Chuyện cảm động về người vợ kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long
Kinh tế gia đình khó khăn, bà Mai lên Hà Nội làm bốc vác, phụ hồ, osin… Khi có tiền bà Mai lại bắt xe đi gửi đơn kêu oan cho chồng.
Bà Mai luôn tin tưởng chồng mình có ngày được minh oan như ông Nguyễn Thanh Chấn.
Bốc vác, phụ hồ lấy tiền kêu oan cho chồng
Ngày 20.12 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, trả tự do cho ông Hàn Đức Long (57 tuổi, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) – người bị tuyên án tử hình với các tội giết người, hiếp dâm trẻ em 11 năm trước.
Ông Long được đưa trở về nhà ngay trong tối 20.12, trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Mở cửa đón chồng vào nhà nhưng bà Nguyễn Thị Mai (46 tuổi, người kiên trì kêu oan cho chồng suốt 11 năm ròng rã) lâng lâng hạnh phúc và ngỡ rằng đó là một giấc mơ.
Bà Mai tâm sự, bà luôn tin tưởng chồng mình không phải thủ phạm hiếp dâm và sát hại cháu bé 5 tuổi. Niềm tin ấy thôi thúc bà Mai gõ cửa các cơ quan công quyền và cơ quan tố tụng từ địa phương cho tới Trung Ương để kêu oan cho chồng.
Tuy nhiên, hành trình kêu oan cho chồng của bà Mai gặp nhiều “chông gai” vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bà Mai vừa phải chăm lo cho các con vừa phải làm kinh tế lấy tiền kêu oan cho chồng.
“Ngày chồng chưa bị bắt tôi có bao giờ đi đâu, ngay cả thành phố Bắc Giang tôi cũng không biết, nhưng giờ đến ngõ ngách ở Hà Nội tôi cũng biết. Tôi làm đủ thứ nghề từ bốc vác, xách vữa, phụ hồ, osin, đến rửa bát thuê, …. để kiếm tiền đi kêu oan cho chồng”, bà Mai chia sẻ.
Bà Mai cho biết, trong hành trình kêu oan cho người chồng mang án tử có những thời điểm bà thấy đơn độc, chán nản. Tuy nhiên, rất may gia đình, họ hàng luôn ở bên ủng hộ bà cả về tình thần lẫn vật chất. Bên cạnh đó là đồng hành giúp sức của luật sư, nhà báo đã tiếp thêm cho bà sức mạnh tiếp tục con đường giải cứu chồng.
“Bà Mai tiếp thêm động lực cho chúng tôi đi tìm sự thật”
“Bà Mai và vợ ông Nguyễn Thanh Chấn có phẩm hạnh rất cao quý của người phụ nữ Việt Nam đó là hết lòng vì chồng con. Họ tin chồng bị oan và tìm mọi cách, huy động mọi khả năng để cứu chồng.
Tôi từng rất xúc động khi chứng kiến cảnh bà Mai trình bày oan khuất của chồng với cán bộ tiếp dân Tòa án Nhân dân Tối cao tới khàn giọng, rồi cầm tay vị cán bộ nhắn nhủ giúp bà ấy giải oan cho chồng.
Niền tin của bà Mai dành cho ông Long đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi tìm ra sự thật”, luật sư Quách Thành Lực, người tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Hàn Đức Long và hỗ trợ bà Mai kêu oan giúp chồng.
Bà Nguyễn Thị Mai (bên trái) cùng bà Đào Thị Cung (70 tuổi, chị gái của Hàn Đức Long) mang tài liệu, đơn thư kêu oan cho ông Long hồi năm 2013. (Ảnh: Cao Tuân)
Nhà báo Phạm Quốc Cường (Báo Pháp luật Việt Nam, người viết bài phản ánh bà Nguyễn Thị Mai kêu oan cho ông chồng từ năm 2013) nhớ lại, sau khi nhận được đơn kêu oan cho chồng của Mai, ông Cường đã lên đường về Bắc Giang tìm hiểu sự việc.
“Gia đình bà Mai khá nghèo, bên trong căn nhà cấp 4 không có tài sản gì đáng giá. Qua tiếp xúc với người thân hàng xóm, chúng tôi được biết gia đình bà Mai khánh kiệt vì vừa phải chăm lo cho con vừa tiếp tế cho chồng, vừa đi kêu oan. Niềm tin, tình yêu thương của bà dành cho chồng là rất lớn.
Khi trò chuyện, tôi cảm nhận được tính cách chân thật, mộc mạc của người nông dân từ con người bà Mai. Nhà nghèo nhưng bà Mai vẫn mời anh em phóng viên, luật sư ở lại ăn cơm đàng hoàng.
Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao gia đình bà Mai tin ông Long không phạm tội và kêu oan ròng rã trong thời gian dài như vậy.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, hiện trường vụ án tôi thấy việc cáo buộc ông Hàn Đức Long là hung thủ có nhiều điểm bất hợp lý. Tất cả thôi thúc tôi viết bài để tìm sự thật vụ án”, nhà báo Quốc Cường nhớ lại.
Cũng có nhiều bài viết phản ánh những bất thường trong vụ án của ông Hàn Đức Long từ năm 2013, nhà báo Cao Tuân (báo Gia đình và xã hội, người) cho biết, khi ông về gặp bà Mai ở thôn Yên Lý ông mới cảm nhận được những khó khăn, tủi nhục mà gia đình bà chịu đựng vì cáo buộc ông Hàn Đức Long hiếp dâm trẻ em, giết người.
“Tài sản lớn nhất, quý giá nhất nhà bà Mai có lẽ là 10kg giấy tờ kêu oan các loại cho chồng.
Nghèo khổ lại vậy nhưng bà Mai vẫn đi làm kiếm tiền nuôi con, đi kêu oan cho ông Long và tin tưởng có ngày chồng mình sẽ được minh oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, điều này tiếp thêm cho tôi sự tự tin khi viết bài về những điều bất hợp lý của vụ án. Cuối cùng thì công lý cũng sáng tỏ”, nhà báo Cao Tuân vui mừng chia sẻ.