"Cuộc chiến" với kẻ buôn người chưa có hồi kết

Trẻ em, phụ nữ vùng sâu, vùng xa luôn là đích ngắm mà bọn buôn người tìm cách giăng bẫy để bán sang Trung Quốc làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm…

Rất nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng với tội phạm mua bán người nhưng vẫn tiếp tục có nạn nhân của những kẻ này.

Vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn? Những người có trách nhiệm ở địa phương biết rất rõ các thủ đoạn lừa lọc nhưng họ thừa nhận rất khó ngăn ngừa triệt để…

Những thủ đoạn không mới

Đại úy Phan Hồng Khoái (Đội trưởng An ninh điều tra Công an huyện Mường Lát, Thanh Hóa) cho biết: Xã Trung Lý có tới 36 phụ nữ nghi vấn lấy chồng hoặc bị lừa bán qua Trung Quốc (TQ), Mường Lý có 27 trường hợp và còn lại 11 trường hợp khác nằm ở các xã Tam Trung, Nhi Sơn, Pù Nhi. Trong số 74 phụ nữ đang không có tin tức, cơ quan chức năng nghi họ là nạn nhân của bọn buôn người.

Theo Đại úy Khoái, nạn nhân của bọn buôn người sẽ thành vợ bất đắc dĩ của những người đàn ông TQ hoặc bị bán vào các động mại dâm… và họ luôn khát khao tìm đường trở về.

Những thủ đoạn mà bọn buôn người sử dụng không mới. Bọn chúng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình; thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… rồi đưa lên Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn để bán sang TQ.

Nạn nhân nữ thường ở độ tuổi từ 15 đến 30, sống ở vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, nhận thức về pháp luật, dân trí thấp. Đặc biệt, nếu kẻ buôn người biết tiếng Mông thì các nạn nhân càng dễ rơi vào bẫy của chúng.

Theo Đại úy Khoái, để bắt giữ, xử lý những kẻ buôn bán người lại không hề dễ vì các trường hợp bị lừa bán sang TQ không xảy ra ngay trên địa bàn huyện Mường Lát nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

"Cuộc chiến" với kẻ buôn người chưa có hồi kết - 1

Những phụ nữ ở vùng sâu thường là nạn nhân của bọn buôn người. Ảnh: Đ.TRUNG

"Cuộc chiến" với kẻ buôn người chưa có hồi kết - 2

Hai thiếu nữ dân tộc Mông ở xã Mường Lý vừa được cơ quan Công an huyện Mường Lát giải cứu. Ảnh: Đ.TRUNG

Đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý nghiêm

Công an huyện Mường Lát cho hay trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân đối với tình trạng buôn bán người qua TQ trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi những người nghi vấn để ngăn chặn, xử lý.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Văn Cường Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trên toàn địa bàn với hàng chục ngàn lượt người tham gia. Các đợt cao điểm chủ yếu tuyên truyền, vận động nhân dân các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu lao động và âm mưu, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến mua bán người.

Theo ông Cường, hiện cơ quan các cấp cũng đã tổ chức làm việc với số người bị lừa bán trở về địa phương để phát hiện phương thức, thủ đoạn và đối tượng liên quan. Bước đầu đã phát huy tác dụng, cụ thể công an đã ngăn chặn được bốn trường hợp lừa bán người sang TQ.

Ông Cường cũng cho hay phần lớn nạn nhân là phụ nữ người dân tộc Mông, nhận thức hạn chế, bản thân không biết thông tin người đã lừa bán mình, chỉ quen trên Facebook. Sau nhiều lần trò chuyện trên mạng thì nạn nhân đón xe khách đến điểm hẹn rồi bị đưa sang TQ, lúc này mới biết mình đã bị bán.

“Đối với những trường hợp đã trở về địa phương, UBND huyện giao cho chính quyền các xã và các lực lượng chức năng động viên, có chính sách hỗ trợ kịp thời và cùng gia đình giúp đỡ để họ yên tâm làm ăn, sinh sống” - ông Cường nói.

Nạn nhân nam giới bị lừa qua Trung Quốc để bán thận

Tội phạm mua bán người đã xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành. Chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài. Năm 2012-2017, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn mua bán theo báo cáo của Bộ Công an là 3.090 người. Trong đó, 2.571 người đã trở về, 519 người chưa trở về. 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em.

Nạn nhân bị bán sang TQ chiếm trên 90%. Đáng chú ý là một số trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua TQ để bán thận (Cần Thơ có tám trường hợp.

Đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân. Một số nơi có hiện tượng giả danh lực lượng chức năng để làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân, tuy nhiên cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng ngừa...

Xuất hiện hành vi mua bán người mới

Năm 2018, một loại hình buôn người  mới xuất hiện nhưng rất khó khăn trong xử lý là những kẻ buôn người đưa những phụ nữ có thai sang TQ để sinh con và bán đứa trẻ mới sinh ở nước này.

Hành vi bán trẻ mới sinh ở Trung Quốc nói trên hiện chưa thể xử lý hình sự vì chưa được quy định trong BLHS 2015 về tội mua bán người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trung ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN