Cưỡng ép vợ/chồng quan hệ tình dục trái ý muốn có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Công an đề xuất phạt từ 20-30 triệu đồng với người có hành vi cưỡng ép vợ hoặc chồng quan hệ tình dục trái ý muốn.

Mới đây, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng cháy, phòng chống bạo lực gia đình.

Cưỡng ép vợ hoặc chồng quan hệ tình dục trái ý muốn có thể bị phạt lên đến 30 triệu đồng. Ảnh minh hoạ IT.

Cưỡng ép vợ hoặc chồng quan hệ tình dục trái ý muốn có thể bị phạt lên đến 30 triệu đồng. Ảnh minh hoạ IT.

Theo đó, trong dự thảo kèm theo Hồ sơ thẩm định mà Bộ Tư pháp công bố, Bộ Công an đề xuất phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi "Cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác để quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng".

Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua thì đây sẽ là lần đầu tiên có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi "bạo lực tình dục trong hôn nhân gia đình".

Đây cũng là quy định được xây dựng căn cứ theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Theo đó, "Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng" được luật xác định là hành vi bạo lực gia đình.

Ngoài hành vi trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất giữ nguyên một số quy định hiện hành gồm: không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc, tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh (mức phạt 5-10 triệu đồng); ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân (5-10 triệu đồng); cưỡng ép thành viên gia đình phải chứng kiến bạo lực đối với người, con vật (10-20 triệu đồng); cưỡng ép thành viên gia đình trình diễn hành vi khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục hoặc kích động tình dục, lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình (20-30 triệu đồng).

Ngoài ra, người vi phạm còn buộc xin lỗi công khai khi người bị bạo lực gia đình có yêu cầu.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...

Tuy nhiên, nhiều hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt quy định tại Nghị định cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Việc xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 nhằm đảm thể chế hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nói chung nhằm góp phần tạo môi trường an toàn, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế;

​Bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

​Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Với hành vi cưỡng ép người khác quan hệ tình dục trái ý muốn, người phạm tội sẽ bị xử lý thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN