP HCM.
Những năm 1995 -1997, từ miền Trung trở vào Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra nhiều vụ cướp có vũ khí nóng gây chấn động. Đã có 5 người đã thiệt mạng và một vài người bị trọng thương, xã hội bàng hoàng, bất an.
Sau một thời gian điều tra, công an nhận định, Đỗ Ngọc Khuê, sinh năm 1963, quê Thái Bình chính là kẻ cầm đầu. Tổng cục Cảnh sát lập chuyên án điều tra, Đào Trọng Sơn là một trong những trinh sát tham gia chuyên án.
Đại tá Đào Trọng Sơn, người lính tầm nã dạn dày kinh nghiệm.
Hành trình truy bắt tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê kéo dài mấy năm trời, tốn biết bao mồ hôi, công sức. Một nguồn tin cho biết: Khuê có một cô bồ đang sống ở TP HCM, làm nghề bán “vốn tự có”. Để tìm ra manh mối của Khuê, đêm về, Đào Trọng Sơn thường lang thang đến các khu vực có những cô gái đứng đường để dò hỏi. Đường Tú Xương, quận 3 là một trong những nơi quy tụ khá đông gái bán dâm.
Đào Trọng Sơn nắm rõ quy luật hoạt động, biết rõ tên tuổi, quê quán, lý lịch cuộc đời của từng cô gái. Qua đó, anh phát hiện Lý Thị B., người tình của tướng cướp Khuê. B. có gò má cao, da đồi mồi, xám xịt tàn nhang, nói chung là một cô gái nhan sắc kém. Đào Trọng Sơn nắm được thông tin, thỉnh thoảng Khuê có ra đường Tú Xương đón B. về nhà trọ ở quận 2.
Báo cáo với Ban chuyên án, cấp trên yêu cầu phải có hình ảnh của Lý Thị B. để xác minh. Khi trưng ảnh của B., mọi người sững sờ, hoài nghi vì cô bồ của tướng cướp... quá xấu.
Sơn giải thích: “Gọi là ân nghĩa thì không thể so sánh được. Ngày Khuê ở phương Bắc vào, không có công ăn việc làm, B. đã xả thân cưu mang vô điều kiện. Sau này đi ăn cướp, có nhiều tiền vàng, Khuê quay lại trả ơn, “gá nghĩa” luôn với cô gái này. Đó là luật riêng của thế giới giang hồ”.
Sau khi nghe các lý lẽ, lập luận chặt chẽ của Đào Trọng Sơn, Ban chuyên án quyết định hành động. Tổ trinh sát tìm đến căn nhà tại quận 2, bắt gặp đích thị tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê. Một trinh sát đi cùng một công an xã tiến vào nhà. Thấy bóng dáng người lạ, Khuê “đánh hơi” được nguy hiểm, vọt nhanh ra phía sau trốn thoát bằng đường sông. Từ đó, Khuê biệt tích khỏi đất Sài Gòn. Ban chuyên án xác định tên tướng cướp sẽ không từ bỏ người tình Lý Thị B., thế nào cũng phải để lộ dấu vết.
Vào một ngày trời trong, nắng đẹp, Lý Thị B. lỉnh kỉnh giỏ xách ra bến xe miền Đông về thăm nhà ở Bình Thuận. Đào Trọng Sơn cùng anh em trong tổ tầm nã lặng lẽ bám phía sau. Để tránh bị lộ, số xe của B. được trinh sát báo về đầu mối Bình Thuận để anh em đón lõng ngay tại bến xe Phan Thiết. Khi xe cập bến, lần lượt các hành khách hối hả rời ghế nhưng vắng bặt bóng dáng của Lý Thị B..
Tổ truy bắt hoang mang. Cô ta đi đâu? Phải chăng B. biết mình bị theo dõi nên tẩu thoát giữa đường? Hỏi phụ xe thì được biết B. đã xuống ở Hàm Thuận Nam. Đến vị trí chỉ điểm, Đào Trọng Sơn nhanh chóng tiếp cận xe ôm. Một anh cho biết có chở người phụ nữ mang đặc điểm như mô tả về một địa điểm giáp biển, gần đồn biên phòng. Xác minh đầy đủ thông tin, biết rõ B. đang ở cùng Khuê tại một căn nhà lá nằm giữa cánh rừng sát bãi biển, tổ truy bắt liên hệ với đồn biên phòng để thực hiện nhiệm vụ.
Tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê thuộc hàng sát thủ máu lạnh, gặp công an hay bất cứ ai truy đuổi là rút súng bắn ngay. Tổ trinh sát đưa ra phương án bắt bí mật bằng hình thức bao vây, đột kích bất ngờ nhưng phải chờ Lý Thị B. ra về, để tránh việc hắn dùng cô ta làm con tin.
Khi chỉ còn mình Khuê trong chòi, hàng chục người lặng lẽ bò trườn thật nhẹ nhàng di chuyển khép chặt vòng vây. Hoàng hôn buông xuống, sóng và gió biển rất mạnh. Khuê không hề nghe thấy tiếng bước chân của trinh sát. Một tiếng rầm thật mạnh, thật nhanh và dứt khoát, Khuê bị đè chặt xuống giường rồi bị đẩy ngay ra khỏi vị trí. Hắn quá bất ngờ, không kịp với khẩu súng đã lên đạn trên đầu giường.
Đây là phương án trinh sát đã xác định rõ trước khi tiếp cận một tướng cướp manh động, sẵn sàng chống trả bằng súng. Tra tay vào còng số 8, Khuê vẫn chưa tin mình bị bắt nhanh và bất ngờ đến vậy.
Nói về những cuộc chạm trán trực diện với tội phạm nguy hiểm, Đào Trọng Sơn bảo rằng, đời lính tầm nã khi gặp mục tiêu chỉ thấy máu lửa sôi sùng sục trong người. Việc đầu tiên là tìm cách ập vào bắt chứ chẳng có cảm giác sợ hãi hay rụt rè gì cả.
2. Tham gia quản lý và làm công tác truy nã từ năm 2002, Đại tá Đào Trọng Sơn đã trực tiếp bắt giữ nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, như: Trần Thị Chắt, Nguyễn Khắc Trình, Nguyễn Chí Dũng, Trương Văn Cam (Năm Cam)... Lần bắt giữ nào cũng để lại dấu ấn khó phai. Trong đó, vụ truy bắt tướng cướp Nguyễn Chí Dũng (tự Dũng “chim xanh”) những năm 1998-2001 có nhiều tình huống như trong phim kiếm hiệp. Ngày đó, Dũng “chim xanh” gây ra hàng loạt vụ cướp có vũ khí nóng trải rộng khu vực miền Đông Nam Bộ.
Tên cướp liều lĩnh, bên mình lúc nào cũng giắt khẩu súng Colt 45. Dũng cao lớn, tóc dài chấm gáy, khuôn mặt choắt và hốc mắt sâu hoắm. Hắn manh động, ngông cuồng, có tài bắn súng, luôn sẵn sàng chống trả...
Những lần đi gây án, khẩu súng trong người của Dũng “chim xanh” luôn nạp đầy đạn để sẵn sàng “nhả” một khi gặp Công an.
Đào Trọng Sơn chong đèn thâu đêm nghiên cứu hồ sơ, tìm ra quy luật hoạt động và phương án truy lùng hung thủ. Ban chuyên án chú ý đến thông tin là đứa con 10 tuổi của Dũng, đã chuyển về TP HCM học nhưng không biết là học ở đâu, trường lớp nào. Các trinh sát được tung ra dò tìm tất cả các phòng giáo dục trên địa bàn thành phố nhưng không có manh mối.
Đào Trọng Sơn đến quận Gò Vấp, lần giở hàng nghìn hồ sơ, cuối cùng đứa con của Dũng “chim xanh” đã xuất hiện. Bám theo, Đào Trọng Sơn tìm được căn nhà trọ Dũng đang thuê ở cùng với vợ con. Suốt một tuần, anh cùng trinh sát mật phục, theo dõi, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để củng cố chắc chắn đối tượng chính là Dũng.
Nghiên cứu quy luật sinh hoạt của đối tượng, anh nắm được: sáng sớm Dũng thường chở con đi học. Trinh sát mật phục xung quanh các con đường gần nhà Dũng từ tờ mờ sáng. Khi cánh cửa vừa mở ra, Dũng đang đứng cạnh xe máy trước nhà đợi con, lập tức hai trinh sát áp sát quật đổ Dũng xuống đường. Dũng vẫn gồng mình lên chống cự hòng tẩu thoát.
Từ phía sau, Đào Trọng Sơn vung cú đấm trời giáng vào mang tai, dùng cả thân mình ghì chặt Dũng. Dũng “chim xanh” đã bị khuất phục. Cuộc vây bắt diễn ra nhanh gọn, ngay cả hàng xóm cũng không hề biết chuyện gì vừa xảy ra.
Những câu chuyện tầm nã của Đại tá Đào Trọng Sơn luôn lỳ kỳ, gay cấn, cuốn hút người nghe. Anh nhớ kỹ từng chi tiết, dù là nhỏ nhất. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu, trong 20 năm tầm nã xuyên biên giới, anh đã trải qua những thời khắc khốc liệt nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đó là lằn ranh “sinh tử”.
Sau khi bao vây khu vực hai kẻ cướp lẩn trốn, công an mở còi, đèn, cho chó nghiệp vụ sủa inh ỏi để đánh lạc hướng...