Công an Bình Thuận đưa các đường dây chơi hụi vào "tầm ngắm"
Năm qua, tỉnh Bình Thuận xảy ra 11 vụ liên quan đến vỡ hụi với tổng số tiền gần 250 tỷ đồng, gây mất an ninh trật tự. Do đó, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để đấu tranh ngăn chặn với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan các đường dây chơi hụi.
Vỡ hụi gần 250 tỷ đồng
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về tình hình vỡ hụi trong thời gian qua, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 11 vụ liên quan đến vỡ hụi. Trong đó, TP. Phan Thiết xảy ra 6 vụ (số tiền liên quan khoảng 200 tỷ đồng), huyện Hàm Thuận Bắc 3 vụ (số tiền liên quan khoảng 7 tỷ đồng), thị xã La Gi 1 vụ (số tiền liên quan khoảng 40 tỷ đồng), huyện Tánh Linh 1 vụ (số tiền liên quan khoảng 200 triệu đồng).
Công an các địa phương đã khởi tố 1 vụ án và 1 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa 3 vụ vào giải quyết theo trình tự tin báo tội phạm, kết luận 1 vụ không có dấu hiệu tội phạm, chuyển xử lý dân sự. Hiện tại, công an đang xác minh 5 vụ, còn 1 vụ các bên đã tự thương lượng, thỏa thuận.
Công an Bình Thuận khẳng định, thủ đoạn chủ yếu là các cá nhân sử dụng mối quan hệ xã hội và thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo để giới thiệu, mời gọi huy động vốn thông qua hình thức chơi hụi. Sau đó chủ các dây hụi bỏ trốn.
Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đọc lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Loan Chi - chủ hụi bị 46 người tố cáo lừa đảo với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng.
Khó xử lý
Quá trình phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến huê, hụi, công an gặp một số vấn đề khó khăn như, hoạt động chơi hụi được quy định tại Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ, chủ yếu thực hiện qua giao dịch dân sự dựa trên niềm tin, lợi ích của thành viên và quy định của pháp luật.
Những người tham gia chơi hụi tự nguyện và thỏa thuận với nhau nên rất khó trong công tác phòng ngừa. Chỉ khi có hậu quả xảy ra, nhiều người mất tiền, không liên lạc được với chủ hụi để giải quyết mới đến cơ quan công an tố cáo.
Việc tham gia chơi hụi giữa chủ hụi và các hụi viên chỉ dựa trên cơ sở niềm tin lẫn nhau và lợi ích. Quá trình giao dịch này không có tài sản gì đảm bảo nên dễ nảy sinh các hành vi phạm tội, như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (kể cả chủ hụi và các hụi viên).
Nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook để lập hội, nhóm, kêu gọi nhiều người tham gia chơi hụi không chỉ ở một địa bàn nhất định mà rộng khắp, có nhiều hụi viên chỉ quen biết qua giới thiệu nhưng vẫn tham gia chơi do đối tượng đưa ra lợi nhuận cao, hứa hẹn về lợi ích để đánh vào mục đích của hụi viên nên tiềm ẩn nhiều khả năng đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các vụ việc vỡ hụi sau khi xảy ra thì các hụi viên mới đến cơ quan công an tố cáo. Do đó, quá trình hoạt động diễn ra đã lâu, thỏa thuận nhiều lần với nhiều dây hụi khác nhau nên gây khó khăn cho công tác xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội.
Mặt khác, một số đối tượng có sự chuẩn bị từ trước nên đưa ra các hình thức đối phó với cơ quan công an (bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu, chuyển nhượng tài sản cho người khác…), gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.
Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng vỡ hụi, gây mất an ninh trật tự, trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung. Trong đó, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành và vận động người thân chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động góp hụi. Nghiêm túc kiểm điểm, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động hụi hoặc để người thân lợi dụng góp hụi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tống đạt các quyết định cho bị can Ngô Thị Loan Chi.
Lực lượng công an cấp xã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động của tất cả các dây hụi trên địa bàn, có giải pháp đề phòng tình trạng vỡ hụi tại địa phương. Tăng cường công tác nắm tình hình hội, nhóm trên không gian mạng, chủ động phát hiện các cá nhân có hoạt động huy động vốn, tổ chức chơi hụi với quy mô lớn để có biện pháp quản lý hoạt động, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất minh của chủ hụi để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, không để hoạt động kéo dài, lợi dụng chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Công an Bình Thuận cũng đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức, triển khai tốt các mô hình, câu lạc bộ liên quan đến chính sách hỗ trợ nguồn vay vốn, góp vốn xoay vòng giữa các thành viên, hội viên để các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần hạn chế huy động vốn thông qua hình thức chơi hụi.
Tại thời điểm tuyên bố vỡ hụi, Nguyễn Thùy Trang (SN 1988, ngụ tỉnh Bạc Liêu) nợ của hơn 90 hụi viên số tiền trên 5 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]