Chuyện về thượng tá thương binh có “duyên” bắt truy nã

Sự kiện: Tin pháp luật

20 năm làm cảnh sát hình sự, gần 10 năm chuyên làm công tác truy bắt tội phạm bị truy nã về quy án, Thượng tá Đào Anh Tuấn đã đối mặt với rất nhiều đối tượng giang hồ cộm cán.

1. Chúng tôi có mặt tại phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào một buổi sáng mùa hè nắng bỏng rát. Cùng với số 7 phố Thiền Quang, thì số 55 Lý Thường Kiệt cũng là địa chỉ mà tội phạm hình sự không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác chỉ nghe đến đã thấy hãi.

Trong một căn phòng nhỏ được bài trí giản dị, Thượng tá Đào Anh Tuấn đang lặng lẽ nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nếu chỉ nhìn thấy anh cùng đồng đội “săn” tội phạm ở ngoài, có lẽ nhiều người phải “kiềng” trước thể hình cao to, cái nhìn sắc lạnh đầy chất “hình sự”. Nhưng tiếp xúc với anh một thời gian, thì người ta lại thấy được sự lạc quan, hài hước, tếu táo trong con người này. Và, mặc dù quen biết với anh nhiều năm, thì chỉ mới hôm qua tôi mới biết anh là một... thương binh, từng trải qua những giây phút sinh tử khi đối mặt với tội phạm hình sự.

Gần 30 năm công tác trong lực lượng, thì Thượng tá Tuấn đã có đến 20 năm làm cảnh sát hình sự đặc nhiệm, trực tiếp đối đầu với nhiều đối tượng hình sự cộm cán như Khánh “trắng”, Tuấn “con”... Và, anh đã phải đổ máu trong lần đi bắt một đối tượng hình sự nguy hiểm.

Chuyện về thượng tá thương binh có “duyên” bắt truy nã - 1

Thượng tá Đào Anh Tuấn đang nghiên cứu hồ sơ vụ án, kế hoạch truy bắt...

Tháng 5-2004, Thượng tá Tuấn (khi đó là Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội) được giao nhiệm vụ phụ trách một tổ công tác đi truy bắt đối tượng truy nã Nguyễn Văn Sơn (SN 1957, trú tại Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội). Sơn là kẻ có máu mặt trong giới giang hồ với nhiều tiền án tiền sự, và cũng là kẻ lắm mưu nhiều kế.

Trước đó, hắn cùng đồng bọn đã tham gia vào một vụ án “Chống người thi hành công vụ” và “Gây rối trật tự công cộng”. Thậm chí y và đồng bọn còn đánh bị thương một chiến sỹ công an rồi bỏ trốn. Công an huyện Đông Anh đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Văn Sơn.

Nhận nhiệm vụ, Thượng tá Tuấn cùng đồng đội tổ chức rà soát truy tìm mọi di biến động của đối tượng. Sau một thời gian gây án, Sơn thấy tình hình có vẻ “êm” liền mò về nhà. Cuối tháng 5-2004 được quần chúng nhân dân báo tin, anh Tuấn đã cùng hàng chục cán bộ, trinh sát PC45 và công an huyện Đông Anh, công an xã Kim Nỗ bí mật tiếp cận nơi đối tượng đang lẩn trốn.

Sau khi xác định Sơn đang ngủ tại nhà cùng vợ con, khoảng hơn 23 giờ đêm, Thượng tá Tuấn một mặt phân công cán bộ chiến sỹ bí mật bao vây toàn bộ khu vực nhà đối tượng. Mặt khác anh cùng 2 trinh sát vào cửa chính gõ cửa. Nhưng nhiều phút sau vẫn không thấy trong nhà có động tĩnh gì, Thượng tá Tuấn quyết định đạp cửa xông vào, chủ động tấn công đối tượng.

Cánh cửa bật tung, anh Tuấn dùng đèn pin nhảy vào nhà phát hiện thấy 2 bóng đen đang nấp sau cửa. Bất ngờ 1 trong 2 bóng đen vung dao rựa giấu sau lưng chém thẳng vào đầu anh. Dù dính một cú bổ của Sơn, Tuấn vẫn bình tĩnh rút súng bắn cảnh cáo. Không ngờ đối tượng vẫn không chấp hành và tiếp tục vung dao tấn công tổ công tác.

Né được mấy nhát chém tiếp theo của Sơn, nhưng anh Tuấn bị con gái Sơn nấp sau tủ bất ngờ nhảy ra dùng xà beng giáng một cú mạnh vào đầu. Máu chảy giàn giụa khắp mặt và cổ anh. Trong giờ khắc sinh tử đó, không còn cách nào khác, anh buộc phải nổ súng vào chân Sơn làm hắn ngã lăn ra sàn nhà. Cùng lúc đồng đội của anh kịp thời xông vào ứng cứu. Mặc dù vừa mất máu, vừa đau, nhưng anh Tuấn vẫn chỉ đạo anh em đưa đối tượng Sơn đi cấp cứu.

Trên đường ra khỏi khu vực nhà Sơn, tổ công tác gặp phải sự chống trả quyết liệt của nhiều đối tượng xấu dùng gạch đá tấn công. Thượng tá Tuấn bình tĩnh chỉ đạo tổ công tác thoát ra, đưa đối tượng đi bệnh viện và bàn giao cho Công an huyện Đông Anh xử lý theo thẩm quyền. Cũng ngay sau đó anh được đồng đội đưa đi cứu chữa. Thượng tá Tuấn được Bộ Công an cấp giấy chứng nhận thương binh do chấn thương vùng sọ với tỷ lệ thương tật là 24%.

Chuyện về thượng tá thương binh có “duyên” bắt truy nã - 2

Thượng tá Tuấn (áo kẻ) cùng tổ công tác Việt Nam ký các biên bản bàn giao đối tượng truy nã cho nước bạn

2. Tháng 8-2008, Thượng tá Tuấn được cấp trên chuyển sang công tác tại Đội truy bắt tội phạm hình sự (thuộc PC45) và khi Phòng PC52 được thành lập, Thượng tá Tuấn tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao trọng trách truy bắt các đối tượng truy nã nguy hiểm. Trong khoảng 10 năm làm công tác truy nã, Thượng tá Tuấn cùng đồng đội đã bắt được rất nhiều đối tượng hình sự cộm cán.

Còn nhớ đêm ngày 28-4-2011, người dân Thủ đô xôn xao vụ giết người bằng súng bắn đạn “hoa cải”, nạn nhân là nữ gục ngay trên taxi, nhóm đối tượng đi cùng nạn nhân không đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu mà vẫn phóng xe ô tô đuổi theo nhóm đối tượng gây án. Đây là vụ án khó bởi nhóm đối tượng và bị hại đều là đám “anh chị, giang hồ” nên luôn tìm cách giấu giếm, bao che lẫn nhau. Chúng thích hành xử với nhau theo kiểu “xã hội đen”, luôn dùng “hàng nóng, hàng lạnh” để giải quyết mâu thuẫn.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, thậm chí không hề có bị hại nào đến Cơ quan công an trình báo. Nhưng với những người lính hình sự như Tuấn, sự giấu giếm thông tin của các đối tượng liên quan không ảnh hưởng nhiều đến công tác điều tra. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan điều tra đã xác định được đối tượng chính của vụ án là Đồng Cao Cường (tức Cường “hổ”), Nguyễn Mạnh Cường (tức Cường “móm”) và Lưu Quang Đức. Giám đốc Công an TP Hà Nội giao cho Phòng PC52 gấp rút tổ chức lực lượng truy bắt bằng được nhóm đối tượng gây án và các đối tượng liên quan.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, được sự phân công của ban chỉ huy Phòng, Thượng tá Tuấn đã chỉ đạo và trực tiếp cùng tổ công tác lên đường nhận nhiệm vụ. Nhận thấy đối tượng Lưu Quang Đức không trực tiếp tham gia gây án, Cơ quan công an đã thực hiện hàng loạt biện pháp nghiệp vụ, vận động người thân của đối tượng Đức. Đánh trúng tâm lý đối tượng, ngày 5-5-2011, Lưu Quang Đức đã từ Quảng Ninh về Hà Nội để đầu thú. Khai thác nhanh Đức, xác định được nơi lẩn trốn của các đối tượng còn lại.

Không để các đối tượng có thể trốn qua biên giới, mặc dù anh em trinh sát đều rất mệt mỏi và... đói, nhưng với tinh thần quyết tâm truy bắt bằng được đối tượng, 2 giờ sáng ngày 6-5-2011, tổ công tác PC52 đã có mặt tại thị trấn Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Các trinh sát nhanh chóng tỏa ra bao vây nơi tình nghi các đối tượng đang lẩn trốn. Vậy nhưng, với bản chất lưu manh chuyên nghiệp, thấy sự vắng mặt bất thường của Đức, Cường “hổ” và Cường “móm” đã dọn đồ đi khỏi Mạo Khê trước đó khoảng 1 giờ đồng hồ.

Có thông tin bọn chúng trốn lên Móng Cái, Thượng tá Tuấn chỉ đạo tổ công tác chia đôi đội hình, một nửa ở lại Mạo Khê tiếp tục phục kích, một nửa nhanh chóng di chuyển lên Móng Cái theo sát dấu vết của 2 đối tượng. Và bọn chúng đã rất gần đất Trung Quốc nên Cường “móm” tự tin lộ ra thông tin hắn sẽ ở khu vực thị xã Trà Cổ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy bắt xác định đối tượng tình nghi đeo kính đen ngồi đợi trên xe taxi ở gần khu vực khách sạn Việt-Nhật. Các trinh sát nhanh như cắt ập vào 2 bên cửa xe. Cường “móm” bị ngồi gọn giữa 2 trinh sát của tổ truy bắt. Sau khi Cường “móm” sa lưới, đến lượt Cường “hổ” cũng bị tóm gọn tại một khách sạn khá sang trọng khác bên bờ biển Trà Cổ. Khi bị bắt, Cường “hổ” còn lý nhí hỏi: “Các anh tìm được bọn em nhanh thế ạ!?”.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tổ công tác đã bắt được các đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã làm tăng thêm lòng tin yêu, kính trọng của nhân dân đối với lực lượng Công an Thủ đô nói chung và lực lượng Cảnh sát truy nã nói riêng.

Chuyện về thượng tá thương binh có “duyên” bắt truy nã - 3

Đại diện PC52 CATP Hà Nội bàn giao 2 đối tượng truy nã (X) cho Công an Trung Quốc

Tháng 11-2016 Thượng tá Tuấn cùng tổ công tác còn bắt gọn đối tượng giang hồ cộm cán Nguyễn Vinh Long, tức Long "ma". Tài liệu điều tra của Cơ quan công an cho thấy Long “ma” là đối tượng cực kỳ nguy hiểm, thường mang theo vũ khí nóng. Từ ngày 30-4-2016 đến ngày 27-10-2016, đối tượng liên tiếp gây ra 3 vụ nổ súng trên địa bàn Thủ đô, trong đó có vụ dùng súng AK giết người tại đường Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho quần chúng nhân dân.

Chuyên án truy bắt Long “ma” được lập, Thượng tá Tuấn cử một tổ công tác thuộc đội 2 - Phòng PC52 triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để tổ chức xác minh truy bắt. Đồng thời đề nghị ra lệnh truy nã quốc tế đối với Nguyễn Vinh Long và làm việc với đại diện Văn phòng sỹ quan liên lạc Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị Bộ Công an Trung Quốc phối hợp. Cùng lúc hàng chục trinh sát được tỏa đi tiến hành xác minh hàng chục mối quan hệ của đối tượng.

Khoảng 20 giờ ngày 11-11-2016, ban chuyên án nhận được nguồn tin từ quần chúng nhân dân Long “ma” đang trốn tại khu chung cư Màn Vồ, thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) cùng với người yêu là Tạ Thị Thanh Thủy (SN 1980, trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì nảy sinh mâu thuẫn với 1 nhóm đối tượng người Việt Nam cũng đang trốn tại đó. Long rút lựu đạn ra định dọa giết nhóm người này thì nhóm người này giật được lựu đạn và đánh Long.

Sau đó nhóm này ép Long, Thủy về Việt Nam và nhờ một đối tượng người Trung Quốc tên A Phố chuyên đưa dẫn người qua lại biên giới gọi taxi đưa Long, Thủy về biên giới cửa khẩu Cốc Nam, (Thanh Thủy, Văn Lãng, Lạng Sơn).

Nhận được nguồn tin, Thượng tá Tuấn đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP, cử một tổ công tác thuộc Đội 2- PC52 cùng với một tổ công tác thuộc Đội Đặc nhiệm Phòng PC45 ngay lập tức đi cửa khẩu Tân Thanh phối hợp với Phòng PC52 - Công an tỉnh Lạng Sơn, đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn truy bắt đối tượng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Giám đốc - Công an TP Hà Nội, Thượng tá Tuấn cùng tổ công tác, phối hợp với Phòng PC52 - Công an tỉnh Lạng Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh bắt giữ kịp thời Nguyễn Vinh Long và Tạ Thị Thanh Thủy khi 2 đối tượng vừa đặt chân sang Việt Nam tại trạm cửa khẩu Cốc Nam vào khoảng 22 giờ 45 phút ngày 11-11-2016.

Việc bắt giữ được Long "ma" là một chiến công xuất sắc của Công an TP Hà Nội góp phần ngăn chặn những sự việc nghiêm trọng khác mà Long có thể gây ra; đồng thời giải tỏa được sự hoang mang trong dư luận nhân dân, đảm bảo sự bình yên cho Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, Thượng tá Tuấn cùng đồng đội còn bắt giữ được thủ phạm của nhiều vụ án nghiêm trọng ở Việt Nam cũng như quốc tế. Có thể kể đến như đối tượng Đào Văn Hải - kẻ đã sát hại cả gia đình anh Phạm Ngọc Hào, chủ cửa hàng kinh doanh thạch cao ở quận Bình Tân, TP HCM; đối tượng Trần Đăng Khoa (Khoa “thầy giáo”) - chuyên đâm thuê chém mướn; đối tượng Li Mincong kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển, mua bán hàng trăm kg cocain...

Từ năm 2008 đến năm 2016, Thượng tá Tuấn liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, trong đó năm 2010 được vinh dự bầu chọn là Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng.

Lý Đại Bàng - người anh hùng “vô sản”

Tôi luôn nhớ về đám tang của Lý Đại Bàng như một đám tang đặc biệt mà tôi được tham dự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tiến (An ninh thế giới)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN