Chuyện đánh án ma túy và những phận đời sau chuyên án
Từng chứng kiến nhiều cảnh ngộ xót xa về những gia đình tan nát bởi “cái chết trắng”, những đứa trẻ bơ vơ hay những bị can phải sinh con trong nhà tạm giam... khiến anh trăn trở rất nhiều.
Từng tham gia nhiều chuyên án ma tuý lớn, phải chứng kiến nhiều cảnh ngộ xót xa về những gia đình tan nát bởi “cái chết trắng”, những đứa trẻ bơ vơ hay những bị can phải sinh con trong nhà tạm giam… đã khiến Thiếu tá Nguyễn Duy Trung, Phó Trưởng phòng 4 C47 (Bộ Công an) trăn trở rất nhiều. Anh mong rằng, người lớn trước khi làm việc phạm pháp hãy nghĩ đến những đứa con của mình, để chúng luôn có được mùa xuân ấm áp.
Trăn trở sau chuyên án
Trong lúc mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà, trong tâm khảm lực lượng đánh án ma túy, các anh luôn mong rằng, sẽ không còn phải chứng kiến cảnh những đứa trẻ nước mắt ngắn dài chạy theo chiếc xe thùng chở người thân của chúng đi mãi không về…
Giá như, ma túy không tràn về và những người cha, người mẹ phạm tội kia không vì ích kỷ cá nhân, nhận thức được hành vi việc làm của mình thì những đứa trẻ của họ luôn được bố mẹ dành trọn vẹn thời gian cho những hạnh phúc đủ đầy!
Thiếu tá Nguyễn Duy Trung là một trong những gương điển hình tiên tiến trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên toàn quốc, vừa được vinh danh vào tháng 12/2016. Đồng đội vẫn ví, anh là khắc tinh của tội phạm ma túy.
Qua câu chuyện với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tá Trung nhớ lại chuyên án mua bán ma túy “đá” với số lượng lớn nhất so với trước đó được vận chuyển bằng đường hàng không từ TP.HCM ra Hà Nội. Đường dây này do vợ chồng Nguyễn Bá Thủy (SN 1969, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm đầu.
Kể từ khi ma túy “đá” vẫn còn được coi là một thứ “xa xỉ” của dân chơi thành đô thì Thủy đã biết thiết lập đường dây khép kín, mua “hàng” từ nước ngoài về Việt Nam bán kiếm lời bất chính. Thậm chí, có những loại ma túy tổng hợp mà giới trẻ coi là “mốt thời thượng”, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam trước đó thì chỉ có tìm đến đường dây do Thủy cung cấp mới kiếm được “hàng”.
Điều đáng nói, Thủy đã thuê “cửu vạn” vận chuyển ma túy bằng đường hàng không từ TP.HCM ra Hà Nội. Hắn dùng tiền mua chuộc nhân viên sân bay nên nhiều lần kẻ xách thuê ma túy đã lọt qua “hàng rào” an ninh.
Trong vụ án này, ông trùm Nguyễn Bá Thủy đã phải nhận mức án tử hình, vợ hắn chịu án phạt 20 năm tù và hàng chục đệ tử khác đã phải nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật.
Đường dây ma túy của vợ chồng Thủy – Hồng bị đưa ra xét xử
Kết thúc chuyên án, có một điều vẫn khiến Thiếu tá Trung và đồng đội trăn trở, đó là ở vụ án này, không chỉ người lớn sa chân vào con đường phạm tội mà chúng còn bất chấp lương tâm, dùng chính con ruột của mình làm mắt xích trong việc mua bán “hàng trắng”.
Cụ thể, đối tượng Đoàn Thị Thúy Hồng (vợ Thủy) ép con gái giao ma túy cho khách, khi đó cháu bé mới 14 tuổi. Khi hai vợ chồng Hồng - Thủy vắng nhà, cháu bé được mẹ dặn nếu có khách đến mua “hàng” thì sẽ thay bố mẹ thực hiện các giao dịch. Như vậy, vô tình chính cháu bé cũng là “mắt xích” quan trọng trong vụ án này…
Điều khiến các chiến sĩ công an cứ trăn trở, suy ngẫm mãi là, nếu đặt mình vào địa vị của một người con trong gia đình, mặc dù có thể biết bố mẹ buôn ma túy, nhưng khi bị bố mẹ sai việc thì liệu đứa con có dám từ chối hay không? Khi ép con giao “hàng”, Hồng có từng nghĩ đến cảm nhận của cháu bé hay không? Tâm lý của cháu sau này sẽ như thế nào…
Lúc tra tay vào còng số 8, Hồng vội vàng ôm hai đứa con gái vào lòng. Thị gào khóc mà xin lỗi các con. Giá như, trước khi phạm tội, Hồng hiểu được hậu quả của những việc mình làm và hệ lụy của nó cho thế hệ sau phải gánh chịu!
Mong lắm những cái Tết đoàn viên!
Trận đánh nào cũng đầy cam go và thử thách. Chuyên án nào các trinh sát ma túy cũng đối đầu với hiểm nguy. Khi phá án thành công là nỗi mừng vui khôn xiết trong sự an toàn và thành quả, nhưng lắng lại phía sau, các anh vẫn có những trăn trở, suy tư.
Hình ảnh những cháu bé là con của tội phạm ma túy khi chứng kiến cảnh bố mẹ bị bắt đã gào khóc, van xin các chú công an đừng bắt bố mẹ chúng đi đã ám ảnh các anh rất nhiều.
Bọn trẻ đâu có thể hiểu rằng, bố mẹ chúng đã phạm tội vô cùng nghiêm trọng, cái giá phải trả cho tội phạm ma túy là rất nghiêm khắc. Ngoài trả bằng những tháng ngày bóc lịch trong trại giam, với bản năng của những người làm cha, làm mẹ, chắc rằng họ sẽ dằn vặt hàng đêm vì thương nhớ con, vì những hối hận muộn mằn và vì những gì con mình phải gánh chịu do lỗi của người lớn gây ra…
Thiếu tá Trung nhớ lại trường hợp cháu bé lớp 9 lao vào gào khóc, xin tha cho mẹ khi phạm tội ma túy, bố cháu cũng đang phải thụ án về tội này. Mặc dù ra sức khuyên can, dỗ dành cháu bé rằng ở lại cố gắng ngoan ngoãn, học giỏi, chăm bà, chăm em, thế nhưng chỉ một câu nói của đứa bé chừng đang học lớp 9 ấy cũng khiến các anh cay cay nơi khóe mắt: “Các chú bắt hết bố mẹ cháu rồi thì lấy ai nuôi cháu mà cháu có thể học tiếp?”.
Đoàn Thị Thúy Hồng và tang vật vụ án
Chia sẻ với PV, Thiếu tá Trung vẫn nhớ như in những hình ảnh khi đến khán xét nhà đối tượng Lại Thúy Quỳnh trong chuyên án 811L. Quỳnh sinh năm 1979, chưa có gia đình riêng, nhưng khi các anh đặt chân vào căn phòng tập thể cũ nát chưa đầy 40m2 của nhà Quỳnh, người cha già hơn 70 tuổi tay run run, mắt rơm rớm nước. Mẹ Quỳnh nằm liệt giường đã 4 năm, còn anh trai Quỳnh cũng đang thụ lý án ma túy.
Được biết, bố mẹ Quỳnh đều là công nhân nghỉ hưu, hai ông bà vốn là người hiền lành, chất phác. Dù bị tai biến, nằm liệt giường nhiều năm nhưng mẹ Quỳnh vẫn tỉnh táo, minh mẫn… Chứng kiến cảnh hai ông bà ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn lọ mọ chăm nhau trong khi con cái thì phạm tội và lần lượt bị bắt, các trinh sát ma túy không khỏi xót xa.
Trước tình huống này, Thiếu tá Trung và đồng đội đã mời riêng bố Quỳnh ra ngoài hành lang nói chuyện, phân tích, làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần cho cụ. Các anh sợ rằng, nếu mẹ Quỳnh biết chuyện đứa con gái mà bà luôn yêu thương, giờ đây lại phạm tội nghiêm trọng và bị bắt thì có lẽ bà sẽ không thể vượt qua cú sốc tinh thần này.
Vì vậy, bố Quỳnh và các trinh sát thống nhất, cơ quan công an yêu cầu khám xét khu vực nào thì bố Quỳnh sẽ lặng lẽ dẫn đi, coi như có “khách đến thăm nhà” chứ không để cho mẹ Quỳnh biết chuyện.
Chính điều này đã khiến người cha già của đối tượng phải thốt lên: “Cảm ơn các anh! Tôi thực sự xúc động vì cán bộ của cơ quan điều tra trong quá trình làm án, thực thi nhiệm vụ pháp luật nhưng vẫn luôn nghĩ cho người khác và nhân văn đến thế!”. Rồi, ông đành lòng bất lực đứng nhìn con tra tay vào còng số 8…
Có lẽ, những ngày tháng sau này ở trong nhà giam, Quỳnh sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người cha già ngân ngấn nước mắt, giọng nói run run, cố nhắn nhủ con: “Hãy tự chăm sóc sức khỏe! Bố mẹ già rồi, như chuối chín cây!”. Quỳnh đi rồi, căn nhà vốn vắng lặng nay lại càng thêm đìu hiu hơn. Biết khi nào Quỳnh sẽ lại có cơ hội để báo hiếu bố mẹ?...
Một mùa xuân mới lại về, những người làm công tác điều tra, phá án như Thiếu tá Trung luôn mong rằng, trước khi sa chân vào con đường phạm pháp, người ta hãy nghĩ đến hậu quả sau này, nghĩ đến những đứa con nhỏ, đến cha mẹ già ở nhà… để họ luôn được sống hạnh phúc trong cảnh sum vầy, đón những cái Tết đoàn viên!