Chuyện của kẻ buôn người phải lĩnh án gần gấp đôi tuổi đời
Bước chân vào trại giam khi mới 20 tuổi, Đỗ Văn Tiên, (SN 1991 ở Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) phải thi hành án phạt 30 năm tù giam. Đấy là "chiến tích" của hàng chục vụ lừa phụ nữ, trẻ em đưa ra nước ngoài bán mà Tiên đã gây ra trong thời gian có mấy tháng điều hành 2 đường dây buôn người, thực hiện ở các tỉnh Hưng Yên và Hà Nội.
Kẻ tội đồ mang gương mặt thiện lương
Nếu không đọc bản án, chẳng ai nghĩ gã thanh niên có gương mặt sáng, vóc dáng thư sinh, nước da trắng trẻo và giọng nói nhỏ nhẹ dễ nghe trước mặt chúng tôi lại là một kẻ già dặn tình trường với nhiều mưu ma chước quỷ trong việc lừa gạt các cô gái trẻ.
Không biết có phải vì vậy mà nhắc đến Tiên, các phạm nhân ở phân trại số 2, trại giam Ninh Khánh, nơi Tiên cải tạo, ai cũng biết. Hỏi Tiên vì sao "nổi tiếng", anh ta gượng gạo: "Tại em còn ít tuổi mà án tù thì nhiều hơn người chung thân vừa xuống khung".
Tiên là con út trong một gia đình có hai anh em nhưng vì tính tình không hợp nhau nên chẳng mấy khi hai anh em Tiên nói chuyện được với nhau. Theo lời Tiên thì mặc dù anh học giỏi hơn song việc bảo ban nhau học hành chưa khi nào diễn ra bởi chỉ cần ngồi với nhau được 5 phút là cãi vã, thậm chí xô xát.
Bố là dân lái xe đường dài, đi vắng suốt, thi thoảng mới tạt về nhà còn mẹ lại là một phụ nữ có tính tình không ổn định. Tiên lớn lên chủ yếu nhờ sự dạy bảo của ông bà và những lời động viên của bố. Trong một trận cãi nhau kịch liệt với anh trai, Tiên bỏ học khi đang chuẩn bị thi vào THPT. "Anh trai tôi học xong cao đẳng nghề, đi lái xe còn tôi khi đó cũng muốn chứng tỏ rằng mình không phải là kẻ ăn bám", Tiên nhớ lại.
Bỏ học về Hà Nội làm thuê, ban đầu Tiên bán hàng thuê cho một shop mỹ phẩm ở chợ Phùng Khoang sau đó dạt về chợ đêm ở Mai Dịch, Cầu Giấy, mua đi bán lại những bộ quần áo rẻ tiền dành cho sinh viên.
Chính những ngày sống lang thang ấy đã dạy cho cậu trai quê mới lớn này nhiều mánh khóe để kiếm tiền. Người ta va vấp để trưởng thành còn Tiên va vấp, học hỏi trường đời để tìm cách lừa người, hại người. Khi được một đối tượng dắt mối, Tiên đã lôi kéo một số thanh niên cùng tuổi ở quê nhà, tạo thành một liên minh chuyên lên mạng săn những cô gái trẻ đẹp rồi tìm cách đưa họ vào tròng, bán ra nước ngoài.
Khó có thể hình dung nổi những thanh niên mới tuổi mười tám, đôi mươi như Tiên và những tên đồng bọn, trong đó có cả con gái lại có thể nghĩ ra nhiều vở kịch khiến người ta lầm tưởng là thật đến như thế. Chúng gọi má mì bên Trung Quốc là mẹ Tiên, còn Tiên là kẻ chuyên đi thu tiền hàng quần áo cho mẹ.
Với một kẻ có thời gian bán hàng quần áo như Tiên thì riêng chủ đề về thời trang, mỹ phẩm, quần áo, anh ta có thể thao thao bất tuyệt cả tiếng đồng hồ. Chưa kể gương mặt sáng sủa, non tơ của Tiên cũng được anh ta sử dụng triệt để vào việc lừa đảo.
Thế nên khi nghe anh ta giảng giải về cách nhận biết đâu là quần áo hàng nhái, đâu là hàng đánh từ nước ngoài về, đâu là hàng may trong nước,…các nạn nhân đều tưởng anh ta là lái buôn chính hiệu. Rồi những lần đi chơi, được anh ta chu đáo mời ăn uống, thuê phòng trọ cho nghỉ ngơi thì tất cả đều nghĩ Tiên là con một gia đình buôn bán lắm tiền và ga lăng.
Phạm nhân Đỗ Văn Tiên.
Theo bản án, Tiên được một đối tượng tên Hướng bày cách lừa các cô gái trẻ, đưa qua biên giới bán vào động mại dâm. Mỗi cô gái, sau khi đưa qua biên giới, Hướng sẽ trả cho Tiên 15 triệu đồng. Thấy ngon ăn, Tiên đồng ý và được Hướng ứng trước cho một khoản tiền.
Do đã sắp sẵn dự định trong đầu rằng chỉ đứng đằng sau để nếu có bị phát hiện thì cũng vô tội nên Tiên không trực tiếp lên mạng internet tán tỉnh bất cứ cô gái nào. Ngay cả việc dụ họ về nhà mình ở Quảng Ninh chơi cũng đều do những tên đồng bọn thực hiện. Tiên chỉ xuất hiện như một gã con nhà giàu, ga lăng khi bỏ tiền thuê phòng, cho tiền đi taxi và cả tiền ăn uống khi biết các bạn đưa bạn gái sang nhà mình chơi.
Tuy nhiên, kẻ ma mãnh này không cùng các bạn sang nhà mình ở bên Trung Quốc chơi mà chỉ đi cùng một chặng đường từ Hà Nội ra Quảng Ninh. Trên đường đi, Tiên sẽ xuống xe dọc đường với lý do vào thu tiền hàng cho mẹ. Nhiệm vụ của những tên đồng bọn là thực hiện nốt công đoạn còn lại.
Có một điều đặc biệt là trong nhiều vụ, Tiên không cùng sang Trung Quốc, không trực tiếp nhận tiền bán người vậy nhưng lần nào bán người xong, những tên đồng bọn vẫn mang tiền đầy đủ về đưa cho Tiên. Hỏi Tiên dùng võ gì, anh ta cười bảo số tiền đó, ngoài việc chi riêng cho kẻ có công dụ người một khoản nhất định, thường là 5 triệu đồng, còn bao nhiêu gộp vào tiền quỹ để cả bọn tiêu chung.
Với thủ đoạn kẻ tung người hứng, trong vòng chưa đầy 1 năm, Tiên và đồng bọn đã lừa được 14 cô gái và 1 trẻ vị thanh niên đưa sang Trung Quốc, bán vào động mại dâm. Số tiền thu được lên tới vài trăm triệu đồng nhưng đều được các đối tượng chi tiêu ăn xài hết.
Sự việc chỉ được phát hiện khi một nạn nhân trốn thoát về nước, làm đơn tố cáo. Từ những thông tin do nạn nhân cung cấp, cơ quan điều tra mới tìm ra được những kẻ lừa gạt và từng bước lần ra kẻ cầm đầu là Đỗ Văn Tiên. Là kẻ cầm đầu, điều hành 2 đường dây buôn người ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Tiên bị TAND thành phố Hà Nội và TAND tỉnh Hưng Yên tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù giam.
Ân hận trước cái chết đột ngột của mẹ
Tiên kể rằng, ngày được đưa từ trại tạm giam về thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh, bố là người xuống động viên. Vì mải nghĩ tới bản án mà theo lời Tiên là mất đứt quãng đời đẹp nhất nên Tiên không chú ý tới dáng vẻ buồn rầu của bố. Mãi tới lần thứ hai, Tiên mới cảm nhận được nỗi mất mát khi thấy bố gầy rộc đi. Ông cho biết mẹ Tiên đột ngột qua đời. Đúng thời điểm đó ông đang đi giao hàng ở các tỉnh phía Nam. Anh trai Tiên cũng đang trong đó nên cả hai đã không kịp về đưa mẹ Tiên về nơi ăn nghỉ.
"Tôi hỏi chuyện mới biết mẹ ra đi trước ngày tôi được đưa về Hà Nội xét xử. Thời gian tạm giam ở Hưng Yên, bà có vào thăm tôi một lần. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp và nói chuyện với mẹ", Tiên kể.
Theo lời Tiên thì mặc dù có bà mẹ tâm tính không bình thường, chỉ biết ở nhà phá phách và chửi bậy nhưng Tiên rất thương mẹ và chưa khi nào cãi lại mẹ một câu. Tiên bảo mỗi khi mẹ lên cơn "hấp", anh ta lại lỉnh sang nhà ông bà, kệ người mẹ tự kỷ một mình với những lời độc thoại thô lỗ và chỉ mò về khi thấy bên nhà không còn ầm ĩ nữa.
Lúc đó mẹ đã hết cơn "hâm" và trở lại làm người phụ nữ của gia đình, dọn dẹp và lo cơm nước cho con. Trong tâm trí Tiên, ký ức về mẹ là hình ảnh người phụ nữ ăn mặc lôi thôi, miệng không ngớt chửi bậy và lúc nào cũng tìm cách phá phách đồ đạc. Thế nhưng khi bố vào thăm báo tin mẹ mất, Tiên đã khóc.
Một buổi gặp gỡ người thân của phạm nhân trại giam Ninh Khánh.
"Tôi chưa khi nào nghĩ cho mẹ nhưng khi biết tin mẹ đột ngột mất thì tôi thực sự hụt hẫng. Dù chưa cảm nhận được sự chăm sóc của mẹ nhưng mỗi khi đi đâu về nhà, nhìn thấy mẹ vẫn có cảm giác ấm cúng. Giờ mẹ mất rồi tự dưng thấy trống trải. Mấy hôm đầu nghe tin mẹ chết, tôi gần như thức trắng, trong đầu cứ ong ong câu hỏi sao không làm một điều tốt cho mẹ, giờ thì không còn cơ hội nữa rồi", Tiên tâm sự. Đôi mắt đỏ hoe chớp chớp, Tiên mếu máo rồi òa khóc. Cậu ta bảo rất ân hận vì chưa kịp làm một điều gì, dù là nhỏ nhất khiến mẹ vui.
Anh trai vào Nam lập nghiệp, bố là dân lái xe đường dài nên cả bố và anh trai chỉ về nhà vào dịp tết đến và ngày giỗ mẹ Tiên. Những khi đó, họ lại tranh thủ vào thăm Tiên và ba người coi đó như một dịp để đoàn tụ.
"Tôi coi ngày được gặp cha và anh là ngày gia đình đoàn tụ. Anh trai tôi giờ chín chắn hơn trước nhiều, có vẻ quan tâm tới tôi hơn còn bố thì vẫn ít nói như xưa", Tiên tâm sự. Nam phạm nhân này chia sẻ rằng chỉ mong bố lấy vợ vì "bố không còn trẻ nữa, cần phải có người nâng giấc khi trái gió trở trời, cùng lắm là góp gạo thổi cơm chung thì vẫn còn hơn tuổi già rồi sống đơn chiếc". Cậu ta bảo nếu bố có người lo cơm nước, Tiên sẽ đỡ cảm thấy day dứt hơn nhưng hối hận thì nhiều lắm.
"Tôi đã đánh mất tương lai của mình chỉ vì cái tính sĩ diện. Ngày về Hà Nội làm thuê, tôi sợ nhất là đi đâu mà trong túi không có đồng nào. Chính vì suy nghĩ ấy mà tôi luôn mong có thật nhiều tiền để kẻ khác phải nể mình, bất chấp cả việc bán rẻ lương tâm", Đỗ Văn Tiên bộc bạch.
Mong mỏi lớn nhất của Tiên là không bao giờ gặp lại các nạn nhân của mình và ao ước mọi chuyện xảy ra bây giờ chỉ là một giấc mơ.
Giá như anh ta biết rằng việc làm tội lỗi dù cho có giỏi che chắn thì cũng đến ngày đền tội, thì giờ đây đã không phải nuối tiếc tuổi xuân sau song sắt.
Nguồn: [Link nguồn]
Từng vào tù ra tội vì ma túy, Lan không lấy đó làm bài học nhãn tiền để thay đổi bản thân. Lần thứ 4 ra tòa, người...