Chuyên án Thanh Nga - chiến công xuất sắc của lực lượng CAND: Giáp mặt "hùm xám"
Nhắm thẳng vào hai tên cướp đang rạp mình trên chiếc Honda 67, Đội phó Thịnh quyết định nổ súng, một viên trúng pô xe, viên kia găm vào lưng tên ngồi sau. Hắn nẩy người lên rồi một tay ôm chặt bụng gã cầm lái, tay còn lại móc lựu đạn thả xuống đất. Các xe trinh sát đang đuổi theo buộc phải dừng lại, mọi người cùng nằm rạp để tránh...
Tình huống bất ngờ
Mấy ngày sau, kẻ bắt cóc cháu Phương điện thoại cho bà Trịnh Thị Bạch Bích:
- Thưa bà, tôi là Hải Phong, người đang giữ cậu ấm nhà bà, xin trả lời 2 câu hỏi của bà, vết sẹo ở chân cháu do bỏng nước sôi, dượng cháu ngoài Hà Nội tên Quốc. Bà có yêu cầu gì thêm không ạ?
Tin chắc người mẹ đau khổ đang thương nhớ và lo lắng cho con, hắn cười nham nhở rồi cất giọng nhẹ nhàng:
- Thưa bà, điều kiện chúng tôi đặt ra bà lo liệu đến đâu rồi?
- Các ông đòi cao quá, gia đình không có khả năng lo được. Xin ông bớt giùm cho, hiện chúng tôi đã có 15 lượng! - Bà Bích nài nỉ.
- Bà cố gắng lo thêm đi, việc bớt cho bà hay không tôi còn hỏi ý kiến anh em đã. Tôi khuyên bà đừng cho người thứ 3 biết chuyện của chúng ta, hậu họa xảy ra bà ráng chịu!
Hôm sau kẻ bí ẩn tiếp tục gọi điện cho bà Bích. Bà thông báo mới vay mượn bạn bè 5 lượng, tổng cộng đúng 20 lượng vàng. Hắn bảo "thôi được rồi, bà cứ để đó chờ chúng tôi sắp xếp".
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính bọn này đã bắt cóc bé Tô Rô, theo suy luận chúng cũng là thủ phạm trong vụ án Thanh Nga. Ban giám đốc CATP chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự huy động lực lượng, tập trung phương tiện, được phép sử dụng mọi cách đánh khám phá bằng được vụ bắt cóc cháu Phương. Các mũi truy xét băng tội phạm Trương Chí Minh được lệnh rút về phục vụ trận chiến mới.
Kế hoạch giăng lưới đảm bảo đối tượng không thể thoát, con tin phải an toàn. Đó là ý chí quyết tâm của các chiến sĩ hình sự. Các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt được triển khai, hàng chục trinh sát bỗng "đổi nghề" thành đánh giày, đạp xích lô, sửa xe lề đường, bán báo... dọc tuyến Nguyễn Minh Chiếu, giám sát tất cả mọi cuộc đi lại, giao tiếp của gia đình bác sĩ Lã Hỷ.
Nghệ sĩ Thanh Nga
Thời gian nặng nề trôi, dù ngày nắng hay mưa, đêm lạnh tê người, đội ngũ trinh sát vẫn kiên trì bám trụ. 16 giờ 30 ngày 21/3/1979, bà Bích dắt xe đạp ra khỏi nhà, túi xách toòng teng trên tay lái. Nhìn vẻ mặt căng thẳng, điệu bộ bất thường, các chiến sĩ công an xác định bà Bích đi giao vàng. Lập tức đội phó trọng án Phạm Văn Thịnh đạp xích lô chở đồng đội Mai Tấn, 2 Phó phòng CSHS Ba Tân, Tư Trung chạy xe Honda 67 và Lambretta, các trinh sát Thắng, Thảo đi xe đạp thong thả bám theo. Lát sau, 2 xe máy của tổ săn bắt cướp do Phó phòng CSHS Phan Thanh chở Nguyễn Minh Tâm, Dương Minh Ngọc chở Nguyễn Văn Cửng được điều tới hỗ trợ tác chiến...
Bà Bích dừng lại trước số 95 Phan Đăng Lưu, dáng tần ngần như chờ đợi ai. Xe trinh sát tản ra xung quanh, giữ khoảng cách vừa phải để không bị lộ. Một thanh niên bước đến chỗ bà Bích nói câu gì đấy, bà Bích vén vạt áo móc túi vàng từ thắt lưng ra giao cho hắn. Gã thanh niên chộp lấy rồi chạy nhanh về phía con hẻm cách đó chừng mươi mét. Đội phó Thịnh gò lưng đạp xích lô tới, các xe khác cũng nhích dần về hướng con hẻm. Bỗng một chiếc honda 67 màu đen biển số 65-645 HX từ bên kia đường lao vọt qua, tên vừa nhận vàng tót lên yên xe.
- Đứng im, giơ tay lên! - Đội phó Thịnh nhảy khỏi xích lô, rút súng hô lớn.
Tên ngồi sau xe 67 ngoái đầu lại, giơ tay nhưng gã cầm lái đã rồ ga phóng vút vào hẻm. Ba phát súng cảnh cáo vang lên, chúng vẫn cố tháo chạy. Đội phó Thịnh bắn tiếp 2 phát, một viên trúng pô xe, viên kia găm vào lưng tên ngồi sau. Hắn nẩy người lên rồi một tay ôm chặt bụng gã cầm lái, tay còn lại móc lựu đạn thả xuống đất. Các xe trinh sát đang đuổi theo buộc phải dừng lại, mọi người cùng nằm rạp để tránh. Lựu đạn không nổ do kẻ ném hoảng loạn quên rút chốt, tuy nhiên chúng cũng làm chậm bước tiến của lực lượng truy kích.
Chiếc Honda 67 của bọn tội phạm gầm rú với tốc độ kinh hoàng, luồn lách đến rợn người. Xe trinh sát vẫn cố gắng đeo bám. Một con chó từ đâu đột ngột xộc ra đâm vào đầu xe của Ngọc, Cửng khiến họ đổ vật xuống đường. Phó phòng Phan Thanh chạy chiếc Vespa ngay đằng sau không tránh kịp cũng té theo. Cố nén đau, các chiến sĩ săn bắt cướp dựng xe tiếp tục cuộc đua nguy hiểm. Tới một ngã ba, thấy chiếc mũ đỏ của tên cầm lái rớt ở nhánh đi về Gò Vấp, lực lượng truy đuổi lao theo hướng này. Bóng dáng 2 tên gian đã mất hút. Các chiến sĩ hình sự không biết đã mắc lừa, chúng chạy ra cầu Bình Lợi nhưng ném chiếc mũ sang phía bên kia để đánh lạc hướng.
Đại tá Phạm Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng CSGT Công an TPHCM - Đội phó trọng án năm xưa
Trước tình thế nước sôi lửa bỏng, Phó Giám đốc CATP Cáp Xuân Diệm chỉ đạo cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại các chốt đèn, cửa ngõ ra vào thành phố bắt giữ ngay chiếc honda 67 màu đen chở người bị bắn. Từ trung tâm chỉ huy, Trưởng phòng cảnh sát hình sự Trịnh Thanh Thiệp xót xa nhìn các xe trinh sát lần lượt trở về trong thất vọng, 4 chiến sĩ thương tích. Anh triệu tập ngay phiên họp triển khai kế hoạch săn lùng kẻ trốn chạy. Đội phó Phạm Văn Thịnh nêu ý kiến:
- Với kinh nghiệm từ chiến trường, tôi thấy đứa trúng đạn giật nẩy người lên rồi oằn mình chứng tỏ bị thương rất nặng, không cơ sở y tế tư nhân nào chữa trị được.
Trung tá Trịnh Thanh Thiệp dõng dạc:
- Nếu vậy, chúng ta hãy chia nhau vào các bệnh viện tìm kiếm. Riêng tôi đề xuất Ban giám đốc yêu cầu cảnh sát khu vực toàn thành phố rà soát các phòng khám tư nhân, đề phòng chúng liều mạng mò tới.
Chạy đua với thời gian
Hơn 21 giờ, trinh sát báo cáo: một nam thanh niên bị thương vừa được người nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, anh ta bị bắn từ lưng xuyên qua bụng, hiện đang nguy kịch. Trịnh Thanh Thiệp cử Đội trọng án tiếp cận đối tượng. Đội phó Thịnh nhận ngay ra kẻ đã lãnh phát đạn của anh. Đại úy Võ Tấn Thành tranh thủ lấy cung nhưng hắn nằm bất động, chỉ thoi thóp thở. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ thị cho y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy bằng mọi giá phải cứu sống hắn.
Qua chị Trần Thị Tốt, người đưa kẻ bị bắn đi cấp cứu, các chiến sĩ công an ghi nhận: anh ta tên Nguyễn Văn Hóa, thường trú xã Thạnh Nghĩa, huyện Tân Biên, Tây Ninh, được bạn là Hai Tân chở về nhà mẹ ruột Hóa ở đường Văn Thân, quận 6 lúc chập tối. Trước đây Hóa - Tân cùng ở vùng kinh tế mới Hậu Giang, sau này mỗi khi lên thành phố Tân thường ghé thăm Hóa.
Đội phó Đội trọng án Thịnh quyết định nổ súng
Bố trí trinh sát ở lại canh chừng và bảo vệ Hóa, không để đồng bọn manh động tìm cách đánh tháo hoặc trừ khử diệt khẩu, Hai Thành "phi" ngay sang quận 6. Mẹ Hóa rầu rĩ trình bày: "Tôi hỏi lý do con trai bị thương, Hai Tân không nói, bảo phải đưa đi bệnh viện nhưng hắn không chịu, xách xe máy chạy đi chở về một ông bác sĩ. Ông này xem xét vết thương cho Hóa rồi lắc đầu, bấy giờ Tân mới đồng ý cho gia đình tôi kêu xích lô đưa Hóa vào bệnh viện. Trước khi bỏ đi, Hai Tân dúi cho Hóa 3 cây vàng và nói "phần của mày". Hai Tân họ tên cụ thể thế nào, ở đâu, tôi không biết...".
Ba lượng vàng được thu hồi, bà Trịnh Thị Bạch Bích nhìn thương hiệu, khẳng định chính là vàng bà giao cho bọn bắt cóc. Đã bước sang ngày mới, 22/3/1979, cuộc họp án khẩn cấp diễn ra tại phòng làm việc của Trung tá Trịnh Thanh Thiệp. Đại tá, Phó Giám đốc CATP Cáp Xuân Diệm yêu cầu lực lượng hình sự phải nhanh chóng làm rõ tung tích và truy bắt bằng được tên Tân, không để hắn xa chạy cao bay, tẩu tán tài sản.
Trời mờ sáng, đội phó Phạm Văn Thịnh dẫn một mũi trinh sát nhằm hướng Tây Ninh trực chỉ. Chiếc xe hơi cũ kỹ của đơn vị hỏng hóc dọc đường, mãi đến chiều mới về tới địa phương tên Hóa tá túc. Lai lịch y được phác họa: sinh năm 1953 tại Sài Gòn, học hết lớp 9 thì đăng lính không quân ngụy, cấp bậc hạ sĩ... Vợ Hóa cho hay, cách đây mấy ngày Hai Tân bận bộ đồ jean, đội mũ đỏ, đi xe honda 67 tới nhà rủ Hóa lên thành phố làm ăn, hai người quen biết nhau từ hồi cùng ở khu phế binh Thủ Đức.
Đội phó Thịnh (sau này là đại tá, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TPHCM) kể lại: "Có ý kiến trong Ban chỉ huy Phòng CSHS cho rằng tên chủ mưu vụ bắt cóc không dám lộ diện mà cử đàn em đi nhận vàng. Riêng tôi suy nghĩ kẻ cầm đầu phải xuất hiện, trực tiếp đi nhận chứ không thể để số tài sản lớn lọt vào tay ai được. Phân tích lời khai, thái độ của người nhà tên Hóa, khả năng Hai Tân là thủ lĩnh, chúng tôi rất nóng lòng làm rõ về hắn nhưng hồi ấy đường sá không thuận lợi, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc khó khăn nên sốt ruột đến mấy cũng phải chờ đợi...".
Tại làng phế binh Thủ Đức, trinh sát phối hợp với bộ phận tàng thư sàng lọc cả buổi mới lần ra hồ sơ những kẻ cần tìm. Hai Tân họ tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tân, SN 1943 tại Đà Lạt, học hết năm 2 cử nhân văn khoa thì đi lính, làm thông dịch viên ở ở Bộ tổng tham mưu ngụy, cấp bậc trung sĩ. Năm 1970, Tân bị tòa án binh chế độ cũ phạt giam 18 tháng do đào ngũ, sau đó lãnh thêm một năm tù về tội trộm cắp. Đầu năm 1975, gia đình Tân chuyển về làng phế binh Thủ Đức sinh sống, đến tháng 10 đi kinh tế mới thuộc ấp Ngăn Rô, xã Đại Ân 2, huyện Long Phú, Hậu Giang. Thời gian ở Thủ Đức, Tân có 2 gã bạn thân là Hóa và Nguyễn Văn Đức (SN 1952), trung sĩ hải quân ngụy. Hay tin tên gọi khác của Đức là "chú Sáu" và hiện cư ngụ cùng xã với Tân, trinh sát hết sức mừng rỡ, khẳng định chúng chung một giuộc.
Nhẩm tính từ Sài Gòn đi Hậu Giang phải mất cả ngày, qua 2 con phà Mỹ Thuận và Cần Thơ, miền Tây lắm sông rạch, vùng nông thôn thường không có điện..., các chiến sĩ công an liên tưởng tới lời kể của bé Tô Rô, hy vọng đây sẽ là sào huyệt của ổ tội phạm. Phó phòng CSHS Phan Thanh, đội phó Thịnh chỉ huy một tốp trinh sát thiện chiến khẩn trương hành quân về Hậu Giang giăng lưới.
Đã có ảnh tên Tân thu thập từ làng phế binh Thủ Đức, lệnh truy nã đặc biệt đối với y được ban hành toàn quốc, tại TPHCM triển khai tới từng ô khu vực. Công an các phường xã có trách nhiệm kiểm tra, rà soát hệ thống nhà trọ, khách sạn, phòng cho thuê và phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Bộ Công an yêu cầu công an các tỉnh có đường biên giới tích cực tuần tra, canh gác, không để Nguyễn Thanh Tân bỏ trốn ra nước ngoài...
Bên cạnh nỗi lo chưa bắt được kẻ đào tẩu, các chiến sĩ hình sự còn canh cánh trong lòng về số phận con trai bác sĩ Lã Hỷ. Đối tượng đi nhận tiền chuộc bị bắn hạ, không biết bọn bắt cóc có điên cuồng trả thù đê hèn?
(Còn tiếp...)
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng trinh sát được tăng cường về nơi vợ chồng Trần Đức Thuận - Nguyễn Thị Ái My nương náu trước khi bị bắt để mở rộng điều tra. Đi sâu vào quần chúng, các...