Công an viên đánh chết học sinh bị phạt 6 năm 9 tháng tù

Ngay sau khi tòa tuyên án, bị cáo này tỏ ra rất hung hăng, dùng chân đạp mạnh vào ghế tòa án khiến nhiều cảnh sát bảo vệ phải lao vào ngăn cản.

Sau ba ngày xét xử, ngày 14-11, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tuyên phạt Lê Minh Phát (24 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích, chín tháng tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt chung là sáu năm chín tháng tù. Tòa cũng phạt Lê Ngọc Tâm (31 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) chín tháng tù treo về tội bắt người trái pháp luật, Lê Tấn Khỏe (15 tuổi) ba năm tù về tội cố ý gây thương tích. Ngoài ra, tòa còn buộc Phát và gia đình Khỏe liên đới bồi thường 135 triệu đồng cho gia đình nạn nhân, trong đó Phát phải bồi thường 70 triệu đồng, cha mẹ Khỏe bồi thường 65 triệu đồng.

Công an viên đánh chết học sinh bị phạt 6 năm 9 tháng tù - 1

Ba bị cáo Khỏe, Phát, Tâm (từ trái qua) nghe tòa tuyên án. Ảnh: T.LỘC.

Theo tòa, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng em Tu Ngọc Thạch, xâm phạm đến quyền bảo hộ về sức khỏe của con người, gây mất trật tự trị an xã hội, gây hoang mang, phẫn nộ, bất bình trong nhân dân.

Trong đó, Phát là người có hành vi tích cực nhất trong quá trình thực hiện tội phạm. Phát đã tích cực đi tìm bắt, còng tay, đánh em Thạch trong khi giữa Phát và em Thạch không có mâu thuẫn gì, em Thạch cũng không có hành vi nguy hiểm đối với xã hội. Hành vi của Phát là nguy hiểm cho xã hội, không tuân thủ các quy định của pháp luật, bị cáo không có quyền bắt người, cũng không được cơ quan thẩm quyền phân công giải quyết vụ việc trên, không phải ngày trực của bị cáo. Tòa kết luận bị cáo phải chịu trách nhiệm về cái chết của em Thạch.

Tòa cũng nhận định hành vi của Khỏe có tính chất hung hăng, coi thường pháp luật, cùng với Phát phải chịu trách nhiệm về cái chết của em Thạch.

Về phần Tâm, tòa cho rằng dù không phải ngày trực, cũng không được cơ quan phân công giải quyết sự việc nhưng Tâm đã tích cực truy bắt người ở địa bàn xã khác. Mặt khác, Tâm thấy Phát còng tay, đánh em Thạch nhưng không can ngăn mà còn dùng xe chở về trụ sở Công an xã Vạn Long trong khi em Thạch không có hành vi vi phạm pháp luật.

Ngay sau khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án, bị cáo Phát tỏ ra rất hung hăng, dùng chân đạp mạnh vào ghế tòa án khiến nhiều cảnh sát bảo vệ phải lao vào ngăn cản. Sự việc này xảy ra trước sự chứng kiến của HĐXX cùng đông đảo những người dự khán phiên tòa. Sau đó, người nhà của bị cáo này cũng la ó phản đối cho rằng bản án tòa tuyên quá nặng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên tòa, ông Đỗ Công Đa (Chánh án TAND huyện Vạn Ninh) cho biết ông đã nghe báo cáo lại sự việc bị cáo Phát đạp ghế tòa án tại phiên tòa. Ông Đa cho rằng đây là hành động thái quá, chưa từng xảy ra tại TAND huyện Vạn Ninh trước đây. “Nguyên là công an viên nhưng bị cáo này tỏ ra rất côn đồ” - một người dân chứng kiến sự việc bức xúc. Gia đình em Thạch thì cho rằng mức án tuyên phạt đối với các bị cáo là quá nhẹ, nhất là đối với Phát nên sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm.

Chiều 29-12-2013, xuất phát từ mâu thuẫn tối hôm trước, Lê Tấn Khỏe đã dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng vào sau đầu em Tu Ngọc Thạch (14 tuổi, học sinh lớp 9) khi em Thạch đang được anh trai chở đi ngang trụ sở UBND xã Vạn Long. Lúc này, Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm ngồi trong quán nước nhìn thấy. Sau đó, em Thạch được bàn bè chở đi gặp Khỏe và hai bên đã giải hòa. Thế nhưng khi nghe có người nói nhóm của em Thạch tìm Khỏe để đánh, Phát đã đi tìm, dùng còng số 8 còng tay ra sau lưng, đánh, đập vào mặt, ngực em Thạch rồi cùng Tâm chở về trụ sở Công an xã Vạn Long. Tại đây, Phát tiếp tục đánh đấm em Thạch khiến nạn nhân bị chết vào sáng 31-12-2013 do chấn thương sọ não.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Lộc (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN