Đại án Huyền Như: Navibank là nguyên đơn hay người liên quan?

Ngày 25.12, phiên tòa phúc thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Tại đây, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank đã bác nhiều nội dung trong bản án sơ thẩm.

Luật sư Trương Thanh Đức (đoàn luật sư Hà Nội), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Navibank cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều nội dung sai khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank.

Về tư cách tham gia tố tụng của Navibank, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng tại phiên toà sơ thẩm, Navibank đã yêu cầu xác định lại tư cách của mình không phải là nguyên đơn dân sự, mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến số tiền 200 tỷ đồng mà 4 nhân viên Navibank đã gửi tại Vietinbank. Tuy nhiên, điều này đã không được các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm là Viện Kiểm sát và Toà án chấp nhận.

Đại án Huyền Như: Navibank là nguyên đơn hay người liên quan? - 1

Các bị cáo bị dẫn giải đến tòa (Ảnh: H.K.) 

Theo luật sư Đức, tiền gửi của 4 nhân viên Navibank có đầy đủ mọi đặc điểm hợp lệ, hợp pháp như đối với 5 công ty đã gửi tiền tại Vietinbank (Phương Đông, An Lộc, Chứng khoán, Hưng Yên và Toàn Cầu). Tuy nhiên, 5 công ty thì được Viện kiểm sát xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, còn Navibank lại vẫn là nguyên đơn dân sự.

“Quan điểm xử lý trái ngược nhau về bản chất pháp lý và sự việc thực tế. Tuy nhiên, cho dù Navibank là nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì cũng có mối quan hệ chặt chẽ với việc gửi tiền và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường tiền gửi của 4 nhân viên Navibank”, luật sư Đức nói.

Cũng theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank, bản án sơ thẩm đã xác định sai nguyên nhân dẫn đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt. Bởi Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc để cho Huyền Như và các nhân viên khác của mình rút tiền sai trái, gian lận (bằng việc làm giả rất nhiều hồ sơ, chứng từ của Vietinbank và chấp nhận các lệnh chi giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để rút 140,3 tỷ đồng) để trả nợ cho các cá nhân, tổ chức khác.

Vietinbank còn phải chịu trách nhiệm về việc để cho Huyền Như và các nhân viên khác của mình tự ý trích 59,7 tỷ đồng để lập 8 thẻ tiết kiệm giả, rồi giả chữ ký của chủ thẻ để cầm cố vay 57,2 tỷ đồng tại Vietinbank.

Ngoài ra, Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đã bất chấp nguyên tắc, tự động khấu trừ 57,5 tỷ đồng trong các tài khoản tiền gửi của 4 nhân viên Navibank để thu nợ cho các khoản vay theo hợp đồng tín dụng giả và hợp đồng cầm cố giả.

Đặc biệt, theo luật sư Trương Thanh Đức, bản án sơ thẩm đã sai lầm khi xác định đó là số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt của Navibank. “Sự thật, đây chính là số tiền mà Vietinbank đã chiếm đoạt từ tài khoản tiền gửi hợp pháp của khách hàng”, luật sư nói.

Đại án Huyền Như: Navibank là nguyên đơn hay người liên quan? - 2

 Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa (Ảnh: H.K.) 

Liên quan đến kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKS) tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Trương Thanh Đức nói: “Theo dõi kết luận của đại diện VKS đối với 5 công ty và Navibank cùng với 4 nhân viên, chúng tôi nhận thấy một sự thật và lô gíc hiển nhiên là, về cơ bản, những gì sai sót đối với Navibank là giống với trường hợp của ít nhất 3/5 công ty.

Những gì là sai trái của Vietinbank và những gì là sự hợp pháp, hợp lệ đối với 5 công ty cũng hoàn toàn giống với trường hợp của Navibank. Đáng tiếc là VKS lại kết luận hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau”.

Cũng chính vì những lý do trên, vị luật sư này đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại theo hướng: Điều tra, xét xử các hành vi tham ô 200 tỷ đồng là tài sản của Vietinbank thay vì lừa đảo 4 nhân viên Navibank; Buộc Vietinbank trả lại 4 nhân viên Navibank 200 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi là số tiền gửi hợp pháp, hợp lệ của khách hàng; Thu hồi tang vật, tiền do phạm tội mà có để trả lại Vietinbank, để Vietinbank trả lại cho 4 nhân viên Navibank.

Đại diện Navibank cũng như đại diện theo ủy quyền của 4 nhân viên Navibank liên quan đến vụ án cũng đồng tình với quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, đồng thời yêu cầu Vietinbank trả số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hữu ([Tên nguồn])
"Siêu lừa" 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN