Đã có bản án phúc thẩm khiến vợ bị đơn định nhảy lầu tại tòa
Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn - phó chánh án TAND TP.HCM, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm - đã thay mặt HĐXX kí ban hành bản án đã tuyên khiến vợ bị đơn định nhảy lầu tự tử tại tòa.
Liên quan đến vụ án tranh chấp việc chuyển nhượng 674m2 đất nông nghiệp giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý với 3 bị đơn (các ông Khâu Văn Sĩ, Lê Sĩ Thắng, Lê Văn Dư - chồng của người định nhảy lầu tự tử tại TAND TP.HCM), PLO vừa nhận được bản án phúc thẩm chính thức của TAND TP.HCM do thẩm phán - chủ tọa Đỗ Khắc Tuấn thay mặt HĐXX kí ban hành.
Cần lưu ý rằng, phán quyết phúc thẩm đã bị dư luận phản ứng gay gắt. VKSND TP.HCM cũng đang làm báo cáo để gửi VKSND Tối cao về vụ này.
Nội dung bản án phúc thẩm 12 trang A4 mà TAND TP.HCM vừa ký ban hành được tóm lược như sau:
HĐXX phúc thẩm nhận định phía ông Quý khởi kiện đòi đất là tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ), căn cứ được viện dẫn là khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013. Mặt khác, theo quy định tại Điều 185 BLTTDS 2015 và khoản 3 Điều 155 BLDS 2015, tranh chấp này không áp dụng thời hiệu. Do đó, cấp sơ thẩm là TAND quận Gò Vấp không đình chỉ giải quyết vụ án là đúng pháp luật.
Cạnh đó, tòa cho rằng theo quy định của pháp luật tại thời điểm các bên chuyển nhượng và pháp luật hiện hành (Điều 696 của BLDS 1995, Điều 692 BLDS 2005 và Điều 503 của BLDS 2015) thì “việc chuyển QSDĐ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai” nên việc chuyển nhượng trên chưa có hiệu lực pháp luật và 674 m² đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của phía ông Quý.
Ông Lê Văn Dư và vợ - người định nhảy lầu tự tử tại TAND TP.HCM đang trình bày vụ việc với PV. Ảnh: Minh Chung
Cấp phúc thẩm nhận định việc ông Dư dựa vào các hợp đồng chuyển nhượng chưa có hiệu lực pháp lý để chiếm giữ phần đất này là không có căn cứ, yêu cầu khởi kiện của phía ông Quý là phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai. Việc tòa sơ thẩm chỉ buộc ông Dư và những người liên quan trả lại một phần diện tích đất nêu trên là chưa chính xác.
HĐXX còn đề cập đến biên bản hòa giải của UBND phường 15 – nơi có khu đất tranh chấp (quận Gò Vấp), ông Quý có thừa nhận trên đất của ông có 2 căn nhà để vật dụng làm vườn, nhưng trước khi chuyển nhượng cho ông Dư, ông Quý đã tháo dỡ 2 căn nhà này.
Căn cứ vào lời khai và một số tài liệu, chứng cứ kèm theo, HĐXX nhận thấy có đủ cơ sở xác định việc ông Dư xây dựng các công trình trên đất nhưng việc này đã bị chủ tịch UBND quận Gò Vấp xử lý buộc tháo dỡ nên giao dịch nhận chuyển nhượng QSDĐ của ông Dư không thuộc trường hợp được công nhận theo quy định tại điểm b.3, tiết b, tiểu mục 2.3 mục 2, phần II Nghị quyết số 02/2004 của HĐTP TAND Tối cao.
Cũng theo HĐXX cấp phúc thẩm, tại cấp xét xử sơ thẩm, không có đương sự nào có yêu cầu đòi bồi thường các thiệt hại phát sinh từ các giao dịch chuyển QSDĐ nêu trên. Việc cấp sơ thẩm tuyên buộc phía ông Quý phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại cho phía ông Dư số tiền hơn 5,5 tỉ đồng là vượt quá phạm vi khởi kiện và yêu cầu của đương sự.
Do vậy, HĐXX đã căn cứ vào Điều 266, khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 313 và khoản 2 Điều 148 của BLTTDS 2015 và quyết định:
Không công nhận việc chuyển nhượng QSDĐ giữa phía ông Quý và các bị đơn. Công nhận 674m² đất thuộc QSDĐ của gia đình ông Quý.
Khi nhận lại đất, phía ông Quý có trách nhiệm thanh toán cho các bị đơn (và người liên quan) khoản tiền như sau: vợ chồng ông Khâu Văn Sĩ hơn 1,3 tỉ đồng, vợ chồng ông Lê Văn Dư hơn 835 triệu đồng, vợ chồng ông Lê Sĩ Thắng hơn 835 triệu đồng. Việc trả đất và thanh toán được thực hiện đồng thời.
Ngoài ra, cấp phúc thẩm nêu rõ trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến các khoản tiền đương sự đã thanh toán cho nhau khi nhận chuyển nhượng phần đất nêu trên và các thiệt hại phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng thì đương sự có quyền khởi kiện ra tòa.
Nguồn: [Link nguồn]
Các cơ quan chức năng tại TP HCM đã họp khẩn, có báo cáo gửi cơ quan cấp cao hơn về vụ việc một đương sự đòi nhảy...