Chuyện xử lý “kẻ lừa đảo online” ở Bắc Kạn

Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, và có chiều hướng gia tăng vào thời điểm cuối năm. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo người dân về hoạt động của tội phạm này trên địa bàn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 8 vụ sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh đã khởi tố 3 vụ, 3 bị can.

Điển hình tháng 5/2022, chị H trú tại TP Bắc Kạn nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là cán bộ làm việc tại Bộ Công an, qua điện thoại người này nói chị H đang có liên quan đến 1 vụ án lừa đảo và yêu cầu chị H rút toàn bộ số tiền hiện có trong tài khoản, tổng số tiền 1.688.000.000 đồng tại Ngân hàng Agribank. Sau đó, yêu cầu chị H mở tài khoản mới tại Ngân hàng Liên Việt PostBank, chị đã chuyển hết tiền theo sự hướng dẫn của người tự xưng là cán bộ Bộ Công an.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối tượng yêu cầu chị cung cấp các mã OTP do ngân hàng gửi đến qua tin nhắn SMS. Sau đó, kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng thì chị H phát hiện số tiền 1.688.000.000 đồng trong tài khoản đã bị rút hết, lúc đó, chị mới biết mình bị lừa.

Thủ đoạn khác là các đối tượng giả tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ để lừa đảo. Nạn nhân là chị T trú tại tỉnh Bắc Kạn, nhận được tin nhắn từ Facebook “Ngọc Ngọc” mời chào làm kế toán ngoài giờ hành chính với công việc là nhập thông tin mã thuốc, thống kê báo cáo… tiền công là 200.000đ đến 500.000đ/ngày. Chị tin tưởng làm theo hướng dẫn và tải 1 ứng dụng trên điện thoại có tên “pharmacity”; trong ứng dụng này, chị được các tài khoản “Điều Phối Viên_Pharma”, “CHUYÊN GIA MR.TUẤN” và “NHÓM QUẢN TRỊ ĐƠN HÀNG” hướng dẫn thực hiện “nhiệm vụ” bằng cách chuyển tiền, nhập số liệu để hoàn thành đơn hàng và phát sinh lợi nhuận.

Ban đầu, chị T chuyển số tiền 160.000đ thì nhận được 250.000đ, chuyển 2.000.000đ và nhận được 2.700.000đ. Sau đó, chị T chuyển 30.000.000đ thì nhận được 45.000.000đ. Thấy lời lãi quá lớn, trong một buổi chiều, chị T lần lượt thực hiện 4 lần chuyển tiền cho đối tượng với tổng cộng là 1 tỷ đồng. Ngay sau đó, các đối tượng chiếm đoạt số tiền 1 tỷ đồng và nhắn cho chị nội dung “quá hạn xử lý đơn hàng, cần phải chuyển tiền thêm vào hệ thống để làm mới đơn”….

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, lực lượng Công an tỉnh Bắc Kạn đã tập trung điều tra, làm rõ nhiều vụ án lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân cư trú trên địa bàn. Công an tỉnh Bắc Kạn đã thông tin đến người dân về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng trong thời gian qua; giới thiệu về Sổ tay phòng, chống tội phạm trên không gian mạng và Bản cam kết chấp hành luật An ninh mạng…

Ông Phạm Văn Tý, tổ 11 thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Tâm nói riêng, huyện Chợ Mới nói chung, cũng đã xảy ra vụ việc lừa đảo trên không gian mạng, cũng ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn. Vì vậy, những buổi tuyên truyền tại cơ sở, đã nhân rộng và tuyên tuyền đến tất cả bà con biết được thủ đoạn của các đối tượng, cũng như để bà con nắm được về Luật an ninh mạng, để bà con biết phòng tránh.

Cùng với hoạt động tuyên truyền tại các điểm cố định, Công an các xã, phường, thị trấn đã soạn thảo nội dung, tờ rơi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao để phát tận tay người dân. Cùng với các nội dung cụ thể nêu rõ thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm, Công an các cấp cũng thông báo công khai số điện thoại liên hệ của cơ quan Công an để người dân kịp thời thông báo khi nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Hoàng Đình Dậu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo: “Tội phạm sử dụng triệt để không gian mạng, để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, điển hình như: Các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, cách thức, cũng như kịch bản kỹ lưỡng và công phu, tập trung không chỉ ở vùng đồng bào thiểu số mà tập trung cả công chức, viên chức và cán bộ. Chúng tôi chủ động lấy công tác phòng ngừa là chính, cùng với công tác tuyên truyền, cũng như bổ sung các kiến thức về tội phạm sử dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật trên không gian mạng”.

Cùng với công tác đấu tranh của lực lượng Công an, công tác tuyên truyền của các cấp và chính quyền địa phương thì sự cảnh giác và nêu cao tinh thần tố giác của quần chúng nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa loại tội phạm này.

Nguồn: [Link nguồn]

Công an Tam Kỳ thông báo tìm bị hại của cô gái 26 tuổi lừa đảo

Sau khi thuê người làm sổ đỏ và giấy tờ giả, cô gái 26 tuổi ở tỉnh Quảng Nam lừa vay hàng trăm triệu đồng rồi chiếm đoạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN