Chuyên án Thanh Nga - chiến công xuất sắc của lực lượng CAND: Theo dấu trùm băng cướp Sòng Sơn
Tài liệu vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương được Trung tá Trịnh Thanh Thiệp đặt cạnh hồ sơ chuyên án Thanh Nga. Lật đi lật lại từng trang giấy, trung tá lấy bút đỏ khoanh tròn từng tình tiết rồi hí hoáy ghi chép vào cuốn sổ. Lòng anh chộn rộn niềm vui khi phát hiện mối liên hệ giữa hai vụ án, từ đối tượng đến âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động. Thủ phạm ở cả hai vụ đều gồm một tên cao, một thấp, cùng trạc tuổi 30; phương tiện gây án đều là honda 67 màu đen và súng ngắn...
Chuyển hướng
Lúc thực hiện hành vi phạm tội, một tên ra tay, tên kia dùng súng uy hiếp; khi rút lui, một đứa đi trước, gã còn lại bước giật lùi nhưng vẫn chĩa súng khống chế đối phương; trên đường tẩu thoát đều chạy xe ngược chiều. Về nạn nhân, cả hai vụ đều là nữ nghệ sĩ nổi tiếng nhưng hiếm muộn đường con cái, ngoài 30 tuổi mới sinh đứa con duy nhất.
"Phải rồi, vợ chồng Thanh Nga cứ giữ chịt lấy Cúc Cu nên mới ra nông nỗi. Đổng Lân bị bắn trước để giảm bớt sự phản kháng. Thanh Nga cứ ôm chặt con vào lòng, la lối khiến chúng phải giành giật, không bắt được đành phải hạ sát nốt. Nếu cháu Tô Rô hôm ấy trong vòng tay mẹ thì bọn bắt cóc hẳn cũng bất lực, nhưng số phận Kim Cương chắc không tránh khỏi như Thanh Nga!", Trung tá Trịnh Thanh Thiệp trầm tư rồi triệu tập phiên họp khẩn cấp, yêu cầu toàn bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự và chỉ huy các đội nghiệp vụ có mặt.
- Thế nào, Hai Thành, có thấy vụ án Thanh Nga và vụ bắt cóc cháu Tô Rô điều gì đáng quan tâm không?
Đại úy Võ Tấn Thành không lúng túng trước câu hỏi đột ngột mở đầu cuộc họp của Trưởng phòng. Ngay từ sau buổi thực nghiệm điều tra, tính chất vụ án được nhìn nhận lại, Hai Thành đã bỏ công sức nghiền ngẫm vụ bắt cóc con trai Kim Cương. Bởi thế anh trả lời đúng như suy nghĩ của thủ trưởng, ngoài ra còn thêm 2 điểm giống nhau khác: bọn tội phạm ở 2 vụ án đều đã điều nghiên, nắm chắc quy luật đi lại, sinh hoạt của nạn nhân, lúc hành động rất táo bạo, tấn công bài bản; hai vụ án xảy ra cùng ngày 26, chưa rõ hung thủ có mê tín chọn ngày hành sự hay không, nhưng thời điểm bắt cóc cận kề tết cổ truyền, buộc khổ chủ xót ruột phải tìm mọi cách cứu con.
- Hay! - Trung tá Trịnh Thanh Thiệp vỗ tay rồi hào hứng nói tiếp - Không thể ngẫu nhiên mà có cả chục điểm trùng lặp như thế được. Cho đến giờ phút này ta có thể khẳng định thủ phạm của hai vụ án là một!
Nghệ sĩ Thanh Nga
Không khí cuộc họp sôi nổi hẳn lên, trí tuệ tập thể đã đề ra phương án tác chiến: Phòng Cảnh sát hình sự dốc toàn lực truy tìm những kẻ bắt cóc cháu Tô Rô; triệt phá các băng cướp có vũ trang vừa để bảo vệ bình yên cho nhân dân, vừa nhằm đấu tranh, khai thác đối tượng, hy vọng sớm lần ra manh mối; điều tra, bóc gỡ tổ chức bắt cóc khét tiếng từ trước giải phóng do Trương Chí Minh cầm đầu; lên danh sách, rà soát số Tây lai sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.
- Chuyên án Thanh Nga, điều tra vụ con trai Kim Cương à?
Câu nói của ai đó khiến mọi người thấy thích thú, cười ồ. Trịnh Thanh Thiệp vui vẻ:
- Đúng vậy, nạn nhân nhí này đã giúp chúng ta xác định được nhiều dấu vết tội phạm đấy!
Sau ngày bé Tô Rô trở về nhà, Đội trọng án của Hai Thành quyết định tiếp cận cháu để phác họa bóng dáng những kẻ giấu mặt. Út Lệ, nữ trinh sát xinh đẹp, nói năng nhẹ nhàng đóng vai bạn thân dì Kim Quang (em ruột Kim Cương), hằng ngày đến chơi với Tô Rô, dắt đi công viên, chơi đu quay, thú nhún... Cô cháu cùng ăn kem, uống nước ngọt, ríu rít nô đùa. Hàng tuần liền nhẫn nại trò chuyện, dọ hỏi về thời gian Tô Rô xa mẹ, Út Lệ đã cung cấp cho đơn vị những chi tiết chung chung nhưng quý báu: 2 kẻ bắt cháu là cậu Tư, chú Sáu, di chuyển bằng xe honda đi quãng đường rất xa, qua 2 chiếc phà.
Nơi Tô Rô bị giam giữ là căn nhà cửa sơn màu xanh, có cối xay bột, không có điện, không ti vi, thắp đèn dầu. Trong nhà có chị Sáu, Út Tân, Đức mập, anh Bình, có bà già ốm nhom, Đức mập hay tranh ăn và đánh cháu, ở đây gọi mẹ bằng "măng". Gần nhà có sông, nhà máy ống khói bự, có quán cà phê, bán bánh tiêu. Tô Rô được xem múa lân, ông Địa rớt xuống sông, cháu được xem cả đám ma. Hôm về, cậu Tư, chú Sáu chở Tô Rô bằng xe máy, đi từ sáng, buổi trưa nghỉ ăn cơm, chiều tối mới về nhà trong hẻm, không có ti vi...
Vợ chồng Trần Đức Thuận
Lực lượng trinh sát hùng hậu tỏa đi khắp các địa phương lần tìm những ngôi nhà, chòm xóm, con người có đặc điểm như bé Tô Rô kể lại. Đội trưởng trọng án Võ Tấn Thành, đội phó Phạm Văn Thịnh, các trinh sát tài ba như Dương Minh Ngọc, Mai Tấn, Hồ Sĩ Thả... liên tục thay phiên nhau đưa Tô Rô từ Sài Gòn đi các tỉnh, nơi phải qua những con phà. Dấu chân trinh sát trải dài từ bến đò Thủ Thiêm, ngược Long Thành, về Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long...
"Đúng rồi, cậu Tư, chú Sáu cho con đi phà này", nhiều lần cháu bé năm tuổi reo lên như vậy, báo hại các chiến sĩ công an phải mở rộng địa bàn kiếm tìm căn nhà bên sông có cánh cửa màu xanh, gần nhà máy ống khói đen sì. Tại TP.Hồ Chí Minh, Tô Rô được đưa tới những con hẻm không có điện, vùng ngoại thành để cháu nhớ ra nơi đã ở một đêm trước khi về với gia đình. Những cuộc rong chơi bất đắc dĩ hao tốn thời gian, sức lực chưa thu được kết quả phải tạm ngưng khi vợ chồng Thanh Nga lâm nạn...
Lần về hang ổ
Phục hồi điều tra vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương, bé Tô Rô tiếp tục trở thành nhân chứng quan trọng giúp cơ quan công an phác họa bóng dáng kẻ ngoài vòng pháp luật. Cha bé là anh Trần Trọng Thức vẫn bảo lưu lời khai: kẻ nhận túi vàng từ tay anh như lai Âu Phi, nếu có ảnh hoặc gặp mặt sẽ nhận dạng được.
Phối hợp với Phòng công tác người nước ngoài và cảnh sát khu vực toàn thành phố, các sĩ quan hình sự lên danh sách, lập bản ảnh hơn 2.000 người lai Tây. Gần chục trường hợp được anh Thức xem xét kỹ lưỡng, xác định na ná giống kẻ nhận vàng, nhưng khi đối diện anh lại đều lắc đầu. Địa bàn cư trú của số đối tượng này sau đó được xác minh, không nơi nào có đặc điểm như bé Tô Rô mô tả.
Đối tượng giao dịch qua điện thoại công cộng
Kiên trì rà soát những gã Tây lai, trinh sát phát hiện Ven-xăng Ca-rê, ngụ quận 3, liên quan tới một tổ chức tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Gã lai Pháp này là em cùng mẹ khác cha với Nguyễn Thị Ái My, vợ Trần Đức Thuận, cầm đầu băng cướp Sòng Sơn khét tiếng dưới thời Mỹ ngụy. Em gái Thuận là Trần Thị Ngọc Liên lấy Lê Văn Giỏi, tên trùm du đãng có tài bắn súng ngắn bằng cả 2 tay, trở thành trợ thủ đắc lực của Thuận.
Chuyện kể rằng, trước đây trên đường Trương Minh Ký có ngôi đền Sòng Sơn vô cùng linh thiêng, nhiều quan chức chế độ cũ thường đến đây cúng bái cầu an, đám vợ con tướng tá ngụy liên tục tới van vái xin hưởng lộc trời, suôn sẻ trong các cú áp phe và khấn nguyện cho chồng, cha ra trận không bỏ mạng. Cậy có cận vệ theo sát hầu hạ, các quý bà, quý cô mặc sức khoe của, vàng bạc, châu báu rủng rỉnh đầy mình, lập tức lọt vào tầm ngắm băng cướp Trần Đức Thuận. Chúng xuất quỷ nhập thần, dùng súng uy hiếp lột sạch tài sản, sẵn sàng nhả đạn nếu ai kháng cự. Bị các mệnh phụ phu nhân không thôi chì chiết, cảnh sát ngụy phải tung quân trấn áp, tém dẹp cả băng đày ra Côn Đảo.
Sau ngày giải phóng, thực hiện chính sách khoan hồng, chính quyền cách mạng lâm thời thả hầu hết tù hình sự cộm cán từ các trại Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa... trong đó có anh em Thuận, Giỏi. Tinh thần nhân đạo nửa vời này để lại hậu quả nặng nề: hàng trăm băng đạo tặc hoành hành; cùng với những cái tên hắc ám Võ Tùng Hội, Nguyễn Đức Đoan, Bùi Văn Đắc, Bạch Hải Đường, Nguyễn Khắc Lễ, Điềm Khắc Kim... đám Thuận - Giỏi cũng thành lập, vận hành băng cướp mới, chuyên tấn công những người đi mua sắm nữ trang, đá quý từ các tiệm vàng. Các phi vụ của chúng đều trúng mánh do vợ hai tên đầu sỏ luôn bồng con nhỏ làm nhiệm vụ theo dõi, đề-lô cho đồng bọn hành động mau lẹ, chính xác. Thông thạo địa bàn, đánh nhanh rút gọn, táo tợn và quỷ quyệt, băng cướp Trần Đức Thuận luôn bóng chim tăm cá.
Vũ khí thu giữ của Thuận
Hồ sơ trinh sát ghi nhận 2 tên Thuận - Giỏi thường sử dụng xe honda 67 màu đen, súng P38 làm phương tiện gây án. Đáng lưu ý, đồng đảng của Thuận có gã lai Tây, gia đình Thuận tá túc gần nơi xảy ra vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương. Bởi vậy, Ban chuyên án chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự tập trung lực lượng triệt phá băng cướp Sòng Sơn, ngăn chặn bàn tay tội ác và hy vọng sớm lần ra băng bắt cóc tống tiền.
Phải khó nhọc lắm các chiến sĩ công an mới phát hiện vợ chồng Trần Đức Thuận ẩn náu tại nhà bà Hiệp Thành, mẹ ruột Ái My, ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Kế hoạch vây bắt tên tướng cướp được tính toán tỷ mỷ bởi y có vũ khí, liều lĩnh và rất manh động, từng nổ súng gây thương vong tổng cộng gần 30 người. Sau cùng, các sĩ quan chỉ huy quyết định lựa chọn phương án nhờ chị cán bộ hộ tịch địa phương tới nhà bà Hiệp Thành mời vợ chồng Thuận lên ủy ban xã làm chứng minh nhân dân.
Bến phà nghi vấn bọn bắt cóc đi qua
Được mẹ vợ thông báo lại, Thuận mừng rỡ vì sắp có giấy tờ hợp pháp để đi lại, cư trú, song hắn vẫn lưỡng lự sợ bị tóm cổ. Gã cho người nhà đi nghe ngóng động tĩnh, xem có công an phục kích hay không rồi mới dẫn vợ ra xã. Gần tới ủy ban, Thuận bảo vợ vào trước thăm dò. Tuy nhiên, sự cẩn trọng của hắn lúc này cũng bằng thừa, trinh sát bất ngờ xuất hiện buộc tên tội phạm ma mãnh phải thúc thủ.
Đưa vợ chồng Thuận về cơ quan điều tra để đấu tranh khai thác, một tổ công tác làm nhiệm vụ chốt chặn tại xã Tân Hiệp, đón lõng bắt giữ các tên đồng bọn. Ngày đầu tiên bám trụ, các chiến sĩ công an nhận thấy ngôi nhà của bà Hiệp Thành có nhiều nét giống như bé Tô Rô mô tả; thời điểm sau lễ Noel 1977 trong ấp Tân Thới, xã Tân Hiệp có múa lân, có cả đám ma. Khả năng đây là nơi giam giữ con trai Kim Cương, ai nấy đều phấn khởi vì dường như cuộc truy xét đã đi trúng hướng...
(Còn tiếp...)
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ án câu dầm làm đau đầu Ban giám đốc CATP và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ. Nhìn lại chặng đường hơn một tháng qua, lực lượng công an đã dốc hết sức mình, làm việc...