Cựu Phó chủ tịch mặt trận lừa đảo lĩnh án
Ngày 5/4, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bị cáo Ngô Văn Phán (58 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Ngô Văn Phán trước vành móng ngựa.
Ngày 5/4, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bị cáo Ngô Văn Phán (58 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, tòa buộc bị cáo Phán phải trả cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (Co-op Bank) 156 triệu đồng gồm nợ gốc và lãi của hai hợp đồng vay vốn.
Theo cáo trạng, trong thời gian công tác tại Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Kế Sách (Sóc Trăng) với cương vị Phó chủ tịch, ông Phán có mối quan hệ rộng rãi, quen biết nhiều người. Vì vậy, vị Cựu Phó Chủ tịch mặt trận huyện đã “nổ”với nông dân là ông ta có dự án nuôi cá tra, hộ nào cần vay vốn bằng hình thức thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ủy quyền cho ông ta đi vay sẽ được số tiền cao hơn người dân tự đi vay.
Cuối năm 2009, Phán nghỉ nuôi cá tra và còn nợ ngân hàng 800 triệu đồng. Vì không có tiền trả nên năm 2010-2012, Phán nảy sinh ý định tiếp tục lập dự án nuôi thủy sản rồi sử dụng 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để thế chấp vay tiền ngân hàng.
Cáo trạng cũng cho rằng, do biết cán bộ tín dụng không kiểm tra, không thẩm định hồ sơ vay vốn nên Phán đã ký thay một số người dân nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay tiền. Ngoài ra, Phán còn được cho là tự nâng số tiền vay cao hơn mức thỏa thuận với người dân để có thêm tiền trả nợ. Từ đó, cáo trạng kết luận Phán chiếm đoạt của ngân hàng trên 1,4 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Phán phản bác cáo buộc của cơ quan công tố. Bị cáo cho rằng mình giao dịch với ngân hàng là quan hệ dân sự, nợ vay bị cáo sẽ trả chứ không chiếm đoạt hay lừa đảo.
Một số nạn nhân của Phán được HĐXX thẩm vấn đã cho biết, họ có nhờ Phán vay tiền. Chỉ có 3 hộ không nhận đủ tiền như giao kết với Phán và trong đó có một trường hợp đã tất toán với ngân hàng (được giải chấp). Từ đó, đại VKSND tỉnh Sóc Trăng đã rút một phần truy tố Phán tại tòa, chuyển khung hình phạt từ Khoản 4 Điều 139-Bộ Luật hình sự (mức án cao nhất là tù chung thân) xuống Khoản 3 Điều 139 Bộ Luật hình sự (đến 15 năm tù).
Theo HĐXX, bị cáo đã lợi dụng sự quen biết, dễ dãi của cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi gian dối. Việc làm này được lập lại nhiều lần, làm cho người dân có nguy cơ mất hết ruộng đất nên được xem là tình tiết tăng nặng.
Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã trả nợ được 541 triệu đồng, có nhiều bằng khen, giấy khen khi còn công tác, người thân nhận Huân chương kháng chiến hạng Ba… nên HĐXX áp dụng xử dưới khung hình phạt theo quy định là phù hợp.