“Đại án” ngân hàng: Đạo đức thua ma lực đồng tiền?

Từ những vụ đại án trong ngành ngân hàng (NH) được phanh phui như vụ Bầu Kiên, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, hay hàng loạt cán bộ cấp cao Ngân hàng sa lưới… khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chuyện đào tạo cán bộ NH đang bị bỏ lỏng nên mới dẫn tới chuyện cán bộ bòn rút hàng ngàn tỷ đồng, lừa đảo hàng chục khách hàng trong một thời gian dài mà NH không hề hay biết?

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo nhân lực cho ngành NH, bà Đào Chân Phương - Giám đốc Đào tạo Viện Nhân lực ngân hàng tài chính (BITC) nhìn nhận, nguyên nhân không đơn thuần từ ma lực đồng tiền quá mạnh hay rủi ro tín dụng mà chính là do lổ hỏng đạo đức nghề, rủi ro quy trình vận hành của các nhà băng.

“Đại án” ngân hàng: Đạo đức thua ma lực đồng tiền? - 1

Hối hả chạy theo chỉ tiêu, ma lực đồng tiền nhiều cán bộ ngân hàng quên đạo đức nghề, sa chân, mắc cạn vào lao lý. Ảnh minh họa)

Hình ảnh hàng loạt cán bộ NH từ cấp cao tới nhân viên “quèn” bị rơi vào vòng lao lý, phạm tội… gợi cho bà những suy nghĩ gì?

Đứng ở vị trí người đào tạo nhân lực cho ngành NH, chắc chắn sẽ không ai vui với những hình ảnh, tin tức đó.

Đội ngũ nhân lực NH đã cơ bản đáp ứng được sự phát triển của ngành trong thời gian qua, song nhìn nhận một cách khách quan thì chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao. Hoạt động NH bản chất của nó đã mang nhiều rủi ro, lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn. Ngay khi trên ghế nhà trường sinh viên đều đã được giáo dục điều này nhưng vì sao vẫn có người mắc lỗi, phạm tội? Vì lợi nhuận bao giờ cũng là điều cuốn hút nhất. Cộng với sức ép chỉ tiêu từ các cổ đông nên dù tăng trưởng ra sao thì mục tiêu kinh doanh cuối cùng của bất kỳ nhà băng nào vẫn là lợi nhuận.

Có một thời gian dài các NH bị cuốn vào chuyện “chạy đua” tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu, vì thế đã có phần sao nhãng việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật tuân thủ cho nhân viên.

Và khi vào làm việc dù được đào tạo lại, song chủ yếu vẫn chỉ là đào tạo những kiến thức sơ đẳng, phổ biến văn bản quy định mà chưa chú trọng tới đào tạo đạo đức nghề, văn hóa tuân thủ. Chính vì vậy, dẫn tới những cách hiểu sai lệch, coi nghề này là nghề “hái ra tiền”, nghề “cổ cồn trắng” với mức thu nhập khủng…

Rõ ràng, những hành vi phạm tội trong các NH có thể ngăn chặn ngay từ đầu nếu môi trường xung quanh là “sạch”, không ai cho phép và dung thứ những hành vi phạm tội, lừa đảo đó. Khi không được đào tạo về nhận thức nghề nghiệp, lại đối diện với ma lực đồng tiền, hệ thống quản trị rủi ro vận hành lỏng lẻo, tất yếu nhiều người sẽ dễ dàng nảy sinh lòng tham và sa chân phạm luật lúc nào không hay.

Với kinh nghiệm tư vấn cho các ngân hàng thương mại, theo bà các nhà băng cần làm gì để “bịt” lỗ hỏng quản trị?

Đây quả thực là câu hỏi rộng và khó. Với kinh nghiệm làm tư vấn cho các NH, tôi cho rằng ngoài chuyện đào tạo ra thì hoạt động NH luôn chứa đựng rủi ro vận hành, bao gồm ý thức, quy trình vận hành. Nhưng quy trình là do con người làm ra, thực hiện thì kiểu gì cũng có sai sót. Nếu thực hiện quy trình lỗi hậu quả sẽ là rất lớn.

Ở điểm này cần nhìn nhận, quy trình quản lý rủi ro nói chung và rủi ro vận hành nói riêng tại các nhà băng đã được coi trọng đúng mực hay chưa? Theo tôi, cấp thiết phải nâng cao tính hiệu quả của bộ phận kiểm soát độc lập, ban kiểm soát trong NH… Ngay cả những cán bộ trong các bộ phận này cũng cần được đào tạo lại kỹ năng nhận biết các mắt xích yếu của quy trình; học cách xử lý tình huống tại chỗ rồi mới đề xuất ngừa rủi ro bền vững được.

Trong các chương trình đào tạo của BITC, quan điểm của chúng tôi là luôn đưa ra bức tranh tổng thể, giảng dạy cho sinh viên biết rủi ro của ngành NH là gì chứ không đơn thuần chỉ là rủi ro tín dụng. Vì thực tế mọi câu chuyện cá nhân cán bộ NH phạm tội, rơi vào vòng lao lý thời gian qua cho thấy nguyên nhân chính là rủi ro vận hành, đạo đức nghề nghiệp.

Cái khó hơn, ở đây là câu chuyện “con gà quả trứng”, nên cần sự cam kết, định hướng rõ ràng và quyết liệt từ Hội đồng quản trị NH. Họ phải tách bạch được câu chuyện tăng trưởng và chấp nhận khẩu vị rủi ro tới đâu là phù hợp nhất, có chấp nhận rủi ro để đạt được lợi nhuận bằng mọi giá hay không…. Khi đã xác định khẩu vị của NH mình ở mức độ nào, có chủ trương nhất quán thì việc triển khai từ trên xuống dưới trong hệ thống sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Ngành NH đang trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn và cả những lùm xùm tai tiếng khi hàng loạt vụ đại án, tham nhũng… được khui ra. Liệu năm 2014 ngân hàng có còn là lĩnh vực nóng thưa bà?

Đúng là ngành NH vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn và 2-3 năm qua các NH đã cơ cấu lại, tinh giản lại bộ máy khá nhiều. Nhưng tôi cảm nhận, vẫn có rất nhiều sinh viên thích ngành, lựa chọn lĩnh vực tài chính – NH làm ngành học mình theo đuổi. Thậm chí, nhiều sinh viên không học NH ra nhưng vẫn muốn thi tuyển vào làm NH. Điều này cho thấy triển vọng của ngành vẫn còn rất lớn.

Xáo trộn mạnh nhất chính là sự sàng lọc nhân lực để bộ máy vận hành chuyên nghiệp, tốt nhất có thể. Sàn lọc nhưng các nhà băng sẽ vẫn tuyển mới để đảm bảo 1 lượng nhân sự tối thiểu cho ngân  hàng vận hành tốt. Vì thế trong năm 2014 số lượng nhân lực NH sẽ không giảm đi nhiều

Còn tới năm 2015 khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, số lượng nhà băng ở khối thương mại cổ phần sẽ giảm đi, nhiều NH đi về hướng chuyên môn hóa, cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển mới nhân lực, nhưng không nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN