Cuộc đối đầu sinh tử: Lóa mắt vì những "viên đạn bọc đường"
Trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, đôi khi tồn tại một ranh giới rất mong manh giữa những người thực thi pháp luật và tội phạm.
Tâm lý chung của tội phạm là muốn trốn tránh tội lỗi của mình hoặc được giảm nhẹ hình phạt, bởi vậy, khi bị phát hiện, xử lý, chúng thường tìm mọi cách để mua chuộc, hối lộ. Nếu không đủ bản lĩnh trước những cám dỗ tầm thường, người thực thi pháp luật sẽ bị gục ngã bởi những “viên đạn bọc đường”, bước qua lằn ranh ấy, trở thành tội phạm.
Tạo dựng hiện trường giả để “chạy tội” cho đối tượng
Quá trình điều tra đường dây ma túy của Vũ Ngọc Sơn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện, một trong những đầu mối tiêu thụ chính của gã trùm này là Trần Văn Hưng. Hưng còn tham gia vào đường dây ma túy “khủng” của trùm Tráng A Chư (SN 1977, trú tại Sơn La) - kẻ lao thẳng xe vào lực lượng truy bắt, khiến Trung úy Đỗ Mạnh Linh (SN 1983, Đại đội phó Đại đội Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Hòa Bình) hy sinh và Thượng sỹ Hoàng Minh Thành (SN 1988, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Hoà Bình) bị thương.
Kẻ 3 lần “chạy án” Trần Văn Hưng
Để phòng thân và sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt, Hưng luôn mang súng AK cùng 2 băng đạn bên mình. Tuy nhiên, khi tổ ĐTV của Ban chuyên án lên Công an tỉnh Thái Nguyên gặp Hưng để điều tra thì Hưng có thái độ “coi thường”, rất tự tin. Hưng còn ngoan cố kêu oan, cả về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và hành vi giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Kết quả điều tra của Công an tỉnh Thái Nguyên cũng thể hiện: Trần Văn Hưng không giết người, không tàng trữ vũ khí, lý do là Hưng khai khẩu súng đó của Trần Đạo Thăng và qua nhiều lần giám định (cả tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng) đều kết luận mấy đầu đạn thu được tại hiện trường vụ án cùng loại với đầu đạn mà Trần Đạo Thăng đã bắn vợ cũ, vẫn còn lưu trữ tại Công an địa phương nơi Thăng sinh sống. Trong khi đó, thời hạn điều tra sắp hết, cũng có nghĩa việc khởi tố là oan sai và Công an tỉnh Thái Nguyên sẽ phải thả Hưng…
Với những tài liệu, chứng cứ về việc Trần Văn Hưng có tham gia vào cả 2 đường dây ma túy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định trích xuất Hưng từ Thái Nguyên về Hà Nội để điều tra. Tuy nhiên, sau cả chục ngày đấu tranh, thậm chí khi đối chất với Trần Đạo Thăng, bị Thăng chỉ thẳng mặt mắng, Hưng vẫn một mực không chịu thừa nhận khẩu súng là của mình.
Trần Đạo Thăng cũng nói khẩu súng không phải của mình, nhưng y cho biết: Vì rất tôn trọng ĐTV do đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho vợ y nên y sẽ nhận khẩu súng đó là của mình, bởi “tội em đã rất nặng rồi, thêm tội tàng trữ vũ khí quân dụng nữa thì cũng chả thay đổi gì”!
Ma túy, súng đạn thu được của các đối tượng buôn ma túy
Sau khi nghiên cứu tài liệu về việc mua bán ma túy của Hưng với Trần Đạo Thăng, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ cùng chiến thuật hỏi cung sắc bén, sau 10 ngày liên tục đấu tranh, các ĐTV đã buộc Trần Văn Hưng phải cúi đầu nhận tội. Hưng khai có mua bán ma túy với Trần Đạo Thăng và Tráng A Chư, còn khẩu súng là do y được “khuyến mại” kèm ma túy, khi bị Thăng và đàn em chặn đánh, y đã dùng súng bắn trả, sau đó bị đánh hội đồng nên làm rơi súng tại hiện trường.
Hưng cũng tố giác ra sai phạm của một cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên đã làm sai lệch hồ sơ, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Hưng khai, việc không nhận khẩu súng của mình là do khi bị hỏi cung, Hưng xin hối lộ ĐTV thụ lý chính vụ án là Ma Khánh Linh để được làm nhẹ tội với giá 500 triệu đồng và được đồng ý.
Hưng đã viết thư về nhà, bảo em trai là Trần Văn Hữu mang tiền cho Linh (nhưng Hữu mới “đặt cọc” trước 250 triệu đồng). Ma Khánh Linh cho Hưng viết đơn kêu oan và đổ lỗi cho Trần Đạo Thăng dùng súng bắn. Hưng kể cho Linh biết, cách đây vài năm, do cãi nhau với vợ cũ, Thăng đã dùng súng bắn dọa và bị Công an xã xử lý hành chính.
Nghe vậy, Linh lấy khẩu súng K59 thu giữ của Hưng để bắn lấy đầu đạn, rồi đưa cho vợ cũ của Thăng đem nộp cho CQĐT, nói là nhặt được tại nhà năm xưa, khi Thăng bắn vợ. Đồng thời, Linh cũng đến UBND xã nơi Thăng bị lập biên bản về hành vi dùng súng bắn đe dọa vợ cũ để tìm vật chứng.
