Công an có quyền kiểm tra điện thoại cá nhân trong trường hợp nào?

Sự kiện: Tin nóng

Theo luật sư, trường hợp kiểm tra hành chính, cơ quan công an vẫn có thể kiểm tra, khám xét khi có căn cứ tang vật vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ.

Trong thời đại 4.0 khi mà công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển thì chiếc điện thoại thông minh là vật bất ly thân của mỗi người. Chỉ với một chiếc điện thoại, chúng ta có thể dễ dàng truy cập internet, chụp ảnh, quay phim, nhắn tin, tương tác với nhau qua các ứng dụng... Vì vậy, đối với mỗi người, điện thoại là nơi chứa rất nhiều điều tế nhị, đời sống riêng tư mà không ai muốn bị tiết lộ.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, ngoài bản thân chủ nhân điện thoại, cơ quan công an cũng có thể khám xét, kiểm tra điện thoại của người dân trong một vài trường hợp cụ thể.

 Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp.

 Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp.

Luật sư Cường cho hay, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì các công cụ, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm hành chính có thể bị thu giữ để làm căn cứ xử lý cũng như để thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thì Cơ quan công an có thẩm quyền chỉ được khám đồ vật theo thủ tục hành chính khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Khi đó chỉ có Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền mới có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật này. 

Còn chiến sĩ công an nhân dân chỉ được khám xét trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy và cán bộ này phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám. 

Khi khám đồ vật phải có mặt chủ đồ vật và 1 người chứng kiến; trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến. Mọi trường hợp khám đồ vật đều phải lập biên bản. Quyết định khám và biên bản phải giao cho chủ đồ vật 1 bản theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

“Đối với những hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì những công cụ, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị thu giữ. Ví dụ chiếc điện thoại sử dụng để nhắn tin, gọi điện quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, trong điện thoại thể hiện tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh thì mới được phép thu giữ điện thoại và yêu cầu người vi phạm cung cấp mật khẩu điện thoại. Tuy nhiên, việc kiểm tra này phải được lập biên bản, có mặt chủ chiếc điện thoại và 1 người chứng kiến. Biên bản khám xét, kiểm tra phải được giao cho chủ chiếc điện thoại 1 bản", luật sư Cường nói.

Nếu điện thoại, tư trang cá nhân hoặc các vật dụng khác không liên quan đến hành vi vi phạm, không liên quan đến tội phạm thì không được phép thu giữ.

Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết thêm, người có thẩm quyền khám xét, kiểm tra điện thoại theo Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật này bao gồm: Trưởng Công an phường, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ,… có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.

Ngoài lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt hành chính nói trên, lực lượng công an điều tra cũng có thẩm quyền kiểm tra điện thoại theo khoản 1 Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Cụ thể, khoản 1 Điều 197 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Ngoài ra, khi khám xét, điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Như vậy, có thể thấy điều tra viên có quyền thu giữ và khám xét điện thoại trong trường hợp điện thoại là vật chứng có liên quan trực tiếp đến vụ án.

Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, do điện thoại lưu trữ thông tin cá nhân nên để đảm bảo quyền bí mật riêng tư của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền chỉ được kiểm tra, khám xét điện thoại khi có các căn cứ cụ thể.

"Giả sử trong trường hợp, cơ quan công an phát hiện một nhóm đối tượng tổ chức ăn nhậu, bật nhạc với công suất lớn giữa lúc giản cách xã hội phòng chống COVID-19 hoặc nhóm người tụ tập có dấu hiệu Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thì cơ quan công an có thể yêu cầu các đối tượng giao nộp điện thoại, đồng thời kiểm tra ngay chiếc điện thoại nhằm thu thập thông tin điều tra, tránh trường hợp các đối tượng xóa các tin nhắn, lịch sử cuộc gọi hay hình ảnh có thể chưa các nội dung, hình ảnh lôi kéo tụ tập, tổ chức sử dụng chất cấm của các đối tượng.

Tất nhiên, việc kiểm tra cần phải tuân thủ các quy định và đảm bảo các thông tin, hình ảnh riêng tư của chủ nhân chiếc điện thoại không liên quan tới vụ việc", luật sư Bình cho biết.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.

Đối với cơ quan điều tra, trước khi khám xét, cơ quan điều tra sẽ thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử.  Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan. Theo quy định của pháp luật, phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn. 

Tuy nhiên, căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc khám xét đồ vật, dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án. 

Mọi trường hợp khám xét đều được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật, giao cho chủ sở hữu đồ vật và đưa vào hồ sơ vụ án. 

Luật sư Bình khẳng định công an có quyền kiểm tra điện thoại của cá nhân trong trường hợp có căn cứ cho rằng điện thoại đó có chứa thông tin liên quan đến vụ án hình sự đang được cơ quan công an điều tra hoặc điện thoại đó được dùng để vi phạm hành chính. Mọi trường hợp bị yêu cầu kiểm tra phải được lập thành văn bản và có yêu cầu của cơ quan cấp trên có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, khám xét.

Nguồn: [Link nguồn]

Công an xác minh clip “nóng” của nữ diễn viên “Về nhà đi con” lan truyền trên internet

Cơ quan công an đang xác minh clip “nóng” của nữ diễn viên V.T đang lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN