Chuyên án Thanh Nga - Chiến công xuất sắc của lực lượng CAND: Căng thẳng trong phòng họp án
Không khí căng thẳng bao trùm phòng họp. Các ý kiến tranh luận gay gắt nhằm làm rõ động cơ gây án, bởi đó là mấu chốt định hướng truy lùng hung thủ. Đã từng bị ám sát hụt bằng lựu đạn tại rạp Lux B hồi tháng 3/1978, chẳng lẽ nữ nghệ sĩ phải nhận cái chết đau xót từ vai Dương Vân Nga? Vì sao Đổng Lân lại cùng chung số phận? Tính chất vụ án là chính trị hay hình sự?
MỌI KHẢ NĂNG ĐỀU CÓ THỂ
Sáng 27/11, đ/c Mai Chí Thọ - Phó Bí thư Thành ủy kiêm Giám đốc CATP - chủ trì cuộc họp án với sự tham gia của các Phó Giám đốc, Công an quận 1, lãnh đạo 6 phòng nghiệp vụ an ninh và hình sự. Mở đầu, đ/c Giám đốc thông báo: Bộ trưởng Bộ Công an rất quan tâm đến vụ án, đã giao Thứ trưởng Trần Quyết trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và cử Đại tá, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Trần Lung từ Hà Nội vào phối hợp đánh án; Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt yêu cầu lực lượng công an phải bắt bằng được thủ phạm trong thời gian sớm nhất để ổn định dư luận.
Khả năng về chính trị được đưa lên hàng đầu, bởi đây là thời điểm an ninh quốc gia diễn biến vô cùng phức tạp, chiến tranh biên giới nổ ra, quan hệ giữa ta và nước láng giềng đang xấu đi, các tổ chức nhen nhóm phản cách mạng hoạt động mạnh. Trong khi đó, đoàn cải lương Thanh Minh mặc dù nhiều lần nhận được thư nặc danh hăm dọa, cấm đoán nhưng vẫn thường xuyên công diễn những vở tuồng chống quân xâm lược phương Bắc, đả kích giai cấp tư sản, riêng Thanh Nga luôn đóng vai chính về các anh hùng dân tộc, thổi vào lòng quảng đại quần chúng tinh thần yêu nước bất khuất.
Đáng lưu ý, trong bức thư ký tên “người con gái xa lạ” gởi cô Ba (Thanh Nga) mới đây, kẻ giấu mặt tiết lộ tại quán cà phê trên đường Cao Thắng, nơi đám tàn binh ngụy hay tụ tập, có 2 gã đàn ông bàn việc “bấm nút” giết Thanh Nga, kế tiếp là Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… Xâu chuỗi lại các sự kiện, Ban chuyên án nhận định có thể bọn phản động, đặc vụ, gián điệp đã ra tay để tạo tiếng vang, cảnh cáo và gây hoang mang trong giới nghệ sĩ; mục tiêu chính chúng nhắm vào là Thanh Nga, hạ sát luôn cả chồng để bịt đầu mối. Xét nhân thân Đổng Lân vốn là dân biểu chế độ Việt Nam cộng hòa, Chánh văn phòng Bộ Thông tin chiêu hồi, không loại trừ ông bị tình báo đế quốc, CIA thủ tiêu vì một lý do bí mật nào đó, buộc phải thanh toán cô vợ để diệt khẩu và đánh lạc hướng.
Một buổi họp án.
Khía cạnh hình sự của vụ án cũng được bàn luận sôi nổi với những căn cứ: đoàn Thanh Minh nói chung, nghệ sĩ Thanh Nga nói riêng ngày càng nổi tiếng, do yếu tố cạnh tranh nghề nghiệp làm nảy sinh mâu thuẫn trong quyền lợi, ganh ghét, đố kỵ về tài năng dẫn đến tàn sát lẫn nhau. Vấn đề quan trọng hơn, Đổng Lân đã 2 đời vợ, Thanh Nga cũng từng lấy chồng, bỏ lại sau lưng không ít kẻ có máu mặt đắm đuối mà tuyệt vọng trước giai nhân. Thù tức tình ái muôn đời vẫn xảy ra bao chuyện đau lòng, liệu có kẻ cuồng si nào manh động rửa mối hận tình? Từ những tình tiết thu thập ban đầu, không thể không nghĩ tới một vụ bắt cóc tống tiền bất thành dẫn đến án mạng…
Ai cũng có lý khi trình bày quan điểm của mình. Dấu vết tội phạm mong manh, phía nạn nhân có vô vàn điều để nghi vấn, thật không dễ xác định ngay những kẻ thủ ác bắn giết cả hai vợ chồng vì ý đồ gì. Thế nên, hướng khoanh vùng đối tượng rất mơ hồ.