Nghe chính quyền sở tại cho biết do chỉ xử lý hành chính nên không lưu giữ tang vật, Linh lén đặt đầu đạn bắn ra từ khẩu súng của Hưng vào góc tủ rồi thông báo đã thu được vật chứng. Những đầu đạn này được Ma Khánh Linh yêu cầu giám định và kết quả là không đủ chứng cứ khẳng định khẩu súng đó của Hưng, đồng nghĩa với việc Hưng bị oan và vụ án đi vào bế tắc.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngay lập tức, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh bắt giam Ma Khánh Linh về hành vi nhận hối lộ, bắt Trần Văn Hữu (em trai Hưng) về hành vi đưa hối lộ. Tuy nhiên, khi biết sự việc bại lộ, Ma Khánh Linh bỏ trốn và đến ngày 7/5/2015 mới ra đầu thú.
Nhận tiền tỷ để lập sai biên bản
Quá trình điều tra, Trần Văn Hưng còn tố giác, khi bị bắt truy nã, anh Nguyễn Viết Hòa, cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên đã lấy của Hưng 2 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ giúp Hưng nhẹ tội và giúp bồ của y là Đinh Thị Thanh Loan không bị liên quan.
Tiến hành xác minh nội dung tố giác, CQĐT triệu tập đối tượng Đinh Thị Thanh Loan (SN 1977, ngụ phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình), tuy nhiên, Loan có dấu hiệu bỏ trốn. Khi CQĐT đến tận nhà Loan áp giải, người nhà nói Loan đi vắng, nhưng tổ công tác đã phát hiện cô này trốn trên nóc tủ.
Tại CQĐT, Loan khai phù hợp với Hưng về việc tổ bắt truy nã của Công an Thái Nguyên lập biên bản không đúng về vị trí bắt Hưng và lấy đi chiếc cặp số đựng 2,5 tỷ đồng, sau nhiều lần “ngã giá” với Hưng thì để lại cho Loan 500 triệu đồng.
Tập trung điều tra, Ban chuyên án đã làm rõ, khi trốn truy nã, Hưng đã lang thang nhiều nơi rồi dạt về TP.Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) sống như vợ chồng với Loan. Ngày 19/3/2012, Hưng đón xe khách từ Hà Nội về Ninh Bình mang theo 2,5 tỷ đồng để trong chiếc cặp số màu đen, rồi đến nhà Loan ở phường Bích Đào.
Cũng trong khoảng thời gian tháng 3/2012, Nguyễn Viết Hòa và Nguyễn Đức Chinh, khi đó là cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Thái Nguyên được giao nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã Trần Văn Hưng. Đến ngày 19/3/2012, xác định Hưng xuất hiện tại Ninh Bình, Hòa - Chinh xuống TP.Ninh Bình và nhờ Nguyễn Huy Thắng (khi đó là cán bộ Văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình, bạn học cũ với Hòa) giúp đỡ.
Khoảng 21h ngày 19/3/2012, phát hiện Trần Văn Hưng tại nhà Đinh Thị Thanh Loan, Hoà-Chinh ập vào bắt giữ Hưng, đồng thời gọi Thắng đến hỗ trợ và điện báo cáo lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Thái Nguyên.
Quá trình khám xét nhà Đinh Thị Thanh Loan, Hưng đặt vấn đề biếu tổ công tác chiếc cặp số bên trong có 2,5 tỷ đồng để được tha. Tuy nhiên, Nguyễn Viết Hoà nói sự việc đã báo cáo lãnh đạo rồi nên không tha được, chỉ có thể giảm nhẹ tội cho Hưng bằng cách lập biên bản rằng Hưng ra đầu thú và làm thủ tục bắt Hưng trên cầu vượt để không ảnh hưởng đến Loan.
Dựng lại hiện trường vụ bắt Hưng tại cầu vượt, nhưng các đối tượng khai không khớp nhau.
Thấy vậy, Hưng "mặc cả", đề nghị chỉ đưa cho Hoà 2 tỷ đồng, xin giữ lại 500 triệu đồng cho Loan và được Hoà đồng ý. Việc lập biên bản bắt Hưng tại khu vực cầu vượt cũng được Hoà thống nhất với Thắng và Chinh.
Ban chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an triệu tập Nguyễn Viết Hòa và 1 cán bộ Công an tỉnh Ninh Bình có liên quan đến vụ bắt truy nã Trần Văn Hưng để tiến hành điều tra, xác minh.
Cũng từ đây, để “cứu” kẻ bị gục ngã bởi “viên đạn bọc đường”, một số “anh em, chiến hữu” của Nguyễn Viết Hòa lần lượt dính vòng lao lý. Đặc biệt, quá trình điều tra hành vi phạm tội của cán bộ Công an sai phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã làm rõ thủ phạm gây ra vụ đặt mìn tại nhà Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên gây xôn xao dư luận.
(Còn tiếp...)
Nguồn: [Link nguồn]
Biết rằng một khi bị bắt về tội buôn bán ma túy, hình phạt mà pháp luật dành cho mình chắc chắn sẽ rất nặng, thậm...