Con đường phạm tội của “siêu lừa” Huyền Như

Từ việc vay lãi cao để đầu tư bất động sản, chứng khoán, Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều tổ chức, ngân hàng và cá nhân gần 4.000 tỉ đồng; lôi kéo nhiều đồng nghiệp, người thân phạm tội.

Sáng 6-1, TAND TP HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước và cho vay nặng lãi.

Ngoài 23 bị cáo bị đưa ra xét xử còn có 15 đơn vị, cá nhân là nguyên đơn dân sự và bị hại; 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; 47 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Riêng Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, nguyên phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) - bị cáo buộc phạm 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức- có đến 3 luật sư bào chữa.

Cùng đường nên làm bậy

Năm 2007, thời điểm đất đang “sốt”, dù gia đình không có điều kiện, Huyền Như vẫn liều lĩnh vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản và chứng khoán tại TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.

Con đường phạm tội của “siêu lừa” Huyền Như - 1

Huỳnh Thị Huyền Như (x) tại phiên tòa Ảnh: TẤN THẠNH

Mải mê chạy theo lợi nhuận, quên mất những nguy cơ tiềm ẩn, đến năm 2010, bất động sản đóng băng, Huyền Như lao đao vì lãi mẹ đẻ lãi con. Cùng đường, từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Nhằm thực hiện mục đích của mình, Huyền Như làm giả hàng loạt con dấu, chữ ký, hợp đồng để chiếm đoạt tiền của nhiều công ty, ngân hàng và cá nhân gần 4.000 tỉ đồng.

Lợi dụng các mối quan hệ

Trong vụ án này, giúp sức tích cực cho Huyền Như phải kể đến Võ Anh Tuấn (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh), nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM. Huyền Như và Tuấn có quan hệ thân thiết khi còn làm tại Phòng Tín dụng VietinBank Chi nhánh TP HCM. Lúc đó, Huyền Như chỉ là cán bộ tín dụng, trong khi Tuấn đang giữ chức phó trưởng phòng.

Đến năm 2007, cả hai cùng thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoàng Khải (gọi tắt là Công ty Hoàng Khải) để kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo. Đến tháng 2-2011, Tuấn và Huyền Như tiếp tục cùng góp vốn xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại tỉnh An Giang. Trong quá trình Huyền Như huy động vốn của các đơn vị, dù biết rõ việc làm này là sai trái nhưng Tuấn vẫn cùng Huyền Như gặp gỡ đại diện của các ngân hàng, tạo điều kiện cho Huyền Như giả mạo danh nghĩa để huy động tiền và chiếm đoạt của 4 công ty hơn 1.678 tỉ đồng.

Không chỉ khiến nhiều nhiều lãnh đạo cấp phòng, giao dịch viên của các phòng giao dịch VietinBank sa chân vào con đường tù tội, Huyền Như còn đẩy cả chị gái là Huỳnh Mỹ Hạnh vào vòng lao lý.

Theo đó, tháng 12-2008, Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh) làm việc cho Huyền Như tại Công ty Hoàng Khải ở vị trí nhân viên. Đến đầu năm 2011, Hạnh được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty.

Theo chỉ đạo của Huyền Như, Hạnh đã mở tổng cộng 7 tài khoản tại các ngân hàng để giao dịch, chuyển tiền cho các cá nhân mà Huyền Như vay với lãi suất cao. Đồng thời, Hạnh còn được Huyền Như nhờ đứng tên mua hộ nhiều bất động sản tại TP HCM, Đà Nẵng; đứng tên vay tiền tại các ngân hàng.

Sinh con trong trại giam

Trong phần thẩm tra lý lịch của các bị cáo, Huyền Như cho biết bị bắt giam ngày 30-9-2011, khi đang mang thai 4 tháng. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã sinh con (hiện đã 21 tháng tuổi) nhưng chưa được làm giấy khai sinh do chưa đăng ký kết hôn. Mặc dù có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nhưng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Huyền Như không được hưởng chính sách tại ngoại hầu tra.

Đề nghị triệu tập “bầu Kiên”, Trần Xuân Giá

Sau phần thẩm tra lý lịch của các bị cáo, một số luật sư đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để xác định rõ tư cách tham gia của một số cá nhân, tổ chức là nguyên đơn dân sự hay người bị hại; triệu tập thêm lãnh đạo của VietinBank với tư cách bị đơn dân sự trong vụ án; đồng thời triệu tập những người có trách nhiệm tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) liên quan đến vụ việc gồm ông Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ACB), ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) và Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch ACB) để làm rõ trách nhiệm bồi thường.

Đặc biệt, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) cho rằng đến ngày 19-12-2013, ngân hàng này mới biết mình được xác định là nguyên đơn dân sự theo giấy triệu tập của TAND TP HCM.

Sau khi tạm ngưng phiên tòa để xem xét ý kiến của các luật sư, HĐXX quyết định tiếp tục. Riêng ý kiến của luật sư về Navibank, HĐXX cho rằng ngày 24-4-2012, đại diện Navibank đã có buổi làm việc với cơ quan CSĐT và xác nhận bị chiếm đoạt 200 tỉ đồng.

Hôm nay, ngày 7-1, phiên tòa tiếp tục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
"Siêu lừa" 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN