Chuyện nhặt ở "buồng hạnh phúc"
Người ta thường nói đến buồng hạnh phúc khi ai đó nên vợ nên chồng hoặc chỉ những gia đình hạnh phúc, vậy nhưng lại có buồng hạnh phúc dành cho những kẻ tù tội.
Giây phút gặp riêng không chỉ giúp các phạm nhân vững vàng hơn trong những ngày cải tạo sau đó mà còn cứu vớt rất nhiều cuộc hôn nhân tưởng chừng sắp tan vỡ.
Cảm động những giọt nước mắt người vợ gặp chồng
Thường thì những bà vợ khi khoác áo số, ăn cơm tù, ít người được chồng chờ đợi cho đến ngày mãn hạn mà nếu các ông không tòm tem thì thế nào cũng chỉ một hai năm là mang đơn ly hôn vào bắt ký. Chính vì thế mà số phạm nhân nữ được ở trong buồng hạnh phúc gặp chồng là con số rất hiếm cho dù để có cơ hội gặp chồng, các chị phải phấn đấu không ngừng. Trong số những phạm nhân nữ mà tôi từng biết đến, có lẽ Hồ Thị Quý ở trại giam Công an tỉnh Hòa Bình là được chồng quan tâm hơn cả. Tháng nào anh chồng cũng đến thăm vợ, cho dù ở trại tạm giam không có buồng hạnh phúc để họ có một đêm thức trọn bên nhau nhưng những phút riêng tư để nắm chặt tay nhau thay cho lời nói cũng khiến cả hai xốn xang rất nhiều.
Quý là cô gái đẹp, lấy chồng rồi vào tù chỉ vì đi mua ma túy cho chồng. Thế nên khi vào trại thi hành bản án 7 năm, do nhà gần trại giam nên tháng nào Quý cũng được gặp chồng. Những cái nắm tay, những giọt nước mắt và cả những lời động viên, hứa hẹn đã giúp người vợ mông muội vì chồng ấy quyết tâm cải tạo tốt. Tâm sự với chúng tôi, Quý bảo dù rất nhớ đứa con nhỏ nhưng nghe chồng kể nhiều về con, cô cũng cảm thấy yên lòng.
Căn buồng hạnh phúc
Không dấn thân vào con đường ma túy vì chồng song Lã Thị Hiền, ở thành phố Nam Định vẫn có được diễm phúc để chồng yêu thương, chờ đợi. Hiền xinh xắn, mua bán thuốc lắc vì hám tiền, ham chơi nên mức án dành cho chị ta là khá cao: hơn 15 năm tù. Kinh tế gia đình khá giả, chồng làm ở sân bay, ba đứa con đẹp như tranh vẽ, với Hiền còn gì ao ước hơn nhưng mỗi năm được gặp chồng có một dịp nghỉ phép đã khiến người đàn bà hừng hực sức xuân cảm thấy chống chếnh. Từ chỗ tò mò, Hiền dính vào thuốc lắc.
Cô như con thiêu thân lao vào vòng xoáy của nó đến khi bị bắt đang vận chuyển 1.000 viên ma túy tổng hợp mới giật mình tỉnh ngộ. Bị kết án 15 năm 6 tháng tù, Hiền bàng hoàng lo sợ nhưng người chồng đẹp trai, tốt tính của cô đã không bỏ rơi vợ. Anh thường xuyên viết thư, gọi điện động viên, giúp vợ vượt qua sự khủng hoảng tinh thần, yên tâm cải tạo. Từ chỗ chấp hành tốt nội quy, Hiền được quản giáo tín nhiệm giao chức đội trưởng đội làm cói, giúp việc cho cán bộ trông nom, nhắc nhở 29 phạm nhân trong đội lao động. Hạnh phúc bất ngờ đến với Hiền khi chồng vào thăm, chị ta được cho phép gặp riêng chồng 24 tiếng đồng hồ
Căn buồng hạnh phúc.
“Nội quy của trại là không được phép mang thai trong quá trình cải tạo, em không buồn nhưng khóc suốt vì cảm động. Buồng hạnh phúc giúp em vững tin hơn về gia đình”, Hiền tâm sự.
Và những đứa trẻ ra đời từ căn buồng hạnh phúc
Nếu so sánh giữa phạm nhân nữ với phạm nhân nam thì cuộc gặp trong buồng hạnh phúc của nam giới có “lợi” hơn nhiều bởi họ được hưởng quyền lợi có thêm con khi người vợ là công dân bình thường, không vi phạm pháp luật và những đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh đó đã gắn kết tình cảm vợ chồng họ trong thời gian xa cách.
Điển hình như cuộc gặp vợ trong buồng hạnh phúc của phạm nhân Trần Ngọc Anh, sinh năm 1980 ở Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cuối năm 2010 đã cho ra đời một bé gái. Tính đến nay con gái Ngọc Anh đã gần 2 tuổi nhưng mỗi khi nhắc đến con, anh ta vẫn chưa quên được cảm giác nhận tin vợ sinh con đúng đêm giao thừa. Không phải lần đầu tiên được làm bố nhưng trước một tin vui trước thềm năm mới, Ngọc Anh đã không giấu được sự xúc động, khóc òa lên vì sung sướng.
Là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, có nghề làm dịch vụ cho thuê cưới hỏi trọn gói nên sau khi học hết phổ thông, Ngọc Anh ở nhà phụ việc cho bố mẹ. Năm 23 tuổi, Ngọc Anh đi chơi hội Lim rồi yêu và cưới một cô gái biết hát Quan họ, chăm chỉ và dịu dàng. Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua với những công việc thường nhật là phụ cùng bố mẹ làm dịch vụ cho thuê cưới hỏi, bên người vợ chăm chỉ và đứa con trai kháu khỉnh. Bỗng một ngày Ngọc Anh đi nhậu nhẹt với bạn bè, say quá thì nổi hứng tìm gái giải sầu. Cơn cuồng say đã biến Ngọc Anh từ một kẻ hiền lành thành ác quỷ khi cùng đám bạn đánh đập, cướp tài sản gái làng chơi và hiếp dâm tập thể một phụ nữ đi đường. Bị kết án 15 năm tù vì tội cướp tài sản và hiếp dâm, Ngọc Anh khoác áo tù về trại giam Nam Hà cải tạo từ đầu năm 2009.
Nhục nhã, xấu hổ, những lần vợ theo mẹ xuống thăm, Ngọc Anh tìm cách né tránh nhưng rồi thấy xung quanh mình, nhiều phạm nhân lớn tuổi khác, vào trại chưa lâu đã bị vợ vác đơn ly hôn bắt ký, anh ta thấy trong lòng chênh vênh. Câu hỏi vợ còn trẻ mà án của mình thì dài, liệu vợ có chờ đợi được không?, luôn trăn trở trong suy nghĩ của Ngọc Anh.
“Qua học quy chế, em được biết nếu cải tạo tốt sẽ được cho phép gặp riêng vợ. Ý nghĩ được gặp vợ trong căn buồng hạnh phúc trở thành động lực để em phấn đấu”, Ngọc Anh tâm sự. Với suy nghĩ “tặng” vợ một đứa con nữa để mỗi khi chăm con sẽ nhớ tới chồng hơn, Ngọc Anh quyết tâm cải tạo tốt. Làm ở đội trồng rau, công việc nặng nhọc hơn so với những ngày ở nhà nhưng anh ta luôn cố gắng để rồi sau 2 năm được xếp loại hạnh kiểm khá, Ngọc Anh được phép gặp riêng vợ.
24 tiếng trong căn buồng hạnh phúc là cả một khoảng thời gian chờ đợi, hy vọng và thấp thỏm lo âu cho những ngày sau đó khi anh ta nhận được tin vợ báo đã mang thai. Tuy vợ vài tháng mới lên thăm một lần vì bận nuôi con nhỏ nhưng nhắc đến gia đình là Ngọc Anh vui lắm. Anh ta bảo rất cảm ơn Ban giám thị trại đã tạo điều kiện để tình cảm vợ chồng anh ta thêm khăng khít, càng thấy hết ý nghĩa nhân văn, tình người của những cuộc gặp gỡ riêng tưởng như không bao giờ có với những kẻ phạm tội.
Cũng giống Ngọc Anh, phạm nhân Bùi Hải Bài, sinh năm 1957 ở Móng Cái, Quảng Ninh, đồng phạm trong vụ án nổi tiếng Phương Ninh “hột” cũng thêm con từ buổi gặp riêng vợ trong căn buồng hạnh phúc. Bị kết án 20 năm tù trong vụ án nổi đình đám vì đánh chết hai thanh niên, thủ tiêu xác hòng tranh giành thị trường, những ngày trong trại giam, Bài không khỏi lo lắng khi nghĩ tới người vợ xinh đẹp ở nhà.
Bài tâm sự: “vợ em trước nay chỉ ở nhà nội trợ, giờ em đi thế này cô ấy trống vắng lắm. Ba đứa con đều lớn cả rồi nhưng em vẫn quyết tâm để vợ bận bịu. Có thêm đứa trẻ là vất vả đấy nhưng cũng vui cửa vui nhà, vợ sẽ bận bịu hơn nhưng sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn là nghĩ tới mình”.
Vào trại giam Nam Hà cải tạo từ năm 2010, Bài xác định chỉ có con đường chấp hành tốt mới sớm được đoàn tụ với gia đình và anh ta quyết tâm để có tên trong danh sách phạm nhân được gặp vợ sớm nhất. Vài tháng vợ lại lên thăm chồng, lần nào Bài cũng động viên vợ chịu khó chăm sóc con cái và chờ ngày được gần gũi chồng. Rồi cái ngày đó cũng đến. Bài chọn ngày lễ tình nhân 14/2/2012 gặp vợ cho nhiều ý nghĩa. Như hiểu ý chồng, vợ Bài xuống đúng ngày, đem theo rất nhiều quà và cả một bó hoa tươi.
Hôm chúng tôi vào trại giam Nam Hà cũng là dịp Bài đang tất bật chuẩn bị lo chương trình văn nghệ để biểu diễn dịp Tết Nguyên đán. Bài khoe vợ vừa sinh con được mấy ngày, tính ra đến giờ anh ta đã là cha của bốn đứa con, đủ nếp, đủ tẻ. Nhắc đến vợ, đến đứa con mới chào đời, Bài nói cười toe toét, chẳng giống chút nào người đàn ông đã sắp lục tuần.
Theo Đại tá Dương Văn Thắng, Giám thị trại giam Nam Hà thì chỉ có những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, cả năm xếp loại hạnh kiểm khá mới được gặp riêng người thân. Có người chỉ xin gặp riêng vài tiếng với cha mẹ, cũng có người gặp qua đêm, dù ít hay nhiều thì tâm lý chung của tất cả các phạm nhân sau khi gặp người thân là ai cũng phấn khởi, yên tâm cải tạo. Sau cuộc gặp, rất nhiều bà vợ đã từ bỏ ý định đi bước nữa, chấp nhận ở vậy đợi chồng và điều đó giúp cho công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đạt hiệu quả hơn.
Buồng hạnh phúc không chỉ có ở trại giam Ninh Khánh, Nam Hà mà xuất hiện ở tất cả các trại cải tạo, là nơi mà các phạm nhân hướng tới để quyết tâm cải tạo tốt hơn, từ đó mà tự tin hơn trong con đường hướng thiện.
Lam Trinh