Chuyện chưa kể về ông chủ salon tóc vướng vào lao lý

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có lần vấp ngã và trải qua những biến cố khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta có dám đứng lên từ chính nơi ta vấp ngã hay không. Câu chuyện về ông chủ salon tóc thời trang ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) như một minh chứng cho sự vượt qua lỗi lầm để trở thành người có ích.

Chuyện chưa kể về ông chủ salon tóc vướng vào lao lý - 1

Sau biến cố đầu đời đã giúp anh Hiệp trở thành ông chủ salon có tiếng trong nghề làm đẹp. ẢNh: Đức Tùy

“Vấp ngã giúp tôi trưởng thành hơn”

Về huyện Tứ Kỳ, không khó để chúng tôi tìm được salon tóc của anh Vũ Quang Hiệp (SN 1987). Tuy không phải là ngày cuối tuần nhưng cửa hàng của anh lúc nào cũng đông khách ra, vào làm đẹp. Nếu nhìn bề ngoài thì không ai nghĩ rằng ông chủ còn ít tuổi tính cách hiền lành, dễ mến lại có quãng thời gian dài vướng vào vòng lao lý. Để rồi đây, khi nhận ra mọi thứ mất mát, anh đã đứng lên từ chỗ vấp ngã của mình làm lại từ đầu.

Anh Hiệp tâm sự: “Nếu không có những tháng ngày ở trong trại cải tạo thì tôi không nhận ra những việc làm sai trái của mình và nếu không vấp ngã thì chưa chắc tôi đã tỉnh. Thời gian ở trong trại giam chính là động lực giúp tôi nhận ra mọi thứ xung quanh. Có lẽ, suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên được quãng thời gian ấy”.

Sau khi xây dựng gia đình, anh Hiệp mở cửa hàng làm tóc nữ để hai vợ chồng sinh sống. Do tính ham chơi của tuổi trẻ và lúc đó còn nhiều tư tưởng, suy nghĩ chưa đúng về nghề này khiến anh buồn chán. Con trai đầu của anh chưa đầy tuổi thì anh Hiệp dính vào vòng lao lý. “Lúc bị bắt, tôi thấy xấu hổ lắm và ngay lúc đó, tôi đã xác định sẽ làm lại mọi thứ”, anh Hiệp kể.

Khi biết con trai mình chơi bời, bố mẹ anh đã khuyên nhủ rất nhiều mong Hiệp tu trí làm ăn. Lúc đó, anh Hiệp không nghĩ được như vậy và không hiểu được nỗi lòng của cha mẹ. Đến lúc anh vướng vào vòng lao lý thì sự việc đã quá muộn, nhưng không vì vậy mà khiến anh gục ngã. Sau nhiều tháng trong tù, sự động viên của gia đình, vợ và bạn bè đã giúp anh lấy lại cân bằng của cuộc sống. “Nếu mình không đứng lên làm lại thì mình phụ công mọi người và đây cũng là cơ hội để tôi chứng minh mình không hề xấu như một số người bàn tán”, anh Hiệp chia sẻ.

Đến với nghề làm đẹp từ sự đam mê

Là con út trong gia đình có 3 chị em nhưng không phải vậy mà Hiệp được chiều chuộng hơn các chị. Tốt nghiệp THPT, anh không muốn thi đại học mà mong được học nghề cắt tóc làm đẹp. Tuy nhiên, ở một miền quê thuần nông thì nhu cầu làm đẹp chưa được coi trọng và bản thân bố mẹ anh cũng không thích thì ước mơ đó của anh không trở thành hiện thực. Chính vì vậy gia đình khuyên Hiệp ra TP Hải Phòng học nghề đóng tàu. Vậy nhưng, khi tốt nghiệp thì Hiệp không theo ngành nghề được đào tạo mà trở về quê mở quán cắt tóc.

Anh Hiệp kể: “Trong những ngày theo học ở Hải Phòng tôi thường xuyên tìm đến những hiệu làm tóc trong thành phố để xem, học hỏi. Thậm chí có những hôm mải xem tôi còn quên việc học ở trường. Không biết có phải do duyên phận với nghề này hay không mà dù làm gì hay sau quãng thời gian ở trại về, tôi vẫn theo đuổi. Có nhiều người lúc đầu cũng không tin vào tay nghề và bản thân tôi, nhưng sau những biến cố ấy thì ai cũng thừa nhận”.

Thời gian đầu đến với nghề anh chỉ là một thợ cắt tóc thuần túy, sau đó không lâu anh đi học hỏi nhiều nơi và quyết định mở salon làm đẹp. Xác định làm đẹp phải có kỹ thuật cao, năm 2013, Hiệp khăn gói đi học các lớp đào tạo với kỹ thuật chuyên sâu. Theo Hiệp, cái khó của nghề này ngoài kinh nghiệm, kiểu dáng làm đẹp thì phải biến những mái tóc yếu, khô cằn của khách hàng thành những mái tóc khỏe và đẹp. Chính kỹ thuật đó mà nhiều khách hàng khó tính khi đến với anh cũng phải trầm trồ khen ngợi. Đến nay, trong cửa hàng của anh có 7 thợ làm, nhiều lúc cao điểm lên tới 10 người và anh cũng mở được nhiều lớp dạy làm đẹp cho các học viên mọi nơi.

Khi được PV hỏi: “Liệu quá khứ của anh có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của cửa hàng?”, Hiệp cho hay: “Khi mới ở trại về cửa hàng cũng có ít khách nhưng mọi người đều hiểu được bản chất cho nên chỉ thời gian ngắn khách hàng lại tìm đến. Anh Hiệp tâm sự: “Vấn đề quan trọng ở đây là mình phải xác định rõ, mình ngã ở đâu thì sẽ đứng lên ở đó và sau lần vấp ngã đó tôi đã ngộ ra nhiều điều. Chính vì vậy, tôi luôn trân trọng những gì mình hiện có và cũng không muốn ai vướng vào con đường như bản thân tôi ngày trước”.

Anh Hiệp cho biết: “Tôi chia sẻ câu chuyện này chỉ mong các bạn trẻ không vướng vào những gì mà bản thân đã trải qua. Đây là bài học đầu đời mà tôi phải trả giá nhưng đó cũng là động lực giúp tôi biết trân trọng mọi thứ hơn và giúp tôi gắp bó với nghề làm đẹp cho mọi người”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Tùy (Gia đình & Xã hội)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN