Cuộc đào tẩu của “đại bàng” trại giam

Với bản chất côn đồ, “đại bàng” trại giam dấn sâu vào con đường tội ác bằng kế hoạch đào tẩu khỏi trại giam…

Trại giam là nơi những con người có một thời lầm lỡ có cơ hội tìm lại chính mình. Những tháng ngày nhìn đời qua song sắt nhà tù sẽ giúp họ sám hối, nhận thức được những hành vi phạm tội của mình.

Thế nhưng, với bản chất là những tên tội phạm liều lĩnh, Nguyễn Văn Thân cùng đàn em của y tiếp tục dấn sâu vào con đường tội ác bằng kế hoạch đào tẩu khỏi trại giam…

Cho đến thời điểm gây tội ác trong nhà giam Công an Đồng Nai, Nguyễn Văn Thân chỉ mới 20 tuổi. Gây án ở độ tuổi này không phải chuyện lạ nhưng so với một “đại bàng” trong nhà giam thì Thân vẫn còn quá “non”. Lướt sơ qua “tiểu sử” của Nhân, nhiều người không khỏi ngán ngẩm cho “thành tích” của một thành phần bất hảo. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Thân đã là một đứa trẻ ngang ngược, không thể dạy bảo. Thân bỏ học giữa chừng, suốt ngày chơi bời lêu lổng. Thân nhanh chóng kết bạn với những kẻ cùng chí hướng, để rồi sớm sa vào vòng lao lý.

Theo cáo trạng được vị đại diện VKS công bố tại phiên toà, Nguyễn Văn Thân, Trần Quốc Tuấn, Phạm Huy Hoàng, Nguyễn Bá Quyết là “bộ tứ” đang bị giam tại phòng số 9TA, Công an Tp. Biên Hòa. Lẽ ra phải nghiêm chỉnh tuân thủ nội quy trại giam, cải tạo để trở thành công dân tốt, Thân và đồng bọn lại ngang ngược, trở thành những đối tượng “đại bàng” trại giam. Ngày 15-2-2011, bọn chúng bàn bạc, tìm cách đào tẩu khỏi trại giam bằng một kế hoạch táo bạo: Dàn cảnh đánh nhau, khi cán bộ quản giáo đến mở cửa giải quyết sẽ dùng nước mắm pha với xà phòng và bột canh tạt vào mặt cán bộ, sau đó đồng loạt xô cửa chạy trốn.

Đêm 17-2-2011, theo kế hoạch đã “phân công”, Tuấn và Thân giả vờ đánh nhau, gây náo loạn trại giam. Các quản giáo trực đêm là Huỳnh Công Chiến và chiến sĩ Lê Xuân An nhận được tin can phạm đánh nhau trong phòng giam nên xuống can thiệp. Khi anh Chiến và An vừa mở cửa phòng 9TA, bốn tên hè nhau đạp bung cửa trại rồi nhảy vào tấn công quản giáo, sau đó cả bọn chạy về phía tường rào, tẩu thoát ra khỏi trại giam. Nghe tín hiệu báo động tội phạm trốn trại, các cán bộ chiến sĩ đã kịp thời hỗ trợ, đuổi theo bắt giữ được Hoàng và Quyết. Riêng Thân và Tuấn chạy thoát ra ngoài. Sau lần trốn trại bất thành, Phạm Huy Hoàng và Nguyễn Bá Quyết đã bị TAND Tp. Biên Hòa xử phạt 8 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam giữ”.

Vừa thoát ra khỏi trại giam, Trần Quốc Tuấn tiếp tục “kéo bè kết đảng”, sử dụng súng đi cướp tài sản và bị bắn chết khi chống trả với các trinh sát phòng chống tội phạm. Riêng Thân chọn giải pháp “an toàn” hơn là trốn về vùng quê hẻo lánh ở tỉnh Hải Dương nằm yên nghe ngóng một thời gian. Công an tỉnh Đồng Nai phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Thân. Sau 7 tháng truy lùng, các trinh sát mới lần ra nơi ẩn náu, bắt gọn Thân khi y định liều mạng chống trả.

Nguyễn Văn Thân vừa phải ra trước vành móng ngựa để xét xử về tội “Trốn khỏi nơi giam”. Ban đầu, Thân vẫn tỏ ra ngang tàng, đổ tội chủ mưu trốn trại cho Trần Quốc Tuấn. Vị chủ toạ phiên toà phân tích: Việc bị cáo dàn dựng đánh nhau để nhân lúc cán bộ quản giáo đến giải quyết sẽ dùng “hung khí” tự chế tấn công nhằm trốn khỏi trại giam đã được các đồng phạm của bị cáo khai rõ. Bị cáo nghĩ Tuấn đã chết thì đổ tội cho y để trốn tội? Điều này bị cáo đã nhầm rồi, đã có đầy đủ bằng chứng để buộc tội bị cáo. Sau khi nghe chủ toạ phân tích, Thân mới cúi đầu nhận tội: “Giờ này thì bị cáo biết tội của mình rồi. Chỉ xin HĐXX xem xét, tuyên bản án nhẹ để bị cáo sớm trở về với gia đình. Đây là bài học đắt giá của bị cáo!”.

Kết cục dành cho “đại bàng” Nguyễn Văn Thân là mức án 4 năm 6 tháng tù. Bản án cho thấy “lưới trời lồng lộng”, những kẻ tội phạm ranh mãnh và coi thường pháp luật như Thân sớm muộn cũng phải bị nghiêm trị. Vụ án còn là bài học cho những đối tượng nuôi ý định viển vông, đào tẩu khỏi trại giam cần sớm tỉnh ngộ trước khi chưa quá muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN