Cô gái sống trong chiếc hộp (Kỳ 7)
Sau hơn 3 năm bị giam giữ, Colleen được kẻ bắt cóc đưa về thăm gia đình mình.
Những ngày sau đó, Cameron đưa Colleen tới Reno và những thị trấn lan cận để bắt cô ra đường đi xin tiền. Điều này là vô nhân đạo nhưng Colleen không còn sự lựa chọn nào khác. Rút kinh nghiệm sau nhiều lần chịu đòn đau, Colleen không mở miệng xin sự giúp đỡ hay từ chối.
Những lần bị bắt ra đường đi xin, Colleen không hề có ý định bỏ trốn. Cô bằng lòng với sự thỏa mãn của Cameron mỗi khi nhận tiền của mình. Điều này khiến cảnh sát sau này đặt vấn đề có thể Colleen mắc hội chứng hội chứng Stockholm.
Hội chứng Stockholm là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình vì họ cam chịu thay vì kháng cự. Lâu ngày sống trong tình trạng cam chịu, nạn nhân dần tỏ ra tuân phục và cảm động trước sự chăm sóc của kẻ bắt cóc mà quên đi việc làm sai trái của họ trước đó. Theo phân tâm học, giống như những đứa trẻ nhỏ phải lệ thuộc vào người mẹ nuôi, cho bú, bế ẵm thì các nạn nhân bị bắt cóc phải thuần phục hoàn toàn tên cướp về mọi phương diện khiến theo thời gian thì trở nên gắn bó. |
Một tháng sau, Janice tìm được công việc mới và Colleen được giao nhiệm vụ ở nhà chăm sóc em bé mới sinh. Một lần nữa, Colleen bỏ qua cơ hội để được tự do. Cô không làm bất cứ điều gì để trốn thoát. Ban đêm, Colleen thường bị xích vào toilet và ngủ trên sàn phía sau phòng ngủ. Dù hơi lạnh nhưng điều này còn tốt hơn nhiều so với ngủ trong chiếc hộp dưới gầm giường.
Janice mang việc về nhà và nhờ Colleen làm giúp mình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng hai người phụ nữ này có tranh cái bởi Janice ghen tị với sự quan tâm quá mức của Cameron dành cho người trẻ hơn mình. Janice muốn chồng thả tự do cho Colleen. Điều này khiến kẻ bệnh hoạn cảm thấy điên tiết.
Để giải quyết vấn đề, Cameron bắt Janice bỏ việc để ở nhà chăm sóc các con còn Colleen trở về với cuộc đời của mình trong chiếc hộp dưới gầm giường. Hắn thuyết phục cô gái rằng mình đã phải bỏ ra 30.000 đô la để “công ty nô lệ” bảo vệ cô. Đó là một khoản tiền lớn và Colleen nên tỏ ra biết ơn. Hắn nhắc lại với Colleen rằng công ty này đã cài rệp theo dõi vào tất cả ô tô, nhà cửa, điện thoại của các thành viên trong gia đình cô. Nếu cô liên lạc với họ, lập tức sẽ bị trừng phạt.
Một ngày, Cameron muốn thử xem liệu Colleen đã hoàn toàn thuần phục bằng việc bắt cô cầm súng tự dí vào cổ họng mình. Dù không biết súng đã lên nòng hay chưa, Colleen vẫn nghe lời Cameron và bóp cò. Tiếng click khô khan của kim loại vang lên khiến cô gái dù thoát chết vẫn thấy kinh hoàng và sợ một ngày mình sẽ bị giết. Cameron còn bắt Colleen sang hàng xóm từ biệt mọi người để họ nghĩ rằng cô sẽ đi California.
Sau vụ này, Cameron hoàn toàn yên tâm về người nô lệ của mình. Để thưởng cho sự nghe lời của cô gái, Cameron cho phép Colleen viết 3 bức thư về gia đình để họ biết rằng người thân của họ vẫn còn sống. Dĩ nhiên, Cameron kiểm tra nội dung bức thư trước khi gửi đi. Thậm chí, kẻ bắt cóc này còn cho Colleen gọi điện về nhà để hẹn một chuyến về thăm. Cameron nói rằng rất ít khi “công ty nô lệ” cho phép điều này và họ sẽ kiểm soát cô rất chặt chẽ.
Ảnh Colleen và Cameron chụp cùng nhau khi cô gái được về thăm nhà.
Colleen bị giam trong hộp gần 1 tuần trước khi được ho phép về nhà. Trước khi đi, Cameron cảnh báo “công ty nô lệ” sẽ cho Colleen một tham gia một bài thử nghiệm, đồng thời còn dọa cô bằng những hình ảnh trừng phạt các nô lệ bỏ chạy thời xưa. Cuối cùng, hắn nói, công ty quyết định thử nghiệm Colleen, nếu cô nói bất kỳ điều gì với ai về hoàn cảnh thực của mình, họ sẽ lao tới bắt cô ngay.
Ngày 20/3/1981, sau 3,5 năm Colleen bị bắt cóc, Cameron cho cô gái trở về thăm bố mẹ và chị em trong gia đình.
Cha cô gái, hoàn toàn kinh ngạc khi nhìn thấy con và “người bạn trai” xuất hiện. Mặc cho “người bạn trai” đang cố gắng tự giới thiệu, ông chỉ chú ý tới vẻ bề ngoài gầy gò và hốc hác của con. Sợ con thấy phiền vì bị chất vất đã đi đâu trong quãng thời gian dài như thế, gia đình Colleen không dám hỏi han mà vội vã làm cơm. Colleen tuy mù mờ không biết đây là “cuộc thử nghiệm” của “công ty nô lệ” hay sự thật nhưng vẫn vô cùng sung sướng khi gặp lại tất cả mọi người. Cô không biết mình sẽ ở lại được bao lâu trong khi hi vọng sẽ được bên gia đình cả một tuần. Vì thế, Colleen muốn mỗi giây phút trôi qua là một giây phút cực kỳ ý nghĩa.
Jenise, em gái Colleen nhớ lại: “Chị ấy không nói cho chúng tôi biết chị đã ở đâu, hay sẽ đi đâu. Cả nhà chúng tôi sợ làm chị buồn. Chúng tôi lo sợ sẽ mất chị một lần nữa”.
Liệu gia đình Colleen có biết sự thật và giải cứu cô gái tội nghiệp đang bị chi phối bởi kẻ bắt cóc? Mời các bạn đón đọc Cô gái sống trong chiếc hộp (Kỳ 8) vào SÁNG SỚM ngày 12/8/2013.