“Mọi khả năng đều có thể”, đ/c Giám đốc chốt lại rồi chỉ đạo các lực lượng CATP cùng bắt tay vào cuộc, bộ phận bảo vệ chính trị đi sâu tấn công các tổ chức, phần tử phản động, CIA, đám tướng tá, sĩ quan ngụy và các băng đâm thuê chém mướn; cảnh sát hình sự khẩn trương xác minh các mối quan hệ xã hội để điều tra, làm rõ thái độ, việc sử dụng thời gian của những người có mâu thuẫn về tiền bạc, nghề nghiệp, luyến ái với nạn nhân, rà soát các băng cướp có vũ khí và bọn bắt cóc tống tiền. Những việc cần làm ngay là yêu cầu công an các phường, xã báo cáo những chiếc honda 67 màu đen về nhà sau 23 giờ đêm 26/11, truy tìm chiếc Volkswagen màu vàng bám theo xe vợ chồng Thanh Nga trước lúc xảy ra vụ án, phúc tra lại lời khai các nhân chứng…
“GÃ GÁC CỬA” BÍ ẨN
Người bị nghi ngờ đầu tiên là Nguyễn Văn Các. Trước giải phóng, anh ta thuộc binh chủng biệt động quân, là con nuôi người bạn thân nên được bà bầu Thơ đưa về làm nhiệm vụ soát vé, xếp chỗ ngồi, giữ gìn trật tự khi đoàn Thanh Minh biểu diễn. Sau vụ Thanh Nga bị khủng bố bằng lựu đạn, nghe nói Các võ nghệ cao cường, bà bầu Thơ giao anh ta thêm việc bảo vệ nữ nghệ sĩ, lương trả hậu hĩnh. Hàng ngày, Các phải hộ tống, theo sát Thanh Nga từ nhà tới rạp và trên đường ra về.
Ở vụ án này, thật trớ trêu, người được bảo vệ là vợ chồng Thanh Nga đều thiệt mạng, vệ sĩ lại sống nhăn, mới một cái đạp đã nằm bẹp dí mà chẳng hề có phản ứng gì, mặc thân chủ trong cơn hoạn nạn. Lời khai của Các nhiều điểm không hợp lý. Anh ta nói tên cầm súng đứng ngay sau lưng, nếu đúng như vậy thì giỏi võ như Các chỉ một cú xoay người là hạ gục được đối thủ. Các bảo bị đạp ngã úp mặt vào trong xe, thế nhưng mấy lần Đại úy Võ Tấn Thành cho thực nghiệm, Các đều đập đầu vào thành xe rồi bật ngửa. Xem xét kỹ toàn thân anh ta không có bất cứ dấu vết sây sát nào.
Trong bức thư của “người con gái xa lạ” gởi cô Ba Thanh Nga, có 2 chi tiết khiến Ban chuyên án liên tưởng đến Nguyễn Văn Các. Thứ nhất, “cô gái” kia nghe lỏm được chuyện 2 tên bàn bạc “bấm nút” giết Thanh Nga, một tên nói rằng “có gì tao sẽ kêu thằng gác cửa giúp mày”. Cuối thư, tác giả nhắc nhở “cô Ba nhớ kiểm tra những người gác cửa…”. Thứ hai, Các có mối quan hệ thân thiết với chủ quán cà phê nơi diễn ra cuộc thảo luận trên. Đối chiếu với công việc tổ trưởng trật tự của Các, mỗi tối biểu diễn thường đứng canh cửa soát vé, liệu anh ta có phải là gã gác cửa như lời cảnh báo? Băng sát thủ ập tới đúng lúc Các vừa mở cổng, xe Volkswagen đã đậu trong sân, kẻ gian tự do hành động cứ như có sự sắp đặt từ trước…
Trinh sát được lệnh theo dõi mọi di biến động của Các, thấy anh ta vẫn bình tĩnh, giữ nếp sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu bỏ trốn, thái độ luôn buồn bã và tỏ ra ân hận. “Chưa có ai đối xử với tôi tốt như cô Ba. Hôm ấy chúng nó bắn tôi chết đi còn hơn là để sống mà ôm nhục thế này”, Các bộc bạch với nhiều người như vậy. Kết quả xác minh, Các thường xuyên lui tới quán cà phê nêu trên là để tuồn vé cho chị chủ bán giá chợ đen kiếm tiền tiêu xài chứ không giao du với các thành phần bất hảo. Ban chuyên án nhận định, khả năng Các khiếp vía trước họng súng, hèn nhát chẳng dám kháng cự, tinh thần hoảng loạn nên khai báo thiếu chính xác chứ không thông đồng với bọn giết người. Hướng điều tra về Các tạm gác lại khi bé Cúc Cu phát giác kẻ bắn ba má mình xuất hiện trong đám tang. Đối tượng này càng lúc càng hấp dẫn các chiến sĩ hình sự.
“ÔNG NÀY BẮN BA MÁ CON…”
Dòng người chen chúc trong và ngoài Bệnh viện Sài Gòn khi hay tin nữ hoàng sân khấu lâm nạn. Giờ khâm liệm, không ai cầm được nước mắt, ngậm ngùi nhìn mặt thần tượng lần cuối. Anh thợ chụp ảnh bấm máy liên tục, như cố ghi lại khoảnh khắc biệt ly đau đớn. Linh cữu vợ chồng Thanh Nga sau đó quàn ở trụ sở Hội nghệ sĩ thành phố, số 81 Trần Quốc Thảo. Hàng vạn người hâm mộ từ khắp các tỉnh thành kéo về thắp nhang tưởng niệm khiến anh phó nháy tất bật. Thấy bé Cúc Cu, anh ta hướng ống kính tới. Đèn flash vừa lóe sáng, cậu bé ù té chạy, hét toáng lên:
- Ông này ba xạo, bắn ba má còn làm bộ chụp hình!
Tay chụp ảnh thoáng sững người, mặt biến sắc khi có nhiều cái nhìn soi mói. Câu nói bất ngờ của con trai Thanh Nga cùng thần thái của gã thợ ảnh không qua khỏi mắt đội trưởng trọng án Hai Thành. “Con nít thường không nói dối”, anh thầm nghĩ và ra hiệu cho trinh sát bám theo kẻ vừa bị lật tẩy. Thái độ gượng gạo, anh này chụp thêm ít kiểu rồi lẩn vào đám đông mất hút.
Để vuột mất đầu mối quan trọng, các chiến sĩ công an vô cùng day dứt khi con cháu bà bầu Thơ cho hay thợ chụp hình không biết ai kêu mà tới. Phải mất 3 ngày truy lùng, trinh sát mới phát hiện đối tượng làm việc tại tiệm ảnh Tân Kỳ trên đường Lê Lợi. Lai lịch được làm rõ: tên Trần Hiền Đình, 29 tuổi, vốn là trung sĩ hải quân ngụy, có mối quan hệ phức tạp với đám buôn bán chợ trời và một số người nước ngoài.
Nghi vấn về Đình cứ tăng lên với những tình tiết rất khó lý giải: trên đường đi, anh ta luôn có ý thức chống lại sự theo dõi; hôm đến nhà bà bầu Thơ trả ảnh, cháu Cúc Cu lại một lần nữa hoảng sợ bỏ chạy lúc giáp mặt; tổ chức nhận diện qua ảnh, trong nhiều khuôn mặt, vóc dáng, nhân chứng, Lương Thị Thu nhặt đúng ảnh Đình và nói: “người này na ná giống tên cao gầy cầm súng”; khi được Hai Thành đề nghị đóng vai bạn gái tới tiệm Tân Kỳ chụp ảnh lưu niệm, cô Thu vẫn chỉ vào Đình bảo giống kẻ đã bắn Thanh Nga…
Trần Hiền Đình lập tức bị triệu tập để thẩm vấn. Hỏi ai thuê chụp hình đám tang, Đình trả lời bà chủ sai đi. Hỏi chủ tiệm, bà bảo một ông lai Pháp tới báo gia đình nạn nhân cần người chụp ảnh… Đang rà soát các băng nhóm tội phạm hình sự, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp và Đại úy Võ Tấn Thành chợt nhớ đến vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, tên đi nhận vàng có bàn tay lông lá như Tây lai. Dường như cùng chung suy nghĩ, 2 sĩ quan chỉ huy mở sổ tay ghi đậm dòng chữ “gã Tây lai”.
- Anh hãy cho biết vào đêm 26/11 anh làm gì, ở đâu, ai chứng kiến? - Đang ân cần thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình, công việc làm ăn, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp bỗng cất giọng nghiêm nghị.
Trần Hiền Đình rúm người lại, vẻ lúng túng lộ rõ trên khuôn mặt.
- Dạ, thưa ông, bữa đó tôi ở nhà ba má tôi ạ! - Đình đáp bằng thái độ thiếu tự tin.
Trung tá Thiệp nhìn xoáy vào mắt anh ta:
- Có thật thế không?
Đình cúi đầu, nghĩ ngợi một lát rồi lí nhí:
- Thưa… tôi nhớ lại… tôi rửa ảnh suốt đêm tại tiệm…
Ở gian cạnh bên, Nguyễn Văn Các được bố trí ngồi cùng Phó phòng Cảnh sát hình sự Nguyễn Kiên Trung. Nghe tiếng Đình vọng qua, Các quả quyết:
- Đúng con người này, giọng nói này của đứa cầm súng đứng sau lưng tôi!
Cùng lúc ấy, các điều tra viên tới báo cáo kết quả giám định nguồn hơi. Chó nghiệp vụ xác nhận chiếc mũ vải thu tại hiện trường với áo lót của Đình là cùng một chủ…
(Còn tiếp...)
Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục giới thiệu loạt bài về vụ án Thanh Nga như là một món quà, trân trọng gửi đến độc giả, nhân dịp hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống...
Nguồn: [Link nguồn]