Đại án 9.000 tỉ: Các "giám đốc" đồng loạt xin giảm án
Những người xuất thân từ nghề rửa xe, chạy xe, phụ hồ được bị cáo Danh đưa lên làm giám đốc nhiều công ty, sau đó ký vào những hồ sơ vay tiền lên đến 5.000 tỉ đồng đã đồng loạt xin giảm án.
Các bị cáo là thợ hồ, lái xe…đồng loạt xin được giảm nhẹ hình phạt
Ngày 5.1.2017, phiên phúc thẩm đại án 9.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục diễn ra.
Những câu hỏi của HĐXX, công tố viên và luật sư tập trung vào các khoản vay tiền của VNCB từ 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh. Điều đáng nói, hầu hết giám đốc của những công ty (chủ thực sự là Phạm Công Danh – nguyên chủ tịch VNCB) là những người lao động “chân, tay” thuần túy. Họ là những lái xe, rửa xe, bảo vệ hay thậm chí là thợ hồ….
Trong phần xét hỏi, có bị cáo khai nhận : “Làm giám đốc được trả lương 5 triệu, vẫn rửa xe, lái xe nên được thêm một đầu lương 5 triệu nữa là tổng 10 triệu. Nhưng tôi không biết gì về tín dụng hay kinh doanh, khi nào đưa hồ sơ thì kí.”
Nhiều bị cáo chỉ học đến lớp 7, 12 hay chỉ biết chữ chứ không hề có nghiệp vụ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công ty mà họ làm giám đốc.
Hầu hết số công ty mà bị cáo Danh lập ra đều không có hoạt động kinh doanh doanh thực sụ mà chỉ để làm hồ sơ vay, rút tiền từ VNCB. Sau khi “hợp thức hóa” bằng hồ sơ vay, số tiền chuyển cho các công ty này sẽ được chuyển về tài khoản ông Danh hoặc tập đoàn Thiên Thanh.
Ngoài 12 công ty của bi cáo Danh còn 2 công ty khác cũng vay số tiền rất lớn nhưng không có khả năng tất toán về hành vi Vi phạm quy định về cho vay của các công t này lên đến 4.700 tỉ đồng. Sau khi định giá tài sản thế chấp, số tiền Ngân hàng CB (sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB thì đổi tên thành CB), số tiền thiệt hại lên đến gần 2.100 tỉ đồng.
Phạm Công Danh và các đồng phạm tại tòa
Tham gia phần xét hỏi, có những bị cáo tha thiết xin được giảm nhẹ hình phạt theo bản án sơ thẩm. Có cả bị cáo từng khai tại tòa rằng: “Bị cáo giấu con mình, từ quê vào đây tham gia phiên xử. Con bị cáo không biết cha mình đang phải hầu tỏa.”
Về phần Lê Khắc Thái (nguyên phó giám đốc, phí chủ tịch hội đồng tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn) từng kêu oan tại phiên sơ thẩm. Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm lần này đã nhận tội cùng mong muốn xin được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cũng cho rằng bản thân duyệt hồ sơ, nhưng không có quyền quyết định việc cho 2 công ty vay số tiền 650 tỉ (thiệt hại hơn 400 tỉ đồng) mà quyền quyết định ở hội đồng tín dụng và Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước. Bị cáo cũng cho rằng tại phiên sơ thẩm HĐXX chưa xem xét về nhân thân của mình, gia đình nhiều đời có công với đất nước, được tặng nhiều huân chương cao quý.
Bị cáo Lâm Kim Thu (nguyên trưởng phòng kế toán, thành viên hội đồng tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn) đồng duyệt hồ sơ vay của 14 công ty này với khoản vay và thiệt hại giống bị cáo Thái. Bị cáo cũng mong HĐXX xem xét ở góc độ: “Bản thân bị cáo chỉ có nghiệp vụ về kế toán chứ không phải tín dụng nên không đánh giá hết được rủi ro trong các khoản vay.” Bị cáo mong muốn được xem xét ở việc đã li hôn chồng, một mình nuôi hai con nhỏ và cha, mẹ già đau bệnh.
Các bị cáo liên quan đến hành vi Vi phạm về quy định cho vay được đánh giá tại bản án sơ thẩm là không được hưởng lợi trực tiếp nên không phải bồi thường. Các bị cáo này đa phần đều mong muốn được giảm nhẹ hình phạt so với bản án sơ thẩm.
Bị cáo Danh, Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) mong muốn HĐXX xem xét lại toàn bộ bản án, từ đó có mức án phù hợp hơn với bản thân chứ chưa đưa ra được tình tiết mới.