“Đại án tham nhũng” ở Đắk Nông: Hồ sơ nặng 2 tạ
“Đại án tham nhũng” lớn nhất từ trước đến nay tại Đắk Nông sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 11/3. Phiên tòa dự kiến có 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Riêng hồ sơ vụ án nặng tới 2 tạ và bản cáo trạng lên tới 33 trang.
Sáng 6/3, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy và TAND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo về vụ xét xử sơ thẩm hình sự đối với Vũ Việt Hùng (SN 1957, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam Khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông) và 12 đồng phạm về các tội: Nhận hối lộ, đưa hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đây là vụ án tham nhũng lớn nhất xảy ra tại địa bàn tỉnh Đắk Nông từ trước đến nay và được Trung ương đưa vào diện “10 đại án tham nhũng”.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 – 2010, Hùng đã ký duyệt cho Cao Bạch Mai (SN 1949, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật – Đắk Nông) và Trần Thị Xuân (SN 1964, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân – Đắk Nông) vay hết hạn mức tín dụng hơn 350 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dù biết Mai và Xuân không có khả năng thanh toán. Đổi lại, Hùng được Mai và Xuân tặng một chiếc xe ô tô BMW – X6 với trị giá 3,2 tỷ đồng.
Để che dấu hành vi của mình, Hùng ký khống các giấy tờ về dư nợ tại VDB để giúp Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân (SN 1958, nguyên Chủ nhiệm HTX Sông Cầu) và Đặng Thị Ngân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Ngân) chiếm đoạt 580 tỷ đồng của 2 chi nhánh ngân hàng.
Trong khi đó, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân làm giả hàng trăm hợp đồng kinh tế, chiếm đoạt hơn 300 tỷ của VDB.
Buổi họp báo thông tin về vụ đại án tham nhũng sắp được đưa ra xét xử tại Đắk Nông.
Riêng Nguyễn Thị Vân, nhờ sự giúp sức của Vũ Việt Hùng đã lập khống báo cáo tài chính vay hơn 50 tỷ đồng của Chi nhánh Hà Nội Ngân hàng Nam Á để trả nợ cho VDB Khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông.
Sau đó, Vân lại lập khống báo cáo tài chính để nhờ Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1960, nguyên Giám đốc Công ty TNHH DV-XNK Phát Long) đứng ra vay hơn 25 tỷ đồng của Sở Giao dịch TPHCM OCB để trả nợ cho Ngân hàng Nam Á và VDB.
Để các đối tượng nêut rên thực hiện được hành vi lừa đảo, còn có sự giúp sức của hàng loạt cán bộ của nhiều ngân hàng khác.
Thẩm phán Nguyễn Anh Loát (chủ tọa phiên toà) cho biết, phiên toà này sẽ được xét xử vào ngày 11/3 tại TAND tỉnh Đắk Nông (dự kiến diễn ra khoảng 4 ngày), có 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Riêng hồ sơ vụ án nặng tới 2 tạ và bản cáo trạng lên tới 33 trang. Khung hình phạt cao nhất là tử hình.
10 “đại án” tham nhũng được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo xét xử vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014: 1. Vụ tham nhũng tại công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Vụ án này đã đưa ra xét xử vào ngày 6/11 và tuyên án vào chiều 15/11. 2. Vụ tham nhũng tại công ty Vifon Việt Nam. 3. Vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) do Dương Chí Dũng cầm đầu. 4. Vụ án kinh tế xảy ra tại công ty dệt Kim Phương Đông và một chi nhánh Ngân hàng Agribank tại TP.HCM. 5. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu. 6. Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Nông. 7. Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn và lừa đảo tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. 8. Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên). 9. Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank. 10. Vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). |