Có nên bỏ tử hình với tội cướp tài sản?

Theo đề xuất của Chính phủ khi xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ bỏ 7 tội danh có hình phạt tử hình, trong số này có tội cướp tài sản. Với diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, việc bỏ hình phạt tử hình liệu có hợp lý?

Cướp giật ngày càng táo tợn

Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ cướp hết sức táo tợn khiến dư luận xã hội hoang mang. Đối tượng gây án ngay giữa ban ngày, giữa chốn đông người. Các đối tượng thường trang bị dao kiếm, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, roi điện, súng... sẵn sàng ra tay một cách tàn bạo rồi mới lấy tài sản của nạn nhân. Nhiều bị hại ngoài việc bị mất tài sản còn bị thương tật suốt đời.

Nói đến mức độ tàn ác phải kể đến vụ Hồ Duy Trúc, đối tượng đã chém lìa tay cô gái để cướp xe Honda SH trên cầu Phú Mỹ, TP.HCM xảy ra vào cuối năm 2012, gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài.

Có nên bỏ tử hình với tội cướp tài sản? - 1

Bị cáo Hồ Duy Trúc bị áp dụng án tử hình về tội cướp tài sản. Ảnh: I.T

Hay mới nhất, một vụ cướp táo tợn mới xảy ra tại cửa hàng sữa số 13, đường Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM.

Thời điểm đối tượng gây án là khoảng 20 giờ ngày 9.3.2015. Trong lúc chị Trịnh Thị Thơm - nhân viên cửa hàng sữa - đang kiểm tra lại tiền bán hàng trong ngày để chuẩn bị ra về thì có một thanh niên bước vào. Chị Thơm cất vội số tiền để chào khách. Đối tượng bất ngờ lại gần và đẩy chị Thơm xuống sàn nhà, dùng băng keo trói và bịt miệng chị lại.

Lục tung cửa hàng, đối tượng chỉ lấy được hơn 2 triệu đồng. Nghi ngờ chị Thơm giấu tiền, đối tượng này đã dùng dao đâm nhiều nhát vào vùng cổ chị. Thấy nạn nhân bất động, tên cướp chạy ra khỏi cửa hàng tẩu thoát.

Chị Thơm được đưa đi cấp cứu trong tình trạng mất máu do 9 vết thương gây ra. Rất may là sau khi phẫu thuật, chị đã qua cơn nguy kịch.

Bỏ án tử hình là chưa hợp lý

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), với tình hình tội phạm cướp giật tài sản ngày càng gia tăng, cùng với đó là mức độ ngày càng táo tợn, nguy hiểm thì việc đề xuất bỏ án tử hình với tội danh này là chưa hợp lý.

"Dù ít áp dụng những vẫn cần quy định để có thể áp dụng. Ví dụ đối tượng cướp chém 3 người bị thương tích tỷ lệ lên đến 70 -80% rồi cướp đi tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Dù bị hại không chết nhưng rõ ràng hậu quả để lại còn nặng nề hơn cả vụ giết người, vậy mà thủ phạm chỉ bị truy tố theo khung hình phạt cao nhất (sửa luật) là chung thân thì liệu có hợp lý?" - LS Tiến đặt dấu hỏi.

Ở góc nhìn khác, LS Ngô Ngọc Thủy - nguyên Trưởng khoa Luật hình sự (Trường ĐH Luật Hà Nội) lập luận: Khi xây dựng luật hình sự, việc loại bỏ một số tội danh có hình phạt tử hình là nỗ lực hòa nhập vào xu thế chung của thế giới.

"Không phải cứ đề ra hình phạt nghiêm khắc là đủ sức răn đe, phòng ngừa được tội phạm. Vấn đề là cần phải có cả những giải pháp mang tính xã hội và tất cả được tiến hành một cách đồng bộ" - LS Thủy bày tỏ.

Còn LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đề xuất, nên bỏ hình phạt tử hình với tội cướp tài sản, chuyển sang hình phạt cao nhất là chung thân. Nhưng để đảm bảo tính răn đe trong mức tù chung thân nên phân ra 2 loại là trường hợp phạm tội nào thì chung thân vĩnh viễn, trường hợp nào chung thân có giảm án.

Khoản 4 Điều 133 tội cướp tài sản của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN