"Chỗ dựa" của người đàn bà thoát án tử
Bị người tình rủ rê đi buôn ma túy, Ly Thị Mai, sinh năm 1987, ở xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) không ngờ cuộc đời mình vướng vào ngõ cụt từ đây. May mắn cho cô, khi cả cô và nhân tình bị kết án cao nhất thì Mai biết mình mang thai. Đứa bé không chỉ là cứu cánh cuộc đời Mai, mà còn là động lực để cô quyết tâm làm lại cuộc đời.
Vì may mắn ấy nên khi nói chuyện với chúng tôi, Mai cười suốt. Đôi tay vẫn thoăn thoắt làm việc, Mai vừa làm, vừa nói chuyện khiến chúng tôi có cảm giác chị ta không phải đang may quần áo mà chính là đang vá lại cuộc đời mình.
Thoát án tử hình vì mang thai
Là con gái vùng cao, lại sinh ra ở mảnh đất có biệt danh "rốn ma túy" Na Ư, nhưng Mai may mắn hơn nhiều cô gái khác. Mai được đi học rồi được theo bộ đội biên phòng đến những gia đình nghèo khó trong bản để truyền đạt kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Theo lời Mai thì không phải bộ đội không biết nói tiếng dân tộc và cũng không phải vì đồng bào không biết tiếng Kinh, mà chỉ đơn giản là vì Mai học cao nhất bản. Sự hiện diện của cô sẽ khiến người ta tin hơn và nghe theo.
Phạm nhân Ly Thị Mai trong giờ lao động.
"Tôi giúp cán bộ thao tác cho người dân biết cách gieo hạt, biết cách nuôi cá và nắm bắt những gia đình có người lén lút đi vác thuê ma túy", Mai nhớ lại.
Giúp cán bộ làm điều tốt trong đó có cả việc tuyên truyền về tác hại của ma túy, không tiếp tay cho bọn buôn bán ma túy, thế nhưng Mai cũng không ngờ chính cô lại vướng vào vòng xoáy của ma túy.
Học đến lớp 9 Mai mới nghỉ ở nhà vì "được xuống trường nội trú học nhưng xa nhà, bố mẹ không cho". Với suy nghĩ con gái chỉ cần học thế thôi, học nhiều cãi lại chồng nên bố mẹ Mai dứt khoát không cho con gái đi học nữa. Bộ đội đến nhà vận động, họ nhất định không nghe với lý lẽ "đi học nhiều về không ai lấy".
Rốt cuộc thì Mai cũng không có ai tới ướm hỏi thật. Hỏi Mai vì sao mãi không bắt được chồng, cô cười hì hì: "tại mình thấy con trai trong bản nói chuyện chán quá, chúng nó không nói hay như bộ đội". Nghe vậy liền hỏi Mai đã thương anh bộ đội nào chưa, cô lắc đầu: "Bộ đội nhà xa lắm, suốt ngày đi rừng, đi bản cũng không bắt làm chồng được". Lý do mà Mai đưa ra là muốn có một người chồng vừa phải biết nói chuyện cho vợ cười nhưng vẫn phải làm nương giỏi.
Vì học cao nhất bản lại nhanh nhẹn nên mỗi khi được nhờ, Mai lại giúp cán bộ những việc lặt vặt như dẫn họ tới nhà những gia đình được tuyên truyền, vận động về phát triển kinh tế. Theo lời Mai kể thì những lần cùng bộ đội tới nhà dân vận động ăn ở theo nếp sống mới, dạy cách trồng cây, gieo hạt, Mai thấy đầu óc mình mở mang ra rất nhiều.
Cô đem những điều học hỏi ấy về gia đình mình áp dụng và thấy hoa màu cho nhiều trái, nhiều hạt hơn. Mai bảo, giá như không có buổi gặp định mệnh ở phiên chợ ấy, cuộc đời cô đã không phải vào đây. Chính buổi gặp ấy đã cho Mai có nhân tình.
"Anh ấy bảo quê ở Sơn La, lên đây mua thuốc nam đem về xuôi bán. Tôi tin thôi", Mai kể. Tin lời người con trai mà mình đem lòng yêu thương, Mai theo anh ta đi mua cây thuốc sau đó đưa về Hà Nội bán. Theo lời Mai thì có chuyến hai người về tận Hà Nội, song có chuyến chỉ về đến Sơn La hoặc Hòa Bình. Sau một vài lần đi theo, Mai mới biết người yêu mình buôn ma túy.
"Biết anh ta buôn ma túy sao không dừng lại", tôi hỏi, Mai lặng lẽ: "khi biết rồi tôi sợ lắm nhưng nghe anh ấy động viên, tôi lại chần chừ". Tình yêu có muôn vàn lý lẽ khiến con người ta không thể hành động đúng cho dù lý trí có mách bảo. Mai cũng thế. Cô đang say trong men tình, lại là mối tình đầu nữa nên càng khó dứt. Bao nhiêu điều nắm bắt được từ ngày giúp bộ đội những khi đi vận động, tuyên truyền, giờ đây được Mai sử dụng vào việc cùng người yêu vận chuyển ma túy. Thế nhưng "thiên bất dung gian", một thời gian sau thì cả hai cùng bị bắt.
Con là động lực cải tạo tốt
Bị kết án tử hình nhưng may mắn đã mỉm cười với Mai khi đúng vào thời khắc kinh khủng nhất ấy, cô biết tin mình mang thai. Người yêu nhận án tử, Mai không biết đã bị đưa đi thi hành án chưa hay vẫn còn ở Trại tạm giam của Công an Điện Biên. Cô thoát án tử hình và về Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) cải tạo với cái thai trong bụng. Mai bảo, đứa con là cứu cánh cuộc đời cô và cũng là dấu ấn mối tình đầu của cô nên cô sẽ cố gắng vì con mà sống tốt.
"Đứa con đã giúp tôi thoát án tử hình, giờ tôi cũng sắp đủ điều kiện để xét giảm án xuống có thời hạn. Mặc dù không được ở cùng con nhưng tôi có động lực rất lớn từ đứa con gái duy nhất và đang sống với gia đình chị gái tôi", Mai kể.
Về Trại giam Xuân Nguyên khoảng 3 tháng thì Mai sinh con gái. Đứa trẻ chào đời tại Bệnh viện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Phần tên cha để trống nhưng Mai đặt tên con là Huyền Thương. Mai bảo đặt tên con để tự nhắc nhở mình rằng phải sống tốt và thương nhớ con nhiều hơn.
"Ngày tôi sinh con, trong trại cũng có 5 phạm nhân khác cùng trở dạ. Tất cả chúng tôi được đưa lên một chiếc xe chở thẳng ra bệnh viện. Cán bộ giúp đỡ chúng tôi nhiệt tình lắm, các chị ấy còn nhường giường cho chúng tôi nằm, tự bỏ tiền túi ra mua tã lót cho các cháu", Mai kể.
Nhắc đến con gái, gương mặt Ly Thị Mai rạng rỡ hẳn lên. Cô kể rằng, ngày sinh con, cô đã khóc rất nhiều vì vui mừng. Rồi những đêm con quấy khóc, cô lại khóc vì tủi thân khi nghĩ cảnh một thân một mình nuôi con. Những cảm giác buồn vui lẫn lộn cứ thế đan xen trong lòng Mai, cho tới khi chị gái xuống đón Huyền Thương về nuôi.
"Nửa năm trời ôm con, quay quắt với tã với bỉm khiến tôi chẳng nghĩ được gì thấu đáo. Gửi con về nhà rồi, tôi nhớ con đến thắt ruột nhưng rồi những đêm nhớ con không ngủ được, tôi không khóc nữa mà nghĩ. Giờ thì tôi đã xác định được con đường mà mình phải đi rồi", Mai tâm sự. Con đường mà Mai đi, theo cô chẳng có đường nào ngắn hơn là phải cải tạo thật tốt để được giảm án.
Hỏi chuyện những ngày nuôi con trong trại giam, Mai kể, con bé ngoan, không quấy khóc gì, chỉ có một lần bị tiêu chảy phải cấp cứu ở bệnh viện 3 ngày. Lúc đó Mai rất lo nhưng được các nhân viên y tế và quản giáo chăm sóc nên con bé cũng qua khỏi. Cùng thời điểm đó, có 5 phạm nhân trong trại cùng sinh con, đều được cán bộ giúp đỡ nhiệt tình.
Kể lại lần con đi cấp cứu, Mai bảo, lần đó, 5 trẻ đang sống với mẹ trong trại đều bị tiêu chảy nhưng con của Mai và một trẻ khác bị nặng nhất. Vào viện, không có đồng tiền nào mua quà cho con, nghĩ cũng buồn và tủi, nhưng mọi chi phí trại đều lo hết. Khi Huyền Thương được 7 tháng, vào nhà trẻ thì Mai tiếp tục đi làm may ở đội 19.
18 tháng Huyền Thương đã phải xa mẹ, nhưng Mai lại vui cho dù nhiều lúc nhìn các phạm nhân khác bế con ru à ơi, cô cũng rơm rớm nước mắt. Mai bảo giữ con ở cùng chỉ thỏa mãn cho mẹ vì được gần con nhưng lại khiến con trẻ thiệt thòi vì không gian và môi trường sống. Mỗi tháng một lần gọi điện về nhà, Mai lại trò chuyện với con, nghe con kể chuyện nhà để lấy đó làm động lực phấn đấu tiếp.
"Tôi chưa đến hạn giảm án nhưng với tôi, được sống và có một đứa con gái gọi mình là mẹ thật chẳng còn ước mơ gì hơn. Tôi phải sống tốt để bù đắp thiệt thòi cho con gái", Mai bảo.
Nghe Mai kể về con, nhắc đến những lần con còn ở trại với những ốm sốt mọc răng hay chuyển mùa, chúng tôi hiểu rằng đó là những kỷ niệm đẹp mà bất cứ bà mẹ nào cũng lưu giữ trong trái tim mình. Những phạm nhân nuôi con trong trại giam, họ cũng là người mẹ, cũng có những ao ước điều tốt đẹp đến với con mình.
Hơn ai hết, họ hiểu những thiệt thòi mà con mình đang phải gánh chịu do tội lỗi chính họ gây ra. Chắc chắn dù có là bà mẹ vô tâm và thủ đoạn thế nào đi nữa thì khi bước chân vào đây, bắt con phải sống cuộc sống của người mất tự do, họ sẽ cảm thấy hối lỗi và dằn vặt. Những trăn trở ấy sẽ giúp họ sống tốt hơn, ít ra cũng vì chính những đứa con mà họ đã sinh ra trong tù.
Hưng vớ con dao khua đại về phía tiếng nói và không ngờ đã đâm trúng vợ. Tự sát theo nhưng không thành, Hưng phải trải...