Chuyên án 813L bắt sát nhân vượt biên trốn nã

Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà Lê Văn Lực (SN 1987, xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa) đã dùng dao đâm chết một thanh niên cùng xã. Gây án xong, Lực vượt biên sang Trung Quốc nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.

Với bản tính côn đồ, ở xứ người hắn lại gia nhập “xã hội đen” và sống cuộc đời giang hồ. Nhưng chỉ được hơn 10 ngày, hắn đã bị lực lượng cảnh sát truy nã và Công an tỉnh Thanh Hóa đưa về quy án.

Vừa ra tù đã gây án

Theo hồ sơ của cơ quan Công an, Lê Văn Lực là người đã từng có tiền án về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Năm 2005, được người quen giới thiệu, Lực vào Gia Lai tìm việc làm.

Dù công việc lao động chân tay có vất vả, nhưng với sự tiết kiệm của người vợ, cuộc sống gia đình Lực cũng đủ ăn. Thế nhưng Lực lại lao vào mua tài sản bất hợp pháp của các đối tượng bất hảo, dù biết rằng tài sản đó do họ gây án mà có. Vì lòng tham này, năm 2011, Lực bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 2 năm tù giam. Tháng 3/2013, ra tù, Lực dẫn vợ con khăn gói trở về lại Thanh Hóa. Gia đình, bạn bè thấy thế cũng động viên Lực về quê để làm lại cuộc đời.

Thế nhưng Lực không làm lại cuộc đời như lời khuyên răn của cha mẹ, bạn bè mà lại… quay vào tù. Nguyên nhân bắt đầu từ một mâu thuẫn nhỏ trong trại hè thiếu nhi của Chi đoàn thôn Đồng Tiến (xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa). Hôm đó khoảng 20h ngày 30/7, khi Lê Văn Lực, Lê Ngọc Tuấn, Lang Văn Nam cùng nhiều thanh thiếu niên đang ăn uống, vui chơi tại nhà Văn hóa của thôn thì có 2 thanh niên ở thôn Cát Lợi (xã Hoằng Đại) là Lê Thế Hùng và Lê Trọng Nhân đến hỏi thuê đèn nháy về để phục vụ việc nhảy múa. Nhóm của Lực không đồng ý lời đề nghị của 2 thanh niên này. Chỉ có vậy nhưng lời qua tiếng lại rồi hai nhóm dẫn đến mâu thuẫn.

Chuyên án 813L bắt sát nhân vượt biên trốn nã - 1

Lê Văn Lực bị công an bắt giữ.

Sẵn men rượu trong người nên Lê Trọng Nhân liền đá vào người Lê Huy Mạnh, một người trong nhóm của Lực. Thế là cả nhóm của Lực xông vào đánh Nhân. Biết rằng gặp “ổ kiến lửa”, Nhân bỏ chạy nhưng Lực và Tuấn vẫn không tha, đuổi theo hòng bắt bằng được Nhân. Trước khi đuổi theo Nhân, Lực đã kịp thủ sẵn một con dao gọt trái cây.

Khi bắt kịp Nhân, Lực đã dùng dao nhọn đâm Nhân một nhát khiến Nhân gục tại chỗ. Em N.V.T (SN 1999, thôn Đồng Tiến) cho biết: “Lúc họ to tiếng rồi rượt đuổi nhau, chúng em cũng rất hoảng sợ, nhiều người bỏ chạy tán loạn. Em nghĩ họ chỉ tranh cãi với nhau chốc lát nhưng không ngờ Lực lại vung dao đâm anh Nhân làm anh ấy chết ngay tại chỗ”.

Sau khi đâm Nhân, nhóm của Lực lên xe bỏ đi. Nhân được người dân đưa đi cấp cứu nhưng vì vết thương quá hiểm nên đã tử vong ngay sau đó. Khi biết Nhân chết, Lực, Nam và Tuấn lập tức bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 2/8/2013, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Lực, Lê Ngọc Tuấn, Lang Văn Nam về tội giết người và gây rối trật tự công cộng. Đồng thời cơ quan công an đã ra quyết định truy nã đối với 3 đối tượng này.

Chuyên án 813L

Ngay sau khi Lực bỏ trốn, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Thanh Hóa đã thành lập chuyên án truy nã (PC52) mang bí số 813L truy bắt nhóm sát thủ. Theo nhận định ban đầu, các đối tượng có thể sẽ vào khu vực Tây nguyên, nơi trước đây Lực đã sinh sống để ẩn náu. Thế nhưng sau khi trinh sát xác minh thì Lực và đồng bọn không vào Tây nguyên.

Ban Chuyên án chuyển sang phương án rà soát các mối quan hệ của Lực, Tiến và Nam. Tuy nhiên, cơ quan công an vẫn không tìm được thông tin, dấu vết gì của Lực và đồng bọn. Lúc này, ban chuyên án quyết định sử dụng phương pháp tác động đến gia đình các đối tượng để nhờ người thân khuyên răn đối tượng ra đầu thú.

Xét nhân thân và đặc điểm tâm lý của từng đối tượng, ban chuyên án bắt đầu tác động từ đối tượng Lê Ngọc Tuấn. Được sự tác động của gia đình, Tuấn đã ra cơ quan công an đầu thú. Theo Tuấn khai báo, sau khi gây án, Tuấn, Lực và Nam đều sang Trung Quốc để ẩn náu. Vì đối tượng truy nã đã trốn sang nước bạn nên Ban chuyên án lên kế hoạch và quyết tâm tầm nã cho được Lực trong thời gian sớm nhất. Bởi nếu để Lực tiến sâu vào trong nội địa Trung Quốc thì việc bắt giữ Lực gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Trần Quốc Cường, Phó trưởng phòng PC52, Phó trưởng ban chuyên án 813L cho biết, vì đối tượng truy nã đang ở trên đất bạn nên việc bắt đối tượng phải được sự đồng ý và phối hợp của nước bạn. Được sự giúp đỡ của Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), ban chuyên án đã gửi công văn đề nghị Công an thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) phối hợp truy bắt đối tượng truy nã nhưng do Công an thành phố Đông Hưng đang bận giải quyết các vụ gây rối trật tự công cộng nên chưa hợp tác được.

Trước tình hình này, ban chuyên án đưa ra phương án tạo ra tình huống xua đuổi khiến đối tượng Lực phải rời Trung Quốc bỏ chạy về Việt Nam. Mặt khác, lực lượng cảnh sát truy nã của Công an Thanh Hóa rải quân chốt chặn tại cửa khẩu Móng Cái để đón lõng đối tượng Lê Văn Lực. Với việc sử dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng, kế hoạch của Ban chuyên án 831L đã thành công.

Cuộc truy bắt ngoạn mục

Sáng ngày 10/8/2013, Lê Văn Lực và huynh đệ giang hồ đang sát phạt nhau tại tầng 3 trong khu nhà trọ của người Việt Nam tại thành phố Đông Hưng thì bất ngờ có một “nhóm thanh niên” lạ từ đâu tới lao vào tìm Lực truy sát. Các huynh đệ của Lực liền bỏ quân bài xuống tấn công lại nhóm thanh niên này, đồng thời mở vòng vây cho Lực chạy thoát. Trước tình hình “ngàn cân treo sợi tóc” này, Lực đã nhảy từ tầng 3 xuống đất. Dù chân bị thương do cú nhảy này nhưng Lực vẫn cố hết sức bò ra bến sông Bắc Luân và bơi qua sông về Việt Nam.

Lúc này, ở bên phía Việt Nam, đã có lực lượng cảnh sát giăng sẵn để đón Lực. 14h cùng ngày, khi Lực vừa đặt chân lên cửa khẩu Ca Long (phường Trần Phú, TP. Móng Cái), thì lực lượng cảnh sát truy nã xuất hiện. Ngay lập tức, Lực bị tra tay vào còng và dẫn giải về Công an tỉnh Thanh Hóa. Trước khi di lý về Thanh Hóa, các trinh sát đã đưa Lực vào bệnh viện băng bó vết thương và cho ăn uống chu đáo…

Tại cơ quan công an, Lê Văn Lực khai, đêm 30/7, do uống quá nhiều rượu, lại bị kích động mạnh nên Lực đã gây ra trọng án. Biết nạn nhân đã chết, nghĩ đến sự trừng trị của pháp luật, hắn đã bỏ trốn ngay trong đêm đó. Đầu tiên, Lực đã bắt tatxi lên Hà Nội trú tại nhà một người quen. Trời chưa sáng, hắn đã ra bến xe Gia Lâm và tiếp tục bắt xe đi thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Vừa đến bến xe, Lực đã tỏ ra cáo già khi lủi vào một quán ăn bên đường để quan sát động tĩnh. Thấy tình hình yên ắng, sau khi ăn uống no nê, Lực lang thang đến khu vực cửa khẩu Móng Cái với mục đích tìm cách vượt biên sang Trung Quốc. Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an và cũng để có tiền sinh sống, Lực đóng giả một thương nhân mua bán vải thổ cẩm. Sau khi lân la dò hỏi những người thường qua lại Trung Quốc, Lực đã vượt biên trái phép sang thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) bằng đường tiểu ngạch.

Khi sang đến đất Trung Quốc, Lực tìm đến khu người Việt thuê nhà trọ và xin làm bốc vác để sinh sống. Nhóm cửu vạn mà Lực gia nhập có nhiều thành phần bất hảo, trộm cắp, đâm thuê chém mướn, bảo kê cho các nhà thổ, sòng bài. Thấy Lực xăm trổ đầy mình, bọn chúng hỏi Lực trước đây ở đâu, làm gì. Lực cũng chẳng ngần ngại tiết lộ việc mình đã từng ngồi tù và vừa đâm chết một mạng người.

Với lý lịch ấy, Lực được bọn đầu gấu nhận vào băng nhóm giang hồ. Cũng từ đây, ngoài công việc của cửu vạn, Lực còn kiêm việc bảo kê cho các động mại dâm, sòng bạc. Lực nghĩ rằng, hắn sang Trung Quốc thì cơ quan công an sẽ khó mà bắt được hắn. Thế nhưng, mọi tính toán của hắn đã thất bại, chỉ hơn 10 ngày bỏ trốn và làm “xã hội đen” bên xứ người, hắn đã sa lưới pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nam, Thái Thanh (Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN