Đại án Oceanbank: Tham nhũng nghìn tỷ, nợ xấu khó đòi
Theo kế hoạch, từ 27/2 đến 21/3, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo trong vụ án tham nhũng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm sắp hầu tòa.
Sẽ có khoảng 40 luật sư tham gia tố tụng (chưa tính các luật sư bảo vệ cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). HĐXX sơ thẩm vụ án gồm 5 thành viên do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa. Phiên tòa cũng triệu tập gần 600 đương sự để làm rõ hành vi gây hại đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo với Oceanbank.
Để lại 15.000 tỷ đồng nợ xấu
Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm (SN 1972) – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã sử dụng những Cty và cá nhân liên quan tới mình để nắm giữ gần 63% cổ phần của Oceanbank. Quá trình làm việc, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm khiến ngân hàng này thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến ngày 31/3/2014, Oceanbank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần. Nợ xấu của Oceanbank lên tới gần 15.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Ngoài khoản cho Cty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, tính riêng 8 khách hàng của Oceanbank được CQĐT tách hành vi, xử lý sau đã có tổng dư nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là hơn 2.652 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CQĐT yêu cầu Oceanbank rà soát, làm rõ tình trạng các khoản vay khác và xác định khả năng trả nợ của khách hàng. Oceanbank cũng phải thu hồi nợ trước hạn và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định hậu quả đối với từng khoản vay không có khả năng thu hồi.
Tháng 5/2015, NHNN quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng chuyển đổi loại hình thành ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương. Cùng thời gian này, NHNN giao Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank) tham gia hỗ trợ quản trị điều hành Oceanbank. Sau khi Hà Văn Thắm bị bắt, hoạt động của Oceanbank bắt đầu có lãi nhưng cũng chỉ có thể khắc phục một phần lỗ lũy kế do quá khứ để lại. Hiện tại, ngân hàng này có 21 chi nhánh và 101 phòng giao dịch. Oceanbank cũng đã xây dựng đề án tái cơ cấu trình lên NHNN và Chính phủ.
Cho vay, thu phí sai quy định
Năm 2012, Hà Văn Thắm đã mua lại Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng Đại Tín). Sau đó, vì nhiều lý do, ông Thắm bán lại Đại Tín cho Phạm Công Danh (ngày 24/1, ông Danh bị tuyên 20 năm tù trong vụ tham nhũng 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng – PV).
Nhằm giúp Danh mua Đại Tín, tháng 11/2012, Thắm chỉ đạo và cùng Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977) – nguyên Phó TGĐ Oceanbank giải quyết cho Cty Trung Dung vay 500 tỷ đồng với khoản thế chấp là tài sản của Phấn. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản bảo đảm cho khoản vay này đến hiện tại chỉ là hơn 156 tỷ đồng. Thực chất, 500 tỷ đồng trên là Thắm cho Danh vay để Danh chuyển lại tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn và ghi nhận việc Danh trả tiền mua cổ phần. Qua việc này, Thắm và Hoàn gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 343 tỷ đồng. Hiện cả Danh và Cty Trung Dung không có khả năng trả nợ.
Ngoài ra, năm 2008, ông Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – TGĐ Cty Tài chính Dầu khí được bổ nhiệm chức TGĐ của Oceanbank. Ông Sơn đề nghị Thắm nếu muốn huy động vốn từ PVN phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi trong hợp đồng .Thắm tính toán số tiền này khoảng 1%/năm nên đã chấp nhận.
Để có tiền, Thắm sử dụng Cty CP BSC Việt Nam (do Thắm lập) để làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại Oceanbank. Qua việc này, Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Oceanbank gần 69 tỷ đồng. Số tiền này cùng gần 500 triệu BSC thu được từ các hợp đồng dịch vụ được Thắm chuyển cho ông Sơn để chi ngoại giao, chăm sóc khách hàng hoặc chi tiêu cá nhân.
Gần 1.600 tỷ trả lãi ngoài hợp đồng
Cũng theo cáo trạng, năm 2010, ông Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển về làm Phó TGĐ PVN. Sơn đã giới thiệu Nguyễn Minh Thu (SN 1973) giữ chức TGĐ thay mình và tiếp tục phụ trách huy động vốn. Do vốn huy động của Oceanbank phụ thuộc quá lớn vào PVN và các đơn vị trực thuộc nên Thắm ra chủ trương trả lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng.
Thực hiện việc này, các lãnh đạo khối/ban nghiệp vụ thuộc Oceanbank đã chi lãi ngoài huy động vốn trái quy định của NHNN về trần lãi suất bằng đồng Việt Nam và USD theo từng thời kỳ; hạch toán chi trả lãi vào tài khoản chi trả lãi không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ trái với quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính. Chủ trương trên không được ban hành thành văn bản mà do Thắm và Minh chỉ đạo miệng tại các cuộc họp. Quá trình thực hiện, lãnh đạo phụ trách các khối nghiệp vụ của Hội sở thông báo cho các chi nhánh để thực hiện.
Qua việc này, các bị cáo bị xác định đã gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.576 tỷ đồng. Nguồn tiền được lấy thông qua các hình thức như tạm ứng nghiệp vụ, chi thẳng từ tài khoản chi phí trả lãi và tiền mặt của Vũ Thị Thùy Dương (SN 1980) – nguyên GĐ Khối kế toán và giao dịch trong nước Oceanbank. Trong số tiền trên, Hội sở Oceanbank chi hơn 1.022 tỷ đồng chủ yếu cho các đơn vị trong ngành dầu khí. Ngoài ra, Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) cũng được nhận hơn 105 tỷ đồng. Số tiền còn lại được Hội sở Oceanbank chuyển thẳng cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các chi nhánh (hơn 66 tỷ) hoặc các chi nhánh/ phòng giao dịch chi lãi ngoài hợp đồng (hơn 475 tỷ đồng).
Quá trình làm việc, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm khiến Oceanbank thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2014, Oceanbank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần. |