Chuộc lại tài sản từ kẻ trộm, có bị đi tù?
Theo luật sư, việc khổ chủ chuộc lại tài sản đã mất từ các đối tượng trộm cắp được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Anh Nguyễn Hoàng Tân (trú TP Hà Nội) có câu hỏi: Tôi thấy một số trường hợp mất xe, mất ví hoặc tài sản khác và phải chuộc lại từ chính các đối tượng trộm cắp trên mạng xã hội. Tôi muốn hỏi việc chuộc lại tài sản của mình có phải là điều nên làm hay không? Việc chuộc tài sản này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu bị truy cứu thì khung hình phạt thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, trước tiên, anh Tân cần hiểu rõ khái niệm "tài sản do người khác phạm tội mà có". Căn cứ Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC giải thích khái niệm tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: trộm cắp xe máy).
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.
“Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp anh Tân nêu trên, khổ chủ hoàn toàn biết chiếc xe của mình đã bị mất trộm, là tài sản mà các đối tượng trộm đã chiếm đoạt được.
Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
Luật sư Bình cho hay, trong trường hợp hành vi nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự, Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đồi, bổ sung 2017 quy định hành vi Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Khi phát hiện bị mất cắp tài sản, bị hại nên đến cơ quan công an trình báo và nhờ pháp luật can thiệp, giải quyết. Sau khi cơ quan công an điều tra, làm rõ về vụ việc, thu hồi tài sản thì sẽ trả lại cho bị hại. Người mất tài sản không nên chuộc lại từ các đối tượng trộm cắp vì hành vi này còn tiếp tay cho việc trộm cắp, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật", luật sư Bình khuyến cáo.
Đồng quan điểm với luật sư Diệp Năng Bình, luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cũng nhận định việc chuộc lại tài sản bị mất từ các đối tượng trộm cắp là hành vi tiếp tay cho các đối tượng phạm tội và khuyến cáo người dân không nên làm việc này.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa.
Luật sư Giáp cho hay, trong trường hợp hành vi phạm tội có tính chất nghiêm trọng, người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có căn cứ theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có 5 khung hình phạt, trong đó khung hình phạt thấp nhất như luật sư Bình đã nêu ở trên.
“Còn khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 15 năm tù giam, phạt tiền 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản nếu như tài sản, vật phạm pháp có giá trị trên 1 tỷ hoặc thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng trở lên”, luật sư Giáp thông tin.
Nguồn: [Link nguồn]
Đang trộm tài sản thì kẻ trộm bất ngờ bị tên cướp tài sản đâm lén dẫn đến tử vong.