Cô gái 9x trượt dài vì đam mê kinh doanh hàng hiệu

Sự kiện: Tin pháp luật

Do đam mê kinh doanh hàng hiệu online nhưng không đủ tiền, nên Lê Thị Hồng Phương (SN 1992, trú tại Tp Huế) đã mời vợ chồng anh T.L  và chị T.T cùng góp vốn làm ăn. Do không tính toán kỹ lưỡng dẫn đến việc làm ăn bị thua lỗ kéo dài.

Để tiếp tục duy trì dòng tiền, Phương đã nẢY sinh ý định TẠO ra 1.400 đơn hàng hiệu “khống” để vợ chồng anh T.L tin tưởng góp vốn 15 tỷ đồng. Điều oái OĂM ở đây là, để có số tiền 15 tỷ đồng, vợ chồng anh T.L đã phải huy động từ nhiều người thân, bạn bè…

Hợp tác kinh doanh hàng hiệu online

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, sau khi ra trường, Phương làm nghề kinh doanh tự do. Trong thời gian này, Phương cũng tìm hiểu nhiều ngành nghề để kinh doanh nhưng chưa “bén duyên”.

Cơ quan Công an đọc lệnh bắt tạm giam Lê Thị Hồng Phương

Cơ quan Công an đọc lệnh bắt tạm giam Lê Thị Hồng Phương

Đến đầu năm 2020, qua nắm bắt thị trường, Phương thấy nhu cầu người dân, nhất là các cô gái trẻ thường hay “săn” hàng hiệu nên Phương quyết định mua các mặt hàng trên mạng Internet như: mỹ phẩm, túi xách, nước hoa, đồng hồ... của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như: Hermes, Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Versace… để bán lại kiếm lời.

Thời gian đầu, việc kinh doanh của Phương khá thuận lợi. Do ít vốn nên thường Phương chỉ rao trên mạng, đến khi có khách hàng chốt thì Phương mới bắt đầu đặt mua hàng về bán cho khách để lấy lãi. Tùy theo từng mặt hàng mà Phương thu lãi từ vài ba trăm nghìn đồng đến tiền triệu/mặt hàng. Số tiền lãi thu được hàng tháng không phải là quá nhiều nhưng với cô gái độc thân như Phương thì cũng đủ để trang trải với một công việc an nhàn.

Thế nhưng, chỉ sau vài ba tháng “vào nghề”, Phương quyết định “săn” cùng lúc nhiều hàng hiệu về để dự trữ, rồi đăng lên các trang mạng xã hội bán. Tuy nhiên, với nhiều hàng hiệu chính hãng, có mặt hàng lên đến cả hơn ngàn đô la nên Phương không có đủ tài chính. Lúc này, Phương đã mời vợ chồng anh T.L và T. T (đều SN 1992, trú TP Huế, Thừa Thiên Huế) cùng góp vốn đầu tư theo cách thức: mỗi lần chốt được đơn hàng, Phương sẽ gửi thông tin đơn hàng (ngày chốt đơn, ngày về đơn, tiền lãi tùy theo sản phẩm) cho vợ chồng anh T.L. Vốn là chỗ bạn bè, thấy Phương đưa ra kế hoạch làm ăn rõ ràng, đồng thời thấy chỉ trong thời gian rất ngắn, Phương mua được chung cư xịn, cuộc sống thoải mái nên nghĩ rằng việc kinh doanh có tiềm năng nên quyết định “hợp tác” làm ăn cùng Phương.

Thời gian đầu, mỗi khi Phương chuyển các đơn hàng mà khách hàng đặt cho vợ chồng anh T.L thì vợ chồng anh lựa chọn đơn để đầu tư. Ví dụ, khách đặt 1 đồng hồ hàng hiệu có giá 6 triệu đồng (lãi 1,5 triệu đồng) hay 1 lọ nước hoa có giá 3,5 triệu đồng (lãi 1 triệu đồng) hoặc túi xách có giá 5 triệu (lãi 2 triệu đồng)… khi Phương gửi qua thì vợ chồng anh T.L bàn bạc, quyết định chọn đơn hàng rồi sau đó chuyển tiền góp vốn mua hàng vào tài khoản của Phương. Khi hàng về, Phương chuyển tiền góp vốn cùng tiền lãi cho vợ chồng anh T.L. Lãi suất của các mặt hàng dao động từ 10 - 50%/ mặt hàng. Trong những tháng đầu, Phương luôn rõ ràng, minh bạch trong chuyện hợp tác kinh doanh khiến vợ chồng anh T.L luôn đặt niềm tin vào Phương.

Cơ quan điều tra thu giữ nhiều mặt hàng có giá trị cao tại căn hộ mà Phương sinh sống trước thời điểm bị bắt giữ

Cơ quan điều tra thu giữ nhiều mặt hàng có giá trị cao tại căn hộ mà Phương sinh sống trước thời điểm bị bắt giữ

Tạo 1.400 đơn hàng “khống”, chiếm đoạt 15 tỷ đồng

Chỉ sau khoảng 1 năm khởi nghiệp bằng nghề bán hàng hiệu online, do không tính toán kỹ lưỡng trong chuyện làm ăn, cụ thể Phương đã “ôm” nhiều mặt hàng nhưng không có người mua dẫn đến tồn hàng, đọng tiền, làm ăn thua lỗ kéo dài. Để có tiền cầm cự, Phương phải vay mượn thêm bên ngoài để trang trải cho cuộc sống cá nhân dẫn đến nợ chồng nợ. Để tiếp tục duy trì dòng tiền đầu tư, Phương đã tạo ra “vỏ bọc” và “nổ” với vợ chồng anh T.L là hàng bán rất chạy nên cần nhiều vốn để đặt hàng. Phương đã tạo ra nhiều đơn hàng khống với lãi suất cao (có đơn hàng lợi nhuận lên đến 100%) để gửi đến vợ chồng anh T.L. Quá trình điều tra, Công an xác định, trung bình, mỗi ngày, Phương soạn thông tin “khống” từ 8, 10 đơn hàng để gửi cho vợ chồng anh T.L. Để tạo sự tin tưởng cho vợ chồng anh T.L trong việc chốt đơn, Phương còn gửi thêm nhiều hình ảnh liên quan đến các sản phẩm cần nhập về bán nhằm mục đích tiếp tục kêu gọi huy động thêm tiền. Thấy đơn hàng của Phương gửi ngày càng tăng, lợi nhuận thu về từ việc góp vốn kinh doanh cao nên vợ chồng anh T.L nghĩ rằng, việc kinh doanh của Phương đang thuận buồm xuôi gió. Nếu cứ đà này thì chắc chắn Phương và vợ chồng anh T.L sẽ nhanh chóng giàu có.

Cơ quan Công an làm việc với Phương trước thời điểm bắt giữ

Cơ quan Công an làm việc với Phương trước thời điểm bắt giữ

Thế nhưng, do không có đủ tiền để chốt đơn hàng mà Phương gửi qua nên vợ chồng anh T.L và chị T.T đã mời thêm bạn bè và người quen cùng tham gia góp vốn cho họ để họ chuyển lại cho Phương. Hai vợ chồng anh T.L đã sao chép các đơn hàng do Lê Thị Hồng Phương gửi qua, rồi điều chỉnh % lợi nhuận lãi xuống thấp hơn từ 5% đến 50% so với lợi nhuận Phương đưa ra và chuyển để mọi người chọn đơn, rồi chuyển tiền cho vợ chồng anh T.L. Tiếp đó, vợ chồng anh T.L chuyển tiền lại cho Phương. Số tiền này Phương dùng để trả lãi cho các đơn hàng trước.

Đến cuối năm 2021, vợ chồng anh T.L không thấy Phương chuyển tiền gốc và lãi của cả ngàn đơn hàng mà họ đã chốt trước đó. Trong khi đó, những người thân, bạn bè của vợ chồng T.L thì gọi hối thúc vợ chồng này phải chuyển lại tiền gốc và lãi mà họ đã chuyển để chốt đơn. Vợ chồng anh T.L thấy sự việc bất thường nên đã nhiều lần liên lạc với Phương thì Phương đưa ra một số lý do là do nguồn hàng khan hiếm, về chậm nên chưa có để giao cho khách. Lúc đầu, vợ chồng anh T.L tin tưởng là thật và ngày qua ngày, cứ tiếp tục trông chờ vào số tiền lớn đã chuyển cho Phương. Nhưng sau đó, chờ hoài mà vẫn không thấy Phương chuyển lại tiền để chuyển cho người thân, bạn bè nên vợ chồng anh T.L đã đi sâu tìm hiểu.

Quá trình tìm hiểu, vợ chồng anh T.L mới biết được việc kinh doanh của Phương đã gặp khó khăn trong nhiều tháng. Thế nhưng, do ngày nào Phương cũng gửi từ 8  10 đơn khách đặt hàng qua cho vợ chồng anh T.L chọn lựa để chốt đơn nên họ cứ nghĩ Phương làm ăn hiệu quả. Đến ngày 12/4/2022, Phương nói với vợ chồng anh T.L và chị T.T là đã mất khả năng thanh toán. Nghe tin này, vợ chồng anh T.L như sét đánh ngang tai khi mà bao nhiêu vốn liếng của họ và cả những người thân, bạn bè đã đưa cho cặp vợ chồng này đều đưa cho Phương để kinh doanh làm ăn. Từ thông tin tố giác của người bị hại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều tra, xác định hành vi của Lê Thị Hồng Phương có dấu hiệu phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau một thời gian điều tra, xác minh; đầu năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Thị Hồng Phương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua khám xét nơi ở của Phương tại chung cư Nera Garden tại đường Tố Hữu, TP Huế; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu giữ nhiều mặt hàng có giá trị cao như: nước hoa, va li, túi xách, đồng hồ… và nhiều sổ sách liên quan đến hoạt động kinh doanh online.

Tại cơ quan Công an, Lê Thị Hồng Phương đã khai nhận, do kinh doanh thua lỗ kéo dài, đối tượng tự tạo nhiều đơn hàng “khống” với lãi suất cao để nhiều người tham gia. Phương đã tạo “khống” gần 1.400 đơn hàng với giá trị là hơn 15 tỷ đồng để gửi cho vợ chồng T.L. Sau đó, vợ chồng T.L gửi cho người thân, bạn bè cùng tham gia chốt đơn, rồi chuyển tiền cho vợ chồng T.L để vợ chồng này chuyển lại cho Phương. Toàn bộ số tiền góp vốn này được Phương sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho nhiều đơn hàng “khống”. Điều đáng nói, trong đó có rất nhiều đơn hàng, Phương đã chấp nhận chi lãi suất “mạnh tay” từ 50 - 100% nhằm mục đích kêu gọi nhiều người chốt đơn. Theo VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau gần 3 tháng tạm giam, đến nay, cơ quan điều tra xác định, số tiền đối tượng Lê Thị Hồng Phương lừa đảo của vợ chồng anh T.L khoảng hơn 15 tỷ đồng. Số tiền này một phần là của vợ chồng anh T.L và của những người thân, bạn bè góp vốn cho anh T.L để chuyển cho Phương nhằm chốt đơn hàng. Hiện, cơ quan Công an đang tập trung điều tra làm rõ, số tiền của từng bị hại đã góp vốn kinh doanh, chuyển cho vợ chồng anh T.L. là bao nhiêu.

Sự hối hận muộn màng

Tính đến nay, Phương đã bị tạm giam gần 3 tháng tại Trại giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm phục vụ công tác điều tra. Những ngày đầu vào trại giam, Phương luôn bất ổn vì “sốc”. Mà “sốc” cũng là điều dễ hiểu, bởi từ nhỏ, Phương luôn sống trong vòng tay của gia đình, được gia đình cho ăn học đến nơi đến chốn. Chỉ sau thời gian ngắn ra trường, dù chưa lập gia đình nhưng Phương đã “tậu” được căn hộ chung cư hạng sang, cuộc sống đầy đủ, tự do thoải mái… Sau một thời gian ngắn vào trại, Phương đã được cán bộ quản giáo động viên, sẻ chia, cảm hóa nên Phương đã dần thức tỉnh, chấp hành tốt các quy định trong thời gian tạm giam.

Phương sinh ra trong gia đình có 2 chị em, là con đầu. Mẹ Phương là cán bộ hưu trí. Dù đồng lương ít ỏi, cuộc sống bình thường nhưng bố mẹ Phương vẫn chắt chiu để nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Nào ngờ, một ngày người mẹ đã qua tuổi lục tuần bủn rủn tay chân khi nghe tin cô con gái mà họ đặt bao niềm tin đã bị Công an bắt giữ. Điều khiến người mẹ càng suy sụp hơn khi con mình lại vướng vòng lao lý về tội lừa đảo tiền của người khác với số tiền lớn lên đến 15 tỷ đồng. Tìm hiểu từ một số người hàng xóm nơi mẹ Phương đang sinh sống thì họ cho biết, gần 3 tháng qua từ khi Phương bị Công an bắt giam, mẹ của Phương ngày càng tiều tụy, sống khép kín hơn trước.

Theo cán bộ điều tra, gần 3 tháng nay, mỗi lần vào Trại giam để làm việc thì Lê Thị Hồng Phương luôn tỏ ra hối hận và luôn phối hợp với cơ quan điều tra. Chính Phương cũng không ngờ cô lại quá liều lĩnh, gan dạ và trượt dài trong tội lỗi khi đẩy “đối tác” góp vốn làm ăn cũng là bạn bè của mình lâm vào cảnh điêu đứng, nợ nần. Tuy nhiên, sự hối hận của Phương lúc này đã quá muộn màng. Do quá tham lam nên Phương đã đẩy mình vào tù tội khi còn quá trẻ.

Không những vậy, Phương còn để lại cho người thân nỗi đau không vơi. Rồi Phương đã khiến nhiều người thân, bạn bè rơi vào cảnh khốn cùng khi họ đặt niềm tin góp vốn cho Phương kinh doanh… Bài học của Phương cũng chính là lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ cần thận trọng, tính toán kỹ càng khi bước vào cuộc chơi kinh doanh online.

Bắt 'hotgirl' bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 29-3, Công an thị xã Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) cho biết vừa bắt Nguyễn Thị Kim Huê (SN 1998, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), là đối tượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Lan ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN