Cuộc đời bi thảm của hacker nhí đầu tiên bị kết án tại Mỹ
15 tuổi, cậu bé này khiến cho cả hệ thống bảo mật hàng đầu của NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ phải lao đao. Có lẽ chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để nói về tài năng của siêu hacker Jonathan James.
Hacker là thuật ngữ để nói về những người vô cùng giỏi trong công nghệ máy tính, đặc biệt là về bảo mật. Tuy nhiên, không ít người trong số họ sử dụng tài năng của mình để làm những điều phi pháp. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng kiến những thảm họa mà “hacker mũ đen” gây ra, từ những vụ trộm tiền với số lượng khổng lồ tới các thông tin mật bị đánh cắp rồi rao bán… Chân dung của những kẻ mang nỗi ám ảnh kinh hoàng với các chuyên gia bảo mật sẽ được làm rõ trong loạt bài “Những haker nguy hiểm nhất lịch sử” dưới đây. |
Jonathan Joseph James bị liệt vào danh sách tội phạm mạng cực kỳ nguy hiểm khi mới còn là một cậu bé.
Hacker tài năng
Jonathan Joseph James sinh ngày 12/12/1983 tại South Florida. Càng lớn, cậu bé James càng thể hiện tài năng vượt trội đối với máy tính. Ngay từ khi 15 tuổi, James với nickname “C0mrade” đã cả gan hack các trang mạng lớn của Chính phủ Mỹ như Bell South, Miami-Dade.
Đặc biệt, sau hành động tấn công vào Cơ quan giảm nhẹ các mối đe dọa Quốc phòng (DTRA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, James chính thức bị liệt vào danh sách tội phạm mạng cực kỳ nguy hiểm khi mới còn là một cậu bé trong tuổi vị thành niên.
James sau đó thừa nhận rằng cậu đã cài đặt phần mềm trái phép vào một máy chủ ở Dulles, Virginia cho phép ngăn chặn hơn 3.000 thông điệp tối mật đến và đi của các nhân viên DTRA cũng như thu thập tên người dùng và mật khẩu của họ.
Ngoài ra, James cũng xâm nhập vào hệ thống chính phủ cao cấp như NASA, tấn công Trung tâm Điều khiển bay vũ trụ Marshall ở Huntsville, Alabama, tải về các phần mềm điều khiển môi trường của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Đây là chương trình điều khiển nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường sống của trạm vũ trụ này.
“Chính phủ đã không áp dụng đầy đủ các biện pháp an ninh cho hầu hết các máy tính của họ”, James cho biết sau vụ việc. “Hệ thống an ninh mạng của họ thiếu hụt nghiêm trọng”.
Tổng giá trị của khối lượng dữ liệu mà hacker trẻ này đã tải về từ mạng của NASA là khoảng 1,7 triệu USD. Sau vụ xâm nhập đó, NASA đã phải đóng cửa hệ thống trong suốt 3 tuần để phục vụ công tác điều tra, gây tổn thất thêm 41.000 USD.
“Đôi lúc, tôi nghĩ rằng thằng bé khá thông minh, nhưng cũng nhiều lúc tôi nghĩ rằng tôi đã nuôi nấng một thằng bé ngốc”, Robert James - cha của Jonathan James - cũng là một lập trình viên, thừa nhận về con trai mình.
Kết cục bi thảm
Sau nhiều ngày theo dõi, 6 giờ sáng ngày 26/1/2000, Bộ Quốc phòng và NASA tiến hành bao vây, lục soát và ra lệnh bắt khẩn cấp với tên tội phạm mạng nguy hiểm Jonathan Joseph James.
Do còn ở độ tuổi vị thành niên, James chỉ bị giam giữ 6 tháng cho tội danh ở khung hình phạt ít nhất 10 năm nếu đủ tuổi trưởng thành, đồng thời chấp nhận chịu quản chế cho tới khi 18 tuổi và bị cấm sử dụng máy tính.
Thế nhưng câu chuyện không dừng lại tại đó. Kết thúc của hacker huyền thoại này khá bi thảm.
Năm 2007, một loạt công ty danh tiếng trở thành nạn nhân của làn sóng tấn công mạng rộng lớn và mạnh mẽ. Mặc dù phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào tới làn sóng tấn công này, James vẫn bị nghi ngờ và là đối tượng điều tra của các nhà chức trách cho một âm mưu trộm cắp qua mạng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ
Ngày 18/5/2008, ở tuổi 25, James đã tự tử bằng một khẩu súng. Thi thể hacker này được tìm thấy tại nhà riêng, chỉ không đầy 2 tháng sau khi các nhân viên an ninh khám xét nhà James để phục vụ điều tra.
Trong lá thư tuyệt mệnh của mình, James đã viết rằng mình vô tội, nhưng biết rằng các nhân viên liên bang sẽ không tin và chắc chắn sẽ tìm được cách biến anh thành kẻ tội đồ.
Theo một số thông tin được tiết lộ, trước khi qua đời, James bị chứng trầm cảm nặng. Các nhân viên an ninh đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh khác mà James đã viết trước đó 1 năm.
Sau cái chết của James, không ít người tỏ ra tiếc nuối cho siêu hacker bạc mệnh này bơi nếu được định hướng đúng đắn, giới công nghệ lẽ ra đã có thêm một thiên tài.
-----------
Mời độc giả đón đọc loạt bài tiếp theo Những hacker nguy hiểm nhất lịch sử vào 4h ngày 14/9/2017.
Dù tài năng không được sử dụng đúng chỗ nhưng bất kỳ ai khi nói về hacker này đều phải công nhận rằng gã thực sự...