Coi chừng sập bẫy thành “sugar baby”
Bên cạnh hiện tượng “sugar daddy và sugar baby” là sự đổi chác, thỏa thuận “vui vẻ” giữa hai bên thì thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ là sinh viên mới chập chững bước chân vào thành phố nhập học đã bị gạ gẫm, quấy rối, thậm chí ra giá cho những cuộc tình... “em nuôi”.
Bỗng dưng bị... gạ tình
M.T (19 tuổi, quê Đồng Nai) vừa đặt chân lên TP Hồ Chí Minh để nhập học đại học, chưa quen biết ai, chưa đi làm thêm ở đâu nhưng bất ngờ nhận được tin nhắn lạ từ Zalo của một “chàng trai” rủ đi chơi. Ban đầu tò mò, nghĩ là người quen trêu đùa hoặc bạn thất lạc lâu năm nên M.T đã phản hồi lại. Sau khi xác định đó là người hoàn toàn xa lạ, M.T dừng nhắn tin và chặn số điện thoại. Ngay buổi tối cùng ngày, M.T tiếp tục nhận được tin nhắn lạ gửi vào điện thoại với nội dung: “Anh biết em đang là sinh viên, có nhiều thời gian rảnh. Anh muốn mời em đi chơi với anh, ở quanh thành phố thôi, anh sẽ gửi tiền em chi tiêu”. M.T nhắn tin hỏi lại: “Đi chơi thế nào anh?”. Lập tức, bên kia trả lời: “Cứ gặp nhau đi”.
Sinh viên thường là đối tượng mà kẻ xấu ngắm đến cho mục đích dụ dỗ làm “sugar baby”. (ảnh minh họa)
M.T nghĩ ngay đến trò lừa đảo mà cô thường đọc tin tức trên báo chí truyền thông, cô đã từ chối ngay. Chưa kịp khóa tài khoản thì người này tiếp tục gửi tin nhắn chốt giá: “10 triệu, em đi không”. M.T lo sợ gã này sẽ tiếp tục “tấn công” mình qua điện thoại nên đã nhờ anh trai can thiệp. Anh trai của M.T gọi điện đến số lạ, tuy nhiên đầu bên kia vừa nghe được tiếng đàn ông gọi thì đã tắt máy và “chuồn”.
M.T cho biết, từ ngày lên TP Hồ Chí Minh cô chưa đi đâu để cung cấp số điện thoại hoặc thông tin cá nhân của mình, không hiểu sao đối tượng lạ có số điện thoại và biết rõ cô là tân sinh viên?
Tương tự, H.Y (20 tuổi, quê Long An), sinh viên ngành du lịch, có ngoại hình tương đối đẹp nên vừa lên tới thành phố đã có nhiều chàng trai để ý. Ngày cuối tuần, Y. hay đi công viên hoặc tham gia các hội thảo về du lịch để học hỏi thực tế. Trong những lần đi như thế, Y. cũng hay tương tác và cho số điện thoại của mình với bạn cùng ngành. Công việc cũng chỉ ở mức đó nhưng Y. đã liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn của người lạ muốn làm quen, rủ đi chơi. Y. từ chối dứt khoát là “không quen biết” và nhanh chóng tắt điện thoại. Người này không buông tha, tiếp tục nhắn tin cho Y. với lời mời gọi rất hấp dẫn kiểu như: “Em rất năng động nên tích cực ra ngoài gặp gỡ mọi người để có thêm kinh nghiệm, anh sẽ là người hỗ trợ em...”.
Tin nhắn gạ gẫm làm “em gái nuôi” của người lạ.
Y. tò mò suy nghĩ “hay là cứ đi gặp thử xem sao”. Vậy là cô đồng ý hẹn gặp tại một quán cà phê sang trọng ngay trung tâm Q.1, TP Hồ Chí Minh. Trong buổi gặp, Y. bất ngờ vì người nhắn tin cho mình là người đàn ông đã trên 50 tuổi, lớn hơn tuổi ba mẹ của cô. Trong suốt buổi gặp gỡ, ông ta không đả động gì đến việc làm ăn hoặc truyền đạt kinh nghiệm gì cho Y. cả, chỉ chú tâm nói những chuyện yêu đương, gợi tình một cách thô thiển. Ông ta không ngừng khoe về bản thân, là chủ doanh nghiệp, đi nước ngoài như đi chợ, chi nhánh công ty ở hơn chục quốc gia trên thế giới. Nói chung là tiền không thiếu và đang cô đơn, cần tìm người chia sẻ nên khi thấy Y. là cô gái trẻ trung, trong sáng và rất hiện đại thì muốn Y. trở thành “em gái nuôi”.
Nghe đến đây, Y. mường tượng ra ngay ý đồ của ông ta, cô khéo léo từ chối để nhanh chóng rút lui. Nhằm “chốt hạ” đứa “em nuôi” này, gã đàn ông ra điều kiện luôn: “Nếu em muốn làm việc thì anh dành cho em một vị trí tại công ty để học hỏi, còn không thì chỉ việc tập trung đi học thôi. Khi nào anh buồn thì tới “chia sẻ” với anh, mỗi tháng anh gửi 10 triệu em tiêu vặt, tiền nhà trọ anh lo hết”.
Một cô gái bước ra từ đồng quê sông nước, Y. chưa từng va chạm xã hội, chưa từng đối diện với sự việc như thế này trong đời, cô thật sự bối rối và bất ngờ trước lời đề nghị của người đàn ông bằng tuổi cha chú mình. “Trước giờ em chỉ đọc qua sách báo về hiện tượng “sugar daddy và sugar baby”, không ngờ có một ngày em là nạn nhân. Lúc đó em rất sợ nhưng cố gắng trấn an bản thân để không bộc lộ yếu điểm, em nói ông ấy cho thời gian để về suy nghĩ thêm rồi sẽ trả lời. Khi vừa ra khỏi quán cà phê, em vội vàng chặn số điện thoại của ông ấy. Những ngày sau em vẫn nhận được các cuộc gọi lạ nhưng tuyệt đối không nghe nữa”, H.Y kể.
H.Y là một trong các sinh viên bị người lạ nhắn tin “mồi chài” làm “em gái nuôi.
Cảnh giác “miếng bánh có độc”
Hầu hết các nữ sinh viên mà chúng tôi gặp đều cho biết khi bị từ chối lần đầu, các lần sau kẻ lạ liền nâng mức "chu cấp" lên để mời gọi “sugar baby”. Có người còn đặt vấn đề "yêu nhau nghiêm túc". Không phải sinh viên nào cũng tỉnh táo vượt qua cám dỗ và biết cách tránh xa cạm bẫy. Thực tế, có rất nhiều cô gái mới lớn, mơ mộng đổi đời chốn đô thành xa hoa để chấp nhận làm “em gái nuôi”, đánh đổi nhân phẩm, đạo đức và thân xác. Nhiều người trở thành nạn nhân của hiện tượng “sugar daddy và sugar baby”, sống khổ đau trong bóng tối và sự ê hề của trò đời.
Từng vướng vào “sugar baby”, N.T. L (25 tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) tự biến mình thành “con mồi” một thời gian của gã đàn ông 48 tuổi tên Đ., giám đốc một công ty kinh doanh dược phẩm. Ngày ấy, L. là cô sinh viên nhà nghèo, còn non dại. Bước chân ra xã hội, L. khao khát đổi đời, cô đã được chào đón ngay. Đ. lúc này đang có vợ và hai con đủ trai và gái, có nhà, xe và kinh tế ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Không ngần ngại, vòng vo, Đ. nói mình làm kinh doanh thương mại nay đây mai đó nên muốn có một “em bé đường” để tìm kiếm vị ngọt tình yêu mà không ràng buộc.
Ông ta đã mở màn bằng lời hứa hẹn thẳng thắn “anh có thể chu cấp cho em 10 triệu mỗi tháng, có thể hơn nếu em “phục vụ nhiệt tình”. L. bị choáng ngợp bởi khoản tiền quá lớn với một sinh viên nghèo, cô đã không chống lại được sức hút mãnh liệt của vật chất, đồng ý làm “viên kẹo ngọt” của ông chú, bằng tuổi mẹ của mình.
2 năm “làm em gái nuôi”, L. sống thoải mái với khoản lương cố định cùng những món quà trang sức giá trị. Những tưởng mối tình đánh đổi này sẽ mãi trong bóng tối và bị chôn vùi sâu vào quá khứ khi L. tốt nghiệp ra trường và kết thúc nhiệm vụ “em nuôi” với ông chú. L. không thể ngờ, “cha nuôi” của cô là một gã cao tay, đã lận lưng sẵn vài clip “đen” của cô để khống chế. Ngày L. nói lời chia tay, cũng là lúc cô nhận được “món quà” cay đắng, nhục nhã của đời mình. L. sợ hãi, van xin “tình già” tha cho, hứa sẽ phục tùng thêm chút thời gian nữa. Từ lần đó, hễ L. không ngoan là gã lại dọa tung clip khiến cho cô đêm ngày bất an, lo lắng. L. buộc phải viết đơn cầu cứu để giải thoát mình.
Sinh viên cần việc làm nên tìm tới Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh để được tư vấn, giúp đỡ công việc an toàn, uy tín.
“Hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình gặp biến cố sẽ tạo nên tâm lý không vững cho nhiều bạn trẻ là sinh viên, họ dễ sa ngã trước sức cám dỗ từ những tin nhắn mồi chài của kẻ xấu. Vì kẻ xấu luôn đưa ra mức "chu cấp" tiền bạc "quá hấp dẫn". Cái gì cũng có giá của nó, em đã phải trả cái giá đắt cho việc làm của mình. Em mong các bạn sinh viên hoặc những cô gái mới lớn hãy tỉnh táo và sáng suốt, đừng đánh đổi phẩm giá với bất cứ điều gì”, L. đưa ra lời khuyên.
Trước tình trạng nhiều sinh viên bị gạ tình, quấn rối, mồi chài làm “sugar baby”, Đại diện Trung tâm quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khuyến cáo sinh viên nội trú cần tìm hiểu và cập nhật đầy đủ thông tin từ các kênh chính thức của trung tâm. Hạn chế cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh được độ tin cậy. Trường hợp nhận phải các tin nhắn quấy rối, gạ gẫm, sinh viên cần liên hệ, phản ảnh cho ký túc xá thông qua ban quản lý của cụm nhà đang ở hoặc kênh truyền thông của trung tâm để được tiếp nhận, hỗ trợ. Sinh viên nên chọn và sử dụng các dịch vụ bên trong ký túc xá để đảm bảo an toàn và đầy đủ thông tin.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), môi trường không gian mạng phức tạp, khó kiểm soát nên khi các nữ sinh nhận những tin nhắn gạ gẫm mua bán tình dục, cần lập tức cắt đứt liên lạc để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như tránh trường hợp nhẹ dạ rơi vào bẫy của người nhắn. Trường hợp nhận tiền và thực hiện hành vi mua bán tình dục thì cả nữ sinh và người gạ gẫm đều vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính. Với các nữ sinh, hệ lụy còn rắc rối hơn khi cơ quan chức năng có thể liên hệ nhà trường để thông báo vụ việc.
Trong một lần trả lời câu hỏi của công dân về hiện tượng "sugar baby - sugar daddy", Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, hoạt động mại dâm biến tướng dưới dạng “sugar baby - sugar daddy” thông qua diễn đàn mạng xã hội tác động tiêu cực tới văn hóa, xã hội dưới mặt trái của cơ chế thị trường; gây dư luận xấu cho xã hội, tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Trung tướng Tô Ân Xô cảnh báo, với người tham gia, sử dụng dịch vụ “sugar baby - sugar daddy” có nguy cơ rất cao trở thành những nạn nhân của các hoạt động phạm tội, tạo cơ hội cho những kẻ xấu xâm hại như: Đe dọa, tống tiền khi bị ghi âm, ghi hình và những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình. Những hội, nhóm trên mạng xã hội luôn được coi là mảnh đất béo bở để đối tượng lừa đảo nhắm tới, bởi vậy người dùng cần hết sức tỉnh táo khi truy cập những trang mạng này.
Ngoài ra, những “sugar baby - sugar daddy” có thể trở thành nạn nhân của hành vi cướp, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, đe dọa đến tính mạng, tinh thần và cả thể xác, các sugar baby, daddy còn là người dễ tiếp cận để những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an khẳng định, những người thành lập nhóm Sugar baby - Sugar daddy trên các trang mạng xã hội với mục đích môi giới mại dâm, hoạt động dưới hình thức “Bố nuôi, Mẹ